Thế giới sẽ ra sao nếu khu vực đồng euro sụp đổ?

Bất kỳ thất bại nào của khu vực đồng euro (Eurozone) cũng đều gây ra những cú sốc trên toàn thế giới, làm đảo lộn cán cân địa chính trị và thậm chí có thể khiến người ta phải đánh giá lại một cách căn bản về tương lai của thế giới.

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu chật vật tìm một giải pháp đáng tin cậy cho cuộc khủng hoảng nợ công, nguy cơ về một hoặc nhiều nước rời bỏ Eurozone và nguy cơ vỡ nợ ngày càng tăng. Điều này khiến giới chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, giới quan sát thấy hoài nghi chính giả thiết của họ là một châu Âu ngày càng thống nhất sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thế giới đa cực mới.

Thomas Barnett, nhà chiến lược hàng đầu của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Wikistrat tại Mỹ, nhận xét: "Mỹ - một trong những trụ cột quan trọng của toàn cầu hóa - đang bước vào giai đoạn khó khăn và đang hướng nội. Nay, châu Âu - một trụ cột chính khác - xem ra sắp nổ tung". Việc này có thể làm cho các cường quốc trong lục địa châu Âu ngày càng bị gạt ra rìa trong khi Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và những nước khác trỗi dậy.

Theo các nhà phân tích, chí ít thế giới sẽ phải quen với một châu Âu không còn tự tin và ít muốn can dự vào các vấn đề quốc tế hơn. Sau nhiều cuộc họp không giải quyết được vấn đề, danh tiếng của một số cơ chế "cầm trịch" thế giới và một thế hệ những nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế lừng danh đã bị sứt mẻ nghiêm trọng đến mức hầu như không thể cứu vãn được. Thomas Kleine-Brokhoff, chuyên gia về chiến lược của một viện tư vấn thuộc Hiệp hội George Marshall (Mỹ), nói: "Thậm chí nếu cuộc khủng hoảng kết thúc vào ngày mai nhờ một phép màu nào đó, các nhà chiến lược cũng vẫn xem xét lại quan điểm của mình về châu Âu. Họ không còn cho rằng châu Âu chắc chắn đang trên con đường hội nhập hơn nữa để trở thành một khối thống nhất".
Việc này cũng khiến các khu vực khác từng muốn thành lập các khối khu vực theo kiểu Liên minh châu Âu và hội nhập hơn nữa phải nghĩ lại. Nikolas Gvosdev, một giáo sư nghiên cứu về an ninh quốc gia, nhận định: "Châu Âu từng được xem là mô hình để các khu vực khác noi theo. Điều này cần phải xem xét lại".

Đối với một số người, bất kỳ sự tan rã nào của Eurozone (dù có dẫn tới sự sụp đổ của EU hay không) đều là một dấu hiệu khác cho thấy phương Tây suy tàn nhanh ngoài dự đoán. Chuyên gia Kleine-Brokhoff nói: "Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều cường quốc mới khác, không coi đây chỉ đơn giản là cuộc khủng hoảng ở Eurozone, mà là cuộc khủng hoảng của các nước giàu và khiến họ thêm tin rằng thời của mình đã đến".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng suy nghĩ như vậy có thể là hão huyền. Michael Denison, cựu cố vấn cấp cao cho cựu Ngoại trưởng Anh David Miliband, hiện là giám đốc phụ trách nghiên cứu cho Công ty tư vấn Kiểm soát rủi ro, nói: "Chớ vội mừng vì rốt cuộc chẳng ai thắng cả bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng và nợ công hiện nay làm tổn thương tất cả mọi người".

Theo phần lớn các nhà phân tích, các thị trường mới nổi khác có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng châu Âu theo nhiều cách khác nhau. Mạng tin Stratfor cho rằng Trung Quốc có thể là nước chịu thiệt hại nặng nhất. Stratfor dự đoán: "Những luồng vốn đổ về các nước như Việt Nam, Braxin, nhiều nước ở châu Phi sẽ cạn kiệt; đồng thời cũng chấm dứt tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Trung Quốc bởi lẽ châu Âu là thị trường lớn nhất của Trung Quốc. Điều này sẽ gây ra cú sốc rất lớn tại Trung Quốc, có thể dẫn đến cách mạng xã hội".

Trong khi đó, nhà chiến lược Barnett cho rằng nếu vẫn tồn tại một Eurozone nhỏ hơn tập hợp quanh Đức trong khi các nước Địa Trung Hải đi theo con đường riêng của mình, thì toàn bộ trọng tâm địa chính trị tại lục địa châu Âu có thể thay đổi. Ông cho rằng các nước Bắc Âu có thể chú trọng hơn vào các nước Đông Âu. Trong khi đó, các nước Nam Âu sẽ hội nhập nhiều hơn với Bắc Phi và phần còn lại của Địa Trung Hải.

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN