Ngày 14/2, nhằm tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa một lần nữa, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật chi tiêu 300 tỷ USD, trong đó cấp ngân sách hơn 1,3 tỷ USD cho an ninh biên giới.
Sau đó một ngày, Tổng thống Trump đã ký phê chuẩn dự luật này để chính phủ hoạt động tới tháng 9. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới từ Vườn Hồng tại Nhà Trắng ngày 15/2, Tổng thống Trump cho biết ông đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động đủ ngân sách xây tường biên giới Mỹ-Mexico. Động thái này được nhận định là sẽ khiến Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức thời gian tới.
Nguyên do dẫn đến hành động của Tổng thống Trump là dự luật ngân sách được lưỡng viện Quốc hội thông qua mặc dù giúp Chính phủ có đủ ngân sách hoạt động đến hết tài khóa này song chỉ có 1,375 tỷ USD được cấp để xây dựng hàng rào ở Thung lũng Rio Grande dọc biên giới phía Nam.
Không hài lòng với khoản tiền ít hơn nhiều so mức 5,7 tỷ USD theo yêu cầu trước đó, Tổng thống Trump công bố quyết định hành pháp ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với mục đích để huy động ngân sách cho kế hoạch xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Bằng hành động này, Tổng thống Trump có thể tiếp cận khoản ngân sách khoảng 8 tỷ USD từ các bộ ngành để đủ kinh phí xây dựng bức tường biên giới mà không cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội.
Theo các nhà phân tích, động thái ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Trump cho thấy quan điểm cứng rắn của ông trong việc ưu tiên chính sách về an ninh biên giới như cam kết trước đó, nhưng sẽ kéo người đứng đầu Nhà Trắng vào một cuộc chiến pháp lý dai dẳng. Thậm chí ngay cả Tổng thống Trump cũng nhận thức được những khó khăn pháp lý mà mình phải đối mặt. "Tôi sẽ ký các văn bản cuối cùng ngay khi vào Phòng Bầu dục và chúng ta sẽ có tình trạng khẩn cấp quốc gia, và sau đó chúng tôi sẽ bị kiện", Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với việc bị các nghị sĩ, đặc biệt thuộc đảng Dân chủ, kiện vì lạm dụng quyền lực. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nhấn mạnh Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ là hành động “lạm quyền” nhằm đánh lạc hướng chú ý khỏi thực tế rằng Tổng thống Trump đã không thể buộc Mexico trả tiền cho bức tường biên giới như ông từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử. Ủy ban Tư pháp Hạ viện hiện do phe Dân chủ kiểm soát cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Không chỉ có vậy, Tổng thống Trump còn phải đối mặt với khả năng bị những người được hưởng lợi từ các dự án tái thiết, khắc phục hậu quả thiên tai ở California kiện lên tòa án, vì rõ ràng nguồn tiền dành cho họ lại bị chuyển cho việc xây tường biên giới. Hậu quả kéo theo là công tác xây tường có thể bị ngưng trệ, kéo dài vì phán quyết của thẩm phán về việc tái phân bổ ngân sách.
Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng còn bị những chủ đất nông trại có phần bức tường biên giới đi ngang qua kiện nếu gặp bất trắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Cụ thể, chỉ trong vài giờ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố, ba chủ đất tại Texas đã đâm đơn kiện, cho rằng tuyên bố của ông Trump vi phạm Hiến pháp Mỹ và bức tường sẽ vi phạm quyền sở hữu tài sản của họ.
Theo Hiến pháp Mỹ, các quyết định về việc sử dụng tiền đóng thuế và hoạch định chính sách là do lưỡng viện Quốc hội ban bố. Tuy nhiên, Đạo luật về Tình trạng khẩn cấp quốc gia năm 1976 cho phép tổng thống có thể sử dụng nguồn quỹ mà không cần sự đồng thuận của Quốc hội. Sự mơ hồ trong quy định thế nào là “tình trạng khẩn cấp” được cho là căn cứ để Tổng thống Trump có thể dễ dàng tuyên bố tình trạng trên.
Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh cam kết tranh cử xây dựng bức tường biên giới phía Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu và hành động cần thiết để bảo vệ nước Mỹ trước nạn buôn bán ma túy, tội phạm và dòng người nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, chương trình nghị sự này vấp phải sự phản đối quyết liệt của đảng Dân chủ, dẫn tới tình trạng dự luật ngân sách không thể được thông qua và Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa một phần trong 35 ngày.