Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/2 đã ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, một thẩm quyền mà ông sử dụng để huy động ngân sách xây dựng bức tường biên giới, sau khi thỏa thuận đạt được với quốc hội trước đó một ngày chỉ cho phép rót số tiền ít ỏi 1,375 tỉ USD cho dự án này so với mức 5,7 tỉ USD mà nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu.
Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để lấy thêm nguồn tài chính xây dựng bức tường biên giới với Mexico, Tổng thống Trump viện dẫn thẩm quyền đặc biệt để vượt qua quyền hạn của Quốc hội.
Theo tờ New York Times, đảng Dân chủ chắc chắn đang sôi sục trong khi một số thành viên của đảng Cộng hòa cũng bất an trước quyết định của tổng thống. Và để ngăn chặn lệnh tình trạng khẩn cấp, các nhà lập pháp có hai con đường - một ở Quốc hội, một nơi tòa án.
Trước hết, quyền ban bố tình trạng khẩn cấp là gì?
Tổng thống Mỹ có thẩm quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để tăng cường quyền hành pháp bằng cách thiết lập những ngoại lệ để bản thân có thể vượt quá các nguyên tắc. Động thái này sẽ cho phép chính phủ phản ứng nhanh chóng với tình trạng khẩn cấp mà nước Mỹ đang phải đối mặt.
Đạo luật Khẩn cấp quốc gia, có hiệu lực năm 1976 trong kỷ nguyên cải cách sau vụ bê bối Watergate, quy định cách thức tổng thống có thể thực thi quyền lực này. Đạo luật yêu cầu tổng thống chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và thông báo với quốc hội quy chế nào đang được kích hoạt.
Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp để lấy tiền xây tường như thế nào?
Theo báo trên, chính quyền của Tổng thống Trump có thể dựa vào hai bộ luật cho phép xây dựng bức tường biên giới mà không cần ngân sách cấp phép từ quốc hội.
Một luật cho phép Bộ trưởng Lục quân ngừng các dự án xây công trình quân sự sau khi tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Thay vào đó, Bộ trưởng Lục quân sẽ chỉ đạo binh sĩ và các nguồn lực khác chuyển sang xây dựng các công trình dân sự, quốc phòng dân sự - như bức tường biên giới trong trường hợp này.
Một luật khác cho phép Bộ trưởng Quốc phòng bắt đầu các dự án xây dựng quân sự trong tình trạng khẩn cấp dù không được luật cho phép nhưng lại cần thiết với các lực lượng vũ trang. Các dự án này sử dụng ngân sách do quốc hội cấp phép, song khoản tiền chưa được phân bổ cho những dự án cụ thể.
Với hai luật trên cũng như các luật tương tự, Tổng thống Mỹ có thể linh hoạt dùng ngân sách trong tình trạng khẩn cấp.
Video hoạt động xây tường - hàng rào biên giới được triển khai trong năm 2018:
Quốc hội có thể làm gì để ngăn cản?
Quốc hội Mỹ không có quyền ngăn tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, theo Đạo luật Khẩn cấp quốc gia, Hạ viện và Thượng viện có thể đưa ra một nghị quyết chung nhằm chấm dứt tình trạng khẩn cấp nếu họ tin rằng tổng thống đang hành động thiếu trách nhiệm hoặc mối đe dọa đã tan biến. Mặc dù vậy, các nhà lập pháp Mỹ đã không sử dụng quyền lực này trong hơn 40 năm qua.
Nghị sĩ Dân chủ Joaquin Castro, đại diện bang Texas và là người đứng đầu nhóm nghị sĩ Hispanic, hôm 14/2 cho biết ông sẵn sàng đưa ra một nghị quyết như vậy nếu Tổng thống Trump ký sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Với đa số khá áp đảo tại Hạ viện, đảng Dân chủ rất có thể sẽ thông qua nghị quyết đó hoặc một văn kiện tương tự.
