Cuộc gặp thứ 5
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vướng vào chiến tranh thương mại với Mỹ và đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang bế tắc. Đây là cuộc gặp thứ 5 giữa hai lãnh đạo nhưng là cuộc gặp đầu tiên diễn ra ở Triều Tiên. Trong năm 2018 và đầu năm 2019, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã bốn lần tới Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên trong 14 năm qua có một lãnh đạo Trung Quốc tới Triều Tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, hoạt động tiếp đón lễ tân dành cho Chủ tịch Trung Quốc được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử của Triều Tiên, và vượt xa tiếp đón "cấp cao nhất" của nước này đối với một lãnh đạo nước ngoài. Lần đầu tiên Chủ tịch Kim Jong-un cùng phu nhân ra đón lãnh đạo nước ngoài tại sân bay ở thủ đô Bình Nhưỡng, và cũng là lần đầu tiên có tới 250.000 người được huy động để đón chào một vị khách nước ngoài tới thăm. Đáng chú ý, đây còn là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo nước ngoài được tiếp đón tại Quảng trường của Cung điện Mặt trời Kumsusan ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã được thưởng thức các màn trình diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa tối 20/6 trong chương trình mang tên “Chủ nghĩa xã hội bất diệt”. Sáng 21/6, hai nhà lãnh đạo đã thăm Tháp Hữu nghị Trung-Triều, tượng đài cao 30m ở trung tâm Bình Nhưỡng được xây năm 1959 để khắc ghi hành động giúp đỡ Triều Tiên của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chúng ta có mặt ở đây để tưởng nhớ lịch sử huy hoàng của thế hệ đi trước đã chiến đấu sát cánh bên nhau và để khuyến khích thế hệ tương lai giữ gìn tình bằng hữu truyền thống. Chúng ta phải truyền lại tình bạn này để củng cố chủ nghĩa xã hội, phục vụ tốt hơn nhân dân và thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng trong khu vực”.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cho biết trong cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong hai ngày 20 và 21/6, Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết tâm ủng hộ con đường chiến lược mới của Triều Tiên. Ông Tập Cận Bình phát biểu: “Chuyến thăm này đã thành công toàn diện trong củng cố mối quan hệ truyền thống giữa hai nước. Chuyến thăm đã đặt ra phương hướng phát triển trong tương lai cho mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên trong kỷ nguyên mới và cũng cho thế giới bên ngoài thấy quyết tâm vững chắc của Trung Quốc và Triều Tiên trong đạt giải pháp chính trị cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên và đạt được hòa bình lâu dài trong khu vực”.
Theo ông Tập Cận Bình, tình bạn giữa hai nước phù hợp với nguyện vọng nhân dân hai bên và duy trì mối quan hệ này là một chính sách không gì lay chuyển được của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc.
Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên dẫn lời Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh quan hệ bền vững của Trung Quốc với Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong-un cho biết ông rất biết ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc trong quá khứ và một lần nữa cam kết tăng cường quan hệ hai nước.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Chủ tịch Kim Jong-un đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng chuyến thăm của ông mang tính quyết định trong chứng minh với thế giới tình bạn bất diệt giữa hai quốc gia.
Xem video tổng hợp về chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình (nguồn: CCTV):
KCNA cho rằng các vấn đề quốc tế phức tạp và nghiêm trọng đã khiến việc Trung Quốc và Triều Tiên tăng cường quan hệ song phương càng trở nên quan trọng hơn. Đề cập tới cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo ngày 20/6, KCNA viết: “Lãnh đạo tối cao đã trao đổi nhiều quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế với Chủ tịch Tập Cận Bình trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế có nhiều thay đổi phức tạp và nghiêm trọng”.
KCNA cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý liên lạc chiến lược chặt chẽ và làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Về vấn đề hạt nhân, Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi nỗ lực của Triều Tiên trong tiến tới phi hạt nhân hóa và cho biết ông hy vọng Triều Tiên và Mỹ có thể tiếp tục đàm phán và đạt được tiến triển.
Thời điểm chuyến thăm
Chuyến thăm Triều Tiên lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình diễn ra sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai kết thúc tại Hà Nội mà không ra được tuyên bố chung. Trong khi đó, Trung Quốc đang vướng vào cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ.
Chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình cũng diễn ra chỉ một tuần trước khi ông gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản. Theo CNN, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể bàn về cuộc chiến thương mại và quá trình đàm phán với Triều Tiên.
Ông Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hong Kong (Trung Quốc) nhận định vị trí của Trung Quốc với Triều Tiên là không thay đổi. Ông nói: “Trung Quốc vẫn là người ủng hộ quan trọng của Triều Tiên và lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở Bán đảo Triều Tiên luôn nhất quán”. Trung Quốc luôn thúc đẩy “ba không” trên Bán đảo Triều Tiên: không vũ khí hạt nhân, không chiến tranh và không hỗn loạn.
Theo ông Zhang Baohui, mặc dù Trung Quốc phối hợp với cộng đồng quốc tế để phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên nhưng nước này phản đối bất kỳ biện pháp nào có thể dẫn tới chiến tranh và bất ổn. Vị trí địa chính trị sát nhau giữa Triều Tiên và Trung Quốc có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách này để đảm bảo lợi ích cốt lõi.
Các nhà quan sát cho rằng khi có được cam kết của Chủ tịch Kim Jong-un trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên qua phương tiện chính trị, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có thêm lợi thế để “mặc cả” với Tổng thống Trump trong cuộc gặp sắp tới.
Bà Jenny Town, biên tập viên chính tại trang phân tích về Triều Tiên North, nhận định chuyến thăm có giá trị biểu tượng khi diễn ra ngay trước thềm hội nghị G20.
Ông Daniel Russel, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Hiệp hội châu Á, nhận định: “Chủ tịch Tập Cận Bình muốn nhấn mạnh rõ rằng Trung Quốc là một bên chủ chốt không thể bị gạt ra ngoài các quyết định liên quan tới an ninh ở châu Á”.
Ông Evans Revere, cựu trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phục trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thời chính quyền Tổng thống Bill Clinton, lại cho rằng Triều Tiên sẽ không phải là quân bài trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Ông cho rằng Trung Quốc coi vấn đề Triều Tiên và thương mại là hai vấn đề riêng rẽ. Theo ông, thông điệp mà Trung Quốc gửi tới Mỹ lần này có thể là: Trước khi gặp Mỹ, Trung Quốc sẽ gặp đồng minh và đối tác Triều Tiên.
Tuy vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ các nhận định trên, cho rằng các nhà phân tích đã “nghĩ quá nhiều”.