Người dân đã khá quen với việc đeo khẩu trang khi ra đường cũng như tuân thủ khá tốt các quy định giãn cách xã hội. Italy hiện cũng đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa trên phạm vi toàn quốc, vốn được áp dụng kể từ ngày 9/3.
Cách đây hơn 3 tuần, bệnh viện Policlinico San Donato ở thành phố Milan, thủ phủ vùng Lombardy đã bắt đầu trở lại trạng thái hoạt động “bình thường mới”. Đây là hình ảnh hoàn toàn trái ngược với những ngày đầu đại dịch, khi bệnh viện chỉ có 500 giường này phải tiếp nhận tới 600 bệnh nhân mắc COVID-19. Khu hồi sức tích cực (ICU) của bệnh viện hiện chỉ hoạt động với khoảng 40-50% công suất. Tuy nhiên, trước đó, đã có thời điểm toàn bộ khu này chỉ dành cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Trong khoảng 20 ngày qua, bệnh viện đã không phải tiếp nhận thêm bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 nào.
Nhằm thích nghi với “tình trạng bình thường mới”, bệnh viện Policlinico San Donato đã thay đổi sơ đồ và chương trình hoạt động. Bệnh viện đã thiết lập các lối đi dành riêng cho những bệnh nhân không bị mắc COVID-19. Toàn bộ các bệnh nhân khi nhập viện đều phải được xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Những bệnh nhân cần được đưa vào các khu phẫu thuật thì phải có hai lần xét nghiệm với kết quả âm tính. Bệnh viện cũng đã dành toàn bộ một tầng để phục vụ việc giám sát, theo dõi các bệnh nhân để xem liệu họ có mắc COVID-19 hay không. Nhân viên bệnh viện thỉnh thoảng phải đi xét nghiệm. Số nhân viên ở các khu chữa trị bệnh nhân COVID-19 thì được xét nghiệm thường xuyên hơn, khoảng một tuần một lần.
Từng bị coi là "điểm nóng" dịch COVID-19 tồi tệ nhất thế giới hồi tháng 3, Italy hiện được cho đã kiềm chế khá tốt đại dịch, giống như đa số các nước châu Âu khác. Số ca tử vong do COVID-19 ở Italy đã giảm khá mạnh, hiện còn vài chục ca/ngày so với con số hàng trăm mấy tháng trước (tính đến ngày 10/7, số ca tử vong tại Italy là hơn 34.900). Số ca nhiễm mới cũng đang trong chiều hướng đi xuống, khoảng 150 - 250 ca mỗi ngày. Khoảng 80% trong số hơn 242.300 ca nhiễm ở nước này đã được chữa khỏi. Một số chuyên gia sở tại đánh giá thành công của Italy trong kiềm chế dịch COVID-19 là nhờ mức độ tuân thủ khá tốt các biện pháp giãn cách xã hội của người dân.
Trong những ngày đầu, đa số người dân Italy đều cảm thấy sốc trước các quy định giãn cách xã hội, bởi một trong những thói quen và sở thích của họ là tụ tập ở những địa điểm đông người. Nhưng điều không ngờ là người dân đã tuân thủ khá tốt các quy định của chính phủ. Thậm chí cho đến nay, khi tình hình đã được cải thiện, người dân vẫn chấp hành tốt việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong giao tiếp và thậm chí vẫn còn e sợ, chưa dám quay trở lại cuộc sống bình thường.
Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội được đánh giá là khá nghiêm túc. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza mới đây cảnh báo người nào làm lây lan dịch bệnh do không tuân thủ các quy định y tế có thể đối mặt với những mức án phạt nghiêm khắc. Thí dụ, nếu một người bị phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 và không chịu cách ly ở nhà, người đó có thể bị phạt từ 3-18 tháng tù, cộng với khoản tiền phạt có thể lên tới 5.000 euro (5.6 USD).
Ở vùng Lombardy, điểm nóng chiếm đa số ca tử vong vì COVID-19 ở Italy, hiện việc đeo khẩu trang là điều bắt buộc tại những nơi công cộng. Trường học vẫn đang đóng cửa và dự kiến đến ngày 14/9 mới mở cửa trở lại. Các quán cà phê, nhà hàng đã hoạt động nhiều tuần qua nhưng phải áp dụng các quy định giãn cách xã hội. Một số hàng quán thậm chí còn cho gắn những tấm kính chắn ngăn cách giữa các bàn ăn. Có thể sẽ là khó chịu khi chúng ta đi vào nhà hàng và ngồi ăn trong những chiếc lồng kính. Nhưng đây là cách thức hiệu quả để bắt đầu cuộc sống trở lại và người dân Italy chấp nhận trạng thái “bình thường mới” này.