"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc ban hành nghị quyết chung để chấm dứt tuyên bố khẩn cấp của Tổng thống, theo quy trình được mô tả trong Đạo luật Khẩn cấp quốc gia và sẵn sàng theo đuổi tất cả các lựa chọn pháp lý khác", Hạ nghị sĩ Jerrold Nadler, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện khẳng định.
Đạo luật Khẩn cấp quốc gia cũng quy định, nếu một viện quốc hội thông qua nghị quyết chấm dứt tình trạng khẩn cấp thì viện còn lại phải đưa ra bỏ phiếu trong vòng 18 ngày. Mặc dù đảng Dân chủ chiếm thiểu số tại Thượng viện, nhưng phe Dân chủ sẽ chỉ cần một số ít thành viên đảng Cộng hòa tham gia cùng họ để có thể thông qua nghị quyết tại Thượng viện và gửi nó tới bàn của Tổng thống Trump.
Tờ New York Times cho rằng "thật dễ dàng để tưởng tượng có đến nửa tá hoặc nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa tham gia phe Dân chủ" vì họ lo ngại hành động của ông Trump sẽ gây ra một tiền lệ nguy hiểm.
Tổng thống sẽ làm gì tiếp theo?
Giống như bất kỳ dự luật nào khác được gửi tới bàn của tổng thống, ông Trump có thể phủ quyết nghị quyết chung của Quốc hội về chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia, miễn là nó không được thông qua với đa số tuyệt đối (quá 2/3 số phiếu thuận) ở cả Hạ viện và Thượng viện.
Quy định về đa số tuyệt đối (chứ không phải đa số tối thiểu là quá bán) khiến Quốc hội Mỹ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tổng thống. Tại Thượng viện Mỹ khóa 116 hiện nay, đảng Cộng hòa đang chiếm đa số với 53 ghế, đảng Dân chủ giữ 47 ghế.
Cơ hội ngăn chặn với Lưỡng viện Quốc hội Mỹ
Có khoảng 6 nghị sĩ Cộng hòa của Tổng thống đã công khai phản đối tuyên bố tình trạng khẩn cấp. "Tôi không tin rằng Luật Khẩn cấp quốc gia đã dự tính việc một tổng thống thay đổi mục đích sử dụng hàng tỉ đôla nằm ngoài quy trình thông thường. Tôi cũng tin rằng điều đó không chắc là hợp hiến và sẽ gặp thách thức tại tòa án", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins phát biểu hôm 14/2.
Tuy nhiên, rất khó có khả năng đảng Dân chủ có thể nhận đủ lá phiếu ủng hộ từ các nhà lập pháp Cộng hòa tại Hạ viện hoặc Thượng viện để hội đủ số phiếu ủng hộ quá 2/3, nhằm "khóa" luôn quyền phủ quyết của tổng thống.
Song họ cũng có thể cố gắng tìm sự ủng hộ của lưỡng đảng cho việc xây dựng luật ngăn chặn Tổng thống Trump rút tiền để xây tường từ các quỹ do quốc hội phân bổ để cứu trợ thảm họa.
Lúc này, đảng Dân chủ dường như có hai sự lựa chọn. Hạ viện có thể hoặc hỗ trợ một vụ kiện thách thức Tuyên bố tình trạng khẩn cấp do bên thứ ba đưa ra hoặc tự đứng ra nộp đơn kiện.
Tuy vậy, có nhiều câu hỏi về cơ sở pháp lý của Hạ viện nếu họ tự đứng ra kiện Tổng thống Trump. Các nhà lãnh đạo Hạ viện và luật sư của họ sẽ phải quyết định xem có đáng để mạo hiểm nộp đơn kiện hay không, để rồi bị bác bỏ bởi một thẩm phán vì thiếu cơ sở.
Bất kể vậy thì một thách thức pháp lý có khả năng sẽ "trói buộc" các nỗ lực của Tổng thống Trump vào tòa án trong một thời gian dài. Nếu sắc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia lần này bị đưa ra tòa, dự án xây tường biên giới phía Nam của nhà lãnh đạo Mỹ nhiều khả năng sẽ bị trì hoàn nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.