Trong khi chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến vấn đề sáp nhập Crimea, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi trước đó, chính ông đã đưa ra đề nghị nhằm khởi động lại mối quan hệ giữa Washington và Moskva.Ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama đã đề nghị Nga cùng phối hợp để giải quyết một số mục tiêu quan trọng của mình, trong đó có việc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran và gần đây hơn, giải quyết cuộc nội chiến ở Syria trước khi nó lan rộng hơn nữa ở Trung Đông. Lúc này ông Obama nhận thấy rằng thật khó để có thể trừng phạt Nga về vấn đề sáp nhập Crimea mà không làm ảnh hưởng tới sự hợp tác khác.
Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh rằng Mỹ không thể quay trở lại một mối quan hệ bình thường như trước đây với Moskva chừng nào ông Putin vẫn còn kiểm soát Crimea, bán đảo chiến lược quan trọng mới được sáp nhập vào Nga.
Chính xác những gì có thể thay đổi trong mối quan hệ với Nga vẫn còn đang là vấn đề tranh luận tại Nhà Trắng. Susan Rice, Cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama cho biết, sự sáp nhập Crimea của Nga "đang khiến cho các quốc gia và người dân châu Âu và cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ phải đánh giá lại xem điều này có ý nghĩa gì và nó có những tác động gì?".
Tổng thống Mỹ Obama (phải) và Tổng thống Nga Putin. |
Nhưng ngay cả khi giới chức Mỹ cảnh báo về mối quan hệ với Nga bị suy giảm, họ cũng đang phải tìm cách "cách ly" các ưu tiên chính sách đối ngoại cấp bách nhất của ông Obama nhằm tránh bất kỳ tác hại lớn nào có thể xảy ra và đây là một số ví dụ đáng lo ngại đối với Mỹ: Nga là một bên trong nhóm đàm phán quốc tế về vấn đề hạt nhân của Iran; Moskva có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng Syria sẽ tiếp tục kế hoạch giải trừ kho vũ khí hóa học của nước này; Nga cũng cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ của mình thay cho tuyến đường qua Pakistan để vận chuyển binh lính và trang thiết bị của NATO ra khỏi Afghanistan, kết thúc một cuộc chiến kéo dài, hao tiền tốn của.
Bên cạnh đó, giữa Nga và Mỹ còn có sự hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Trong một cuộc phỏng vấn tại Washington, ông John Logsdon, nhà khoa học người Mỹ, thành viên của Hội đồng tư vấn NASA cho biết, trong lĩnh vực hàng không vũ trụ thì Mỹ phụ thuộc rất lớn vào Nga. Nếu việc vận chuyển người và hàng hóa vào không gian bị gián đoạn bởi những cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine thì đó là một thảm họa. Ngoài ra, còn một vấn đề nữa - dù chỉ là mối quan tâm của châu Âu, nhưng Mỹ cũng cần phải lưu ý - đó là một sự rạn nứt sâu sắc hơn với Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng quan trọng hiện đang chảy vào các nước châu Âu.
Các quan chức tại Washington nói thêm rằng họ muốn cắt đứt sự hợp tác trong những lĩnh vực mà Nga sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với Mỹ. Ví dụ, dừng các hoạt động quân sự chung và hủy bỏ các cuộc đàm phán thương mại với Moskva. "Chúng ta phải đáp ứng những thách thức đối với lý tưởng của chúng ta, đối với trật tự thế giới, với sức mạnh và niềm tin", ông Obama nói tại Brussels ngày 26/3 sau khi kết thúc 3 ngày đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hà Lan và Brussels liên quan đến vấn đề Nga sáp nhập Crimea.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G-7 thống nhất sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh của G-8 (G-7 và Nga) dự kiến diễn ra trong tháng 6 tới tại Sochi (Nga), và quyết định chuyển địa điểm tổ chức Hội nghị G-7 (không có Nga) sang Bỉ vào cùng thời gian. Các đồng minh phương Tây cũng nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mở rộng đối với Nga nếu nước này can thiệp sâu hơn vào Ukraine.
Nhưng cho đến nay, những biện pháp của Mỹ nhằm cô lập Nga không được đưa ra để làm thay đổi lập trường của ông Putin. Bất chấp những lời cảnh báo từ phương Tây, Nga vẫn sáp nhập Crimea và tổ chức diễn tập sát biên giới với Ukraine khiến phương Tây quan ngại về một hành động mạnh mẽ hơn có thể từ Moskva.
Trong khi đó, ở trong nước, Tổng thống Obama lại nhận được sự ủng hộ rất thấp đối với biện pháp mà chính quyền đưa ra để xử lý tình huống. Theo một cuộc thăm dò của AP, 57% số người được hỏi không muốn Mỹ can dự vào vấn đề Ukraine, 54% trong sô đó phản đối phản ứng của chính quyền đối với Nga. Mặt khác, gần 9 trong 10 biện pháp trừng phạt bổ sung chỉ như là một sự phản ứng.
Những căng thẳng với Nga hiện nay là điều mà ông Obama không thể hình dung ra trước khi tuyên bố "
cài đặt lại” mối quan hệ với Moskva. Chính sách "thiết lập lại" mối quan hệ với Nga này nhằm khép lại những căng thẳng giữa hai nước dưới thời chính quyền Tổng thống Bush con và mở đường cho sự hợp tác về các vấn đề như Iran và Afghanistan. Nhưng mọi việc đều không thể “xuôi chèo mát mái”.
Trước đây, Mỹ và các đồng minh đã phải đối mặt với một tình thế khó khăn tương tự trong mối quan hệ của họ với Nga năm 2008, khi Moskva đưa quân vào Gruzia và công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai Gruzia, Nam Ossetia và Abkhazia. Phương Tây đã chỉ trích Nga về trường hợp này nhưng vẫn phải nối lại quan hệ với Moskva. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục gặp khó khăn hơn để nối lại mối quan hệ bình thường với Nga sau những sự kiện mới diễn ra tại Crimea và Ukraine, khi mà Nhà Trắng cho rằng Ukraine là một quốc gia chiến lược quan trọng hơn Gruzia.
CT (Theo AP)