Giống như hầu hết các nước châu Âu, người dân Italy giờ đây đã trở nên khá tự tin vào khả năng kiểm soát đại dịch. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều chuyên gia cho rằng sẽ không có “làn sóng lây nhiễm và chết chóc ở quy mô lớn thứ hai” ở Italy. Tiến sĩ Enrico Bucci, nhà sinh học phân tử Italy đồng thời là chuyên gia thống kê, đã đăng tải một bình luận được chia sẻ rộng rãi trên Facebook, rằng xác suất có một làn sóng thứ hai gây nhiều tử vong ở Italy như đợt đầu là "khá thấp". Tuy nhiên, ông Bucci lưu ý “nếu chúng ta càng sớm từ bỏ việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, theo dõi, cách ly và các biện pháp ngăn chặn trong bệnh viện, chúng ta sẽ càng làm gia tăng khả năng xảy ra những làn sóng dịch bệnh mới với cường độ cao".
Mặc dù vậy, một số chuyên gia nhận định nguy cơ dịch tái bùng phát ở Italy vẫn còn hiện hữu. Một ổ dịch mới gần đây ở Vùng Veneto, miền Bắc Italy đang khiến giới chức nước này quan ngại. Veneto, nơi có thành phố Venice, là một trong những điểm nóng COVID-19 đầu tiên ở Italy. Trong những tháng gần đây, vùng này được đánh giá là khá thành công trong việc hạn chế sự lây lan của đại dịch. Số lượng ca nhiễm mới tại Veneto thời gian gần đây ở mức khá thấp, chỉ chưa đầy 10 ca mỗi ngày. Nhưng việc hệ số lây nhiễm cơ bản R trong tuần qua ở Veneto tăng từ 0,43 lên 1,63 được coi là "lời cảnh báo" về khả năng dịch bệnh gia tăng trở lại. Chủ tịch Vùng Veneto, Luca Zaia cho biết ông sẵn sàng tái áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ ở vùng này nếu cần thiết.
Báo chí địa phương thống kê hiện ở Italy có khoảng 20 điểm nóng quy mô nhỏ đang được giới chức y tế theo dõi chặt chẽ. Có ít nhất 5 điểm nóng đã khiến cơ quan chức năng phải áp dụng các lệnh phong tỏa cục bộ. Bên cạnh đó, các thành viên hội đồng lập pháp địa phương tại ít nhất4 vùng trên tổng số 20 vùng của Italy đang kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với công dân từ các nước khác đến Italy nhằm ngăn chặn những ổ dịch lây nhiễm mới, vốn được cho là khó kiểm soát.
Tại vùng đảo Sardinia, giới chức địa phương đã không chờ chính quyền trung ương “ra tay” mà ngay lập tức áp dụng các biện pháp riêng. Tuần trước, 11 du khách, trong đó có 5 người từ Mỹ, đã không được phép nhập cảnh vào Sardinia sau khi bay từ bang Colorado đến hòn đảo này. Kể từ ngày 1/7, Liên minh châu Âu (EU) đã mở cửa biên giới cho du khách từ một số nước ngoài EU vốn được cho là đã kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng trong danh sách này không có Mỹ.
Giới chức y tế Italy giờ đây đã có kinh nghiệm hơn trong việc phát hiện các ổ lây nhiễm và phản ứng khá nhanh nhằm kiềm chế những ổ dịch này. Đơn cử như ngay khi một điểm nóng dịch bệnh vừa xuất hiện tại một công ty ở Bologna, công ty này đã ngay lập tức bị đóng cửa. Các quan chức y tế hiện đã biết phải làm gì nhằm ngăn không để các ổ dịch nhỏ bùng phát thành làn sóng dịch bệnh thứ hai. Nhiều ý kiến cho rằng tình hình dịch COVID-19 trong mùa Hè ở Italy có thể sẽ không gây áp lực lớn cho hệ thống y tế của nước này khi số ca nhiễm mới cũng như số ca tử vong mỗi ngày đang trong chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, những gì sẽ xảy ra trong mùa Đông vẫn là điều đáng quan ngại bởi vì thời điểm đó sẽ xuất hiện thêm dịch cúm mùa ở Italy.