Cuộc đua lựa chọn gương mặt kế nhiệm ông Abe
Việc Thủ tướng Shinzo Abe đột ngột rời nhiệm sở vì lý do sức khỏe đã dẫn đến một cuộc đua trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cho vị trí hàng đầu này. Chưa có ứng viên nào được coi là đột phá nhất.
Tờ Japan Times (Nhật Bản) cho biết bất kể nhân vật nào kế nhiệm Thủ tướng Abe cũng phải đương đầu với tình hình kinh tế khó khăn do dịch COVID-19.
Những gương mặt tiềm năng bao gồm cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, cả hai chính trị gia này đều bày tỏ muốn kế nhiệm Thủ tướng Abe không lâu sau khi ông tuyên bố từ nhiệm vào ngày 28/8. Bên cạnh đó, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cũng là ứng viên tiềm năng nhưng lại tránh đề cập đến ý định của bản thân.
Chủ tịch Ủy ban Chiến lược bầu cử LDP Hakubun Shimomura xác nhận sẽ tranh cử. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada và cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Seiko Noda cũng cân nhắc ứng cử.
Chính Thủ tướng Abe cũng từ chối đề cập đến tên nhân vật có thể kế nhiệm. Thay vào đó, ông khuyến khích đảng LPD nhanh chóng đưa ra quyết định.
Lãnh đạo LDP thường được lựa chọn bởi bầu cử. Sau ít nhất 12 ngày vận động, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức và bất cứ ai giành được đa số trong tổng 788 phiếu sẽ giành chiến thắng. Trong đó, các nghị sĩ LDP tại quốc hội chiếm 394 phiếu, còn 394 phiếu còn lại dành cho thành viên khác của LDP.
Lá phiếu của thành viên LDP thường sẽ được gửi qua thư từ khắp Nhật Bản, điều này sẽ mất thời gian. Trong trường hợp phải lựa chọn nhà lãnh đạo một cách gấp rút thì có khả năng phiên bản bầu cử giảm quy mô sẽ được tổ chức với chỉ các nghị sĩ LDP tại quốc hội và 3 thành viên đảng đại diện 47 tỉnh thành như vậy tổng số phiếu là 535. Tổng thư ký đảng LDP Toshihiro Nikai cho biết ngày bầu cử dự kiến là 15/9.
Người chiến thắng sẽ thay thế Thủ tướng Abe đến hết nhiệm kỳ của ông vào tháng 9/2021. Sau đó sẽ có một cuộc bầu cử khác quyết định lãnh đạo LDP trong 3 năm tiếp theo.
Địa Trung Hải "nóng" vì Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ về lãnh hải tại phía Đông Địa Trung Hải đã “tái phát” bởi lãnh đạo hai quốc gia đều chỉ trích lẫn nhau bất chấp nỗ lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 4/9 cho biết Athens sẽ chỉ đàm phán với Ankara để giải quyết căng thẳng một khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng “khiêu khích”.
Khẩu chiến đã gia tăng từ tháng 8 khi Thổ Nhĩ Kỳ cử tàu khảo sát tới khu vực tranh chấp về khai thác năng lượng với Hy Lạp. Trước đó, Hy Lạp và Ai Cập đạt được một thỏa thuận hàng hải. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều tự nhận quyền khai thác dầu khí trong khu vực này.
Thủ tướng Mitsotakis nêu rõ: “Đất nước chúng tôi có thể và muốn bàn luận về phân chia hải giới ở Biển Aegean, tại Đông Địa Trung Hải, dựa trên luật lệ quốc tế, không phải dưới đe dọa. Một khi không còn khiêu khích, đàm phán sẽ bắt đầu”.
Nhà lãnh đạo Hy Lạp cũng bổ sung rằng ngoại trưởng nước này đã chuyển lá thư nhấn mạnh về trường hợp của Athens tới Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 4/9.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ lại cáo buộc Hy Lạp lảng tránh đối thoại.
Ngày 3/9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu đối thoại kỹ thuật nhưng chưa đồng ý về một thỏa thuận để tránh sự cố tại Đông Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, tối 3/9, Hy Lạp nói rằng nước này chưa bao giờ đồng ý với đối thoại kỹ thuật.
Liên minh châu Âu (EU) đã nhiều lần đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ ngưng hoạt động khai thác trong khu vực và đe dọa trừng phạt Ankara nếu từ chối giải quyết tranh chấp qua đối thoại.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp ngày 2/9 cho biết nước này cùng Pháp, Cyprus và Italy đã nhất trí tập trận chung tại phía Đông Địa Trung Hải.