Thay đổi trong quan hệ giữa Ba Lan và Hungary sau xung đột ở Ukraine bùng phát

Ba Lan và Hungary là đồng minh gần gũi trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái. Kể từ đó hai bên có sự chia rẽ khi Warsaw ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và Budapest chỉ trích sự can dự của Liên minh châu Âu (EU) vào cuộc xung đột.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (giữa) nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Hungary Katalin Novak (phải) ở Kiev ngày 26/11/2022. Ảnh: EPA

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 13/4 cho biết, mối quan hệ thân thiết một thời giữa Ba Lan và Hungary đã “thay đổi rất nhiều” do lập trường của Budapest đối với cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời lưu ý rằng Warsaw hiện đang hợp tác chặt chẽ hơn với Romania và các nước vùng Baltic.

Theo hãng tin Reuters, ông Morawiecki không nêu rõ hậu quả của mối quan hệ suy yếu với Hungary là gì, nhưng hai thành viên EU này từng là đồng minh gắn kết trong những bất đồng với Brussels về vấn đề pháp quyền, nhập cư và quyền đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).

“Mối quan hệ của chúng tôi với Hungary đã thay đổi rất nhiều vì lập trường của Hungary đối với Ukraine và Nga, đó là sự thật. Chúng tôi đã từng có sự hợp tác rất mạnh mẽ ở cấp độ nhóm Visegrad, nhưng hiện giờ thì suy giảm đi nhiều”, Thủ tướng Morawiecki nói.

Nhóm Visegrad bao gồm 4 nước: CH Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia.

“Thay vì Hungary, chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với Romania và các nước vùng Baltic, đây là lý do tại sao tôi nói rằng các nước Đông Âu, trừ Hungary, có cùng quan điểm về những gì đang diễn ra ở Ukraine”, nhà lãnh đạo Ba Lan nói thêm.

Các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Ba Lan và Hungary là đồng minh thân cận trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, nhưng kể từ đó hai nước có sự chia rẽ, với Warsaw là một trong những bên ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine, trong khi Budapest chỉ trích sự tham gia của EU vào cuộc xung đột.

Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm Ba Lan và cảm ơn nước này vì sự giúp đỡ “lịch sử”, nói rằng Warsaw nên trở thành đối tác chính trong nỗ lực tái thiết  sau khi cuộc xung đột chấm dứt.

Theo Balkaninsight.com, trong nhiều năm, Nga đã là vấn đề gây tranh cãi giữa hai giữa Ba Lan và Hungary, nhưng cả hai bên đều muốn gác vấn đề này sang một bên tập trung vào lợi ích chung, chẳng hạn như gần đây nhất là đấu tranh với Ủy ban châu Âu liên quan đến vấn đề phân bổ ngân sách, pháp quyền, hay di cư.

“Ba Lan đã coi Nga là mối đe dọa an ninh kể từ năm 2008; tuy nhiên, Hungary vẫn coi Moskva là đối tác – đây là điểm khác biệt chính”, Miklos Mitrovits, nhà sử học và chuyên gia về Trung Âu tại Đại học Hành chính Hungary, nói.

Khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, quan hệ song phương giữa Hungary và Ba Lan đã gần như chạm đáy vào mùa hè năm ngoái khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói với báo chí: “Tôi xác nhận quan điểm của Thủ tướng Orban khác với chúng tôi", sau khi ông Orban nhận xét về sự khác biệt giữa hai nước về cuộc xung đột ở Ukraine.

Kể từ đó, các cuộc họp cấp cao giữa hai nước đã bị đình trệ, thay vào đó chỉ là một loạt các cuộc họp cấp thấp, chủ yếu là giữa các quan chức tầm trung hơn là giữa các chính trị gia của chính phủ.

Andrzej Sadecki, chuyên gia về Hungary tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông tại Ba Lan (OSW), nhận định: “Vấn đề tồn tại nhất hiện nay rõ ràng là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong khi Warsaw dốc toàn lực hỗ trợ Kiev, bao gồm cung cấp vũ khí và vận động hành lang các quốc gia khác làm như vậy, thì lập trường của Budapest là ngược lại".

Mặc dù Hungary đã bỏ phiếu ủng hộ tất cả 10 gói trừng phạt của EU, nhưng Thủ tướng Viktor Orban đã chỉ trích những biện pháp này là “gây hại cho EU nhiều hơn là cho Nga”.

Hungary vẫn duy trì hợp tác năng lượng với các tập đoàn Gazprom và Rosatom của Nga - hai bên mới đây đã ký một thỏa thuận cung cấp khí đốt mở rộng và Budapest chính thức vẫn khẳng định rằng Nga sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks 2- cho rằng đó là một "sự cần thiết về kinh tế". Đồng thời, Chính phủ Hungary vẫn không muốn tham gia vào việc cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc huấn luyện binh lính của Kiev, trong khi lại có mối quan hệ không tốt với giới lãnh đạo Ukraine. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Reuters/Balkaninsight)
Hungary rời khỏi Ngân hàng Đầu tư Quốc tế do Nga kiểm soát
Hungary rời khỏi Ngân hàng Đầu tư Quốc tế do Nga kiểm soát

Hungary đã phải rút đại diện của mình tại Ngân hàng Đầu tư Quốc tế do Nga chi phối, dưới áp lực các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN