Khi nước Anh chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau ngày 31/1/2020 và bước vào giai đoạn chuyển tiếp để đàm phán một thỏa thuận thương mại điều chỉnh tất cả các mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai, dù biết rằng việc đạt được một thỏa thuận toàn diện như vậy là không dễ dàng bởi hai bên còn bất đồng trong nhiều lĩnh vực và thời gian để đàm phán là rất ngắn, nhưng ít ai có thể ngờ rằng tiến trình đàm phán lại diễn ra quanh co với nhiều nút thắt đến thế. Và khi nút thắt cũ còn chưa được tháo gỡ thì những nút thắt rắc rối mới lại xuất hiện.
Một tháng sau ngày chính thức ra khỏi EU, Anh đã có vòng đàm phán đầu tiên với EU hồi đầu tháng 3. Dù công bố các nguyên tắc và "lằn ranh đỏ" cho các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit, cả hai bên đều đặt ra mục tiêu cao là đạt được một thỏa thuận toàn diện, không thuế quan, không hạn ngạch… bởi các bên đều là đối tác quan trọng của nhau và kỳ vọng rằng sự tương đồng có được sau 47 năm Anh là thành viên EU sẽ giúp sớm giải quyết những bất đồng.
Tuy nhiên, ngay sau sự khởi đầu đó, đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt nghiêm trọng tại nhiều nước châu Âu. Các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã làm cho các quan chức EU và Anh không thể gặp nhau và các cuộc đàm phán bị tạm dừng. Đến cuối tháng 4, việc đàm phán mới được nối lại. Các vòng đàm phán thứ hai, ba và bốn phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến và tỏ ra không mấy hiệu quả khi khoảng cách giữa hai bên không được thu hẹp. Trong vòng đàm phán thứ tư, từ ngày 2-5/6, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cáo buộc Anh "cố tình đi ngược lại" một số tuyên bố chính trị mà hai bên đã nhất trí. Trong khi đó, phía Anh lại chỉ trích đại diện của EU "hành động như là trọng tài".
Trong bối cảnh căng thẳng đó, ngày 12/6, Chánh văn phòng nội các Anh Michael Gove viết trên Twitter rằng “Vào ngày 01 tháng 01 năm 2021, chúng tôi sẽ lấy lại quyền kiểm soát và giành lại độc lập về chính trị và kinh tế”. Đây được xem như là tuyên bố của Chính phủ Anh “chính thức khẳng định” không xin gia hạn thời gian chuyển tiếp của tiến trình Brexit đến sau ngày 31/12/2020. Và điều này là dấy lên lo ngại rằng Anh và EU sẽ không đạt được một thỏa thuận trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại và hai bên sẽ giao thương với nhau trên cơ sở những điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2021.
Rất may, sau đó, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 15/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã cam kết hợp tác vì lợi ích của người dân EU và Anh, thống nhất tăng cường các cuộc đối thoại để sớm cùng nhau tìm ra những nguyên tắc chung cho thỏa thuận về tương lai quan hệ. Và người ta lại lạc quan, hy vọng về triển vọng Anh và EU sẽ đạt được một thỏa thuận "toàn diện và đầy tham vọng" vào cuối năm 2020.
Tuy vậy, trong 3 vòng đàm phán tăng cường được tổ chức trong các tháng 7 và 8, hai bên vẫn không đạt được tiến bộ trong các vấn đề liên quan đến Bắc Ireland, đánh bắt cá, trợ cấp nhà nước… Anh và EU phải bước vào vòng đàm phán thứ tám, từ ngày 8 - 10/9, vòng đàm phán có thể xem là cơ hội gần như cuối cùng để hai bên đạt được một thỏa thuận khung và có thể hoàn thiện cho các nhà lãnh đạo ký kết tại hội nghị thượng đỉnh vào giữa tháng 10 tới, trước khi Quốc hội Anh, Nghị viện châu Âu và quốc hội các nước thành viên EU có thể kịp thời phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 2021.
Nhưng ngay từ khi vòng đàm phán này chưa bắt đầu, những tranh cãi gay gắt đã nổi lên liên quan đến dự luật Thị trường nội địa, vừa được Chính phủ Anh chính thức công bố ngày 9/9. Theo dự luật này, hàng hóa từ Bắc Ireland đi sang đảo Anh (England, Scotland và Wales) sẽ không phải khai báo hải quan và Bắc Ireland cũng sẽ không chịu sự ràng buộc của những quy định về trợ cấp nhà nước của EU sau khi thời gian chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc. Những điểm này bị cho là vi phạm điều khoản Bắc Ireland sẽ vẫn ở trong thị trường chung và liên minh hải quan của EU sau Brexit trong Thỏa thuận rút lui mà Thủ tướng Anh Boris Johnson ký với EU hồi tháng 10 năm ngoái và đã được cơ quan lập pháp hai bên phê chuẩn để nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/1 vừa qua.
Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định dự luật Thị trường nội địa này sẽ bảo vệ việc làm và nền hòa bình cho vùng Bắc Ireland. Ông cũng cho rằng dự luật này là cần thiết để đảm bảo giao thương giữa các vùng England, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn, tăng cường khả năng hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay. Tuy nhiên, dự luật này vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ EU, Mỹ cũng như từ chính trong nội bộ nước Anh, trở thành một nút thắt mới khiến cuộc đàm phán Brexit càng cam go.
Chia sẻ trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước những tuyên bố từ Chính phủ Anh về việc vi phạm thỏa thuận rút lui một cách có chủ ý". Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào của Anh tổn hại tới thỏa thuận rút lui sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngày 10/9, EC ra tuyên bố yêu cầu Anh phải rút lại dự luật trên trong tháng 9 này, nếu không sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý. Tuyên bố này cũng cho rằng dự luật đã đe dọa đến Thỏa thuận thứ Sáu Tốt lành khi nói rằng dự luật đã "làm tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin giữa EU và Vương quốc Anh".
Bên kia bờ Đại Tây Dương, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ - quốc gia là đồng minh và đối tác thương mại quan trọng nhất của Anh, cũng cảnh báo nếu Anh vi phạm Thỏa thuận thứ Sáu Tốt lành thì Quốc hội Mỹ cũng sẽ không bao giờ thông qua thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh. Bà Pelosi khẳng định: “Dù diễn ra dưới hình thức nào, Brexit không được phép gây nguy hiểm cho Thỏa thuận thứ Sáu Tốt lành, bao gồm cả sự ổn định có được nhờ đường biên giới vô hình và không ma sát giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland".
Tại Anh, dự luật Thị trường nội địa của Thủ tướng Johnson còn chịu sự chỉ trích ở trong nước và từ chính nội bộ đảng Bảo thủ của ông. Các cựu thủ tướng Theresa May và John Major đều cảnh báo nếu Anh vi phạm luật pháp quốc tế thì vị thế của nước này trên thế giới sