Trung -Ấn nỗ lực giảm căng thẳng
Ngày 11/9, Trung Quốc và Ấn Độ ra thông cáo báo chí chung, khẳng định hai bên đã đạt được đồng thuận 5 điểm về những diễn biến ở biên giới giữa hai nước cũng như quan hệ song phương. Kết quả này có được sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 10/9 tại Moskva (Nga).
Theo đó, hai bên nhất trí tuân thủ các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được về phát triển quan hệ song phương, nhấn mạnh không để các bất đồng diễn biến thành tranh chấp. Ghi nhận tình hình hiện nay ở biên giới không có lợi đối với cả hai nước, hai bên nhất trí rằng các lực lượng hai nước ở biên giới tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và giảm căng thẳng.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Ấn Độ cho rằng hai bên cần tuân thủ các thỏa thuận và nghị định song phương về vấn đề biên giới, duy trì hòa bình ở khu vực biên giới và tránh mọi hành động có thể làm leo thang tình hình.
Hai bên nhất trí duy trì đối thoại và liên lạc thông qua cơ chế Đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới, đồng thời tiếp tục tiến hành các cuộc họp trong khuôn khổ Cơ chế tham vấn và điều phối các vấn đề biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Hai Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy nhanh hoàn tất các biện pháp mới nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, duy trì và tăng cường hòa bình, an ninh ở khu vực biên giới.
Trong tuyên bố ngày 11/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ duy trì liên lạc với Ấn Độ thông qua kênh ngoại giao và quân sự, đồng thời cam kết sẽ "khôi phục hòa bình và sự yên bình" tại khu vực biên giới tranh chấp của hai bên.
Trên thực địa cũng đã xuất hiện tín hiệu hòa hoãn mới nhất sau khi hai bên đạt thỏa thuận năm điểm. Truyền thông Ấn Độ ngày 12/9 cho biết Quân đội Trung Quốc cùng ngày đã trao trả cho phía Ấn Độ 5 công dân mất tích hôm 2/9 và được cho là bị Trung Quốc bắt giữ. Việc trao trả được thực hiện tại một địa điểm gần Kibithu, quận Anjaw thuộc bang Arunachal Pradesh.
Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ đột ngột căng thẳng trở lại sau khi hai bên cáo buộc lẫn nhau nhau nổ súng trước trong một cuộc đối đầu mới nhất ở khu vực biên giới Tây Himalaya. Ấn Độ ngày cho biết tối 7/9, binh sĩ Trung Quốc tiến gần đến phần của Ấn Độ kiểm soát tại Ranh giới thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh. Khi bị binh sĩ Ấn Độ ngăn cản, binh sĩ Trung Quốc đã bắn chỉ thiên nhằm đe dọa binh sĩ Ấn Độ.
Về phần mình, Trung Quốc khẳng định binh sĩ Ấn Độ đã vi phạm đường ranh giới không chính thức ở phía Nam hồ Pangong Tso, nói rằng binh sĩ Ấn Độ đã đe dọa nổ súng vào lực lượng tuần tra biên giới của Trung Quốc khi lực lượng này đến để đàm phán, khiến lính biên phòng Trung Quốc buộc phải có biện pháp đáp trả để ổn định tình hình. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định binh sĩ Ấn Độ đã vượt qua LAC trái phép và là phía nổ súng trước, coi đây “một sự khiêu khích quân sự nghiêm trọng".
Tiến trình Brexit gặp khó
Ngày 10/9, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier cho biết EU đang nỗ lực chuẩn bị cho một Brexit "không thỏa thuận", sau khi vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa EU và Anh kết thúc với kết quả gây thất vọng trên nhiều phương diện.
Ông Barnier cho biết EU đã thể hiện sự linh hoạt trước yêu cầu của phía Anh về các vấn đề nghề cá và tư pháp tại Tòa công lý châu Âu cũng như nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Anh đã không thể hiện sự thiện chí có đi có lại đối với các nguyên tắc và lợi ích cơ bản của EU. Sự khác biệt lớn vẫn tồn tại trong các lĩnh vực được coi là mối quan tâm chủ chốt đối với EU.
Ông Barnier chỉ trích Anh có ý định lật lại các nội dung của Thỏa thuận rút lui đã được ký kết năm 2019 với EU, từ chối lời kêu gọi của khối về đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng trên thị trường, cũng như về các vấn đề liên quan tới môi trường, khí hậu, xã hội và tiêu chuẩn lao động. Trưởng đoàn đàm phán của EU tuyên bố mọi người không nên đánh giá thấp những hậu quả thực tế, cả về kinh tế và xã hội của một kịch bản "Brexit không thỏa thuận".
Về phần mình, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost đã kêu gọi EU thực tế hơn trong các cuộc đàm phán, nhấn mạnh rằng vẫn còn thời gian để hai bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề nhà ở, cộng đồng của Anh Robert Jenick nêu rõ trong trường hợp cần thiết, London sẵn sàng ra đi mà không có thỏa thuận, đồng thời hối thúc 27 nước thành viên trong khối có sự linh hoạt trong quá trình đàm phán.
Tiến trình đàm phán Brexit gặp khó sau khi Anh đột ngột thể hiện quan điểm cứng rắn. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 6/9 đã đặt thời hạn chót để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU vào ngày 15/10 tới. Văn phòng Thủ tướng Anh khẳng định, nếu hai bên không đạt thỏa thuận thương mại tự do song phương, Anh sẽ có một thỏa thuận "theo kiểu Australia" với EU, hoặc tương tự như với Canada và các nước khác. Hiện Australia đang giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).
Trong một trả lời phỏng vấn báo chí hiếm hoi công bố cùng ngày, trưởng đoàn đàm phán của Anh, David Frost, đã không bày tỏ nhiều kì vọng về khả năng tạo ra đột phá, cam kết sẽ không thỏa hiệp "giới hạn đỏ" của London.
Điểm nghẽn lớn nhất nằm nằm ở thay đổi trong cách tiếp cận của Anh đối với các cuộc đàm phán thương mại - yếu tố then chốt của Brexit. Anh được cho là đang soạn thảo các nội dung mới, theo đó sẽ thay thế một số "hạng mục quan trọng" trong Thỏa thuận rút khỏi EU, một bước mà nếu được thực hiện có thể gây tổn hại tới thỏa thuận hai bên đã ký tháng 1 vừa qua, thậm chí làm gia tăng căng thẳng ở Bắc Ireland.
Văn kiện mới do Anh soạn thảo cũng được cho là loại bỏ tính hiệu lực pháp lý của một số điều khoản của thỏa thuận Brexit trong một số lĩnh vực như như trợ giá chính phủ và thuế quan của Bắc Ireland.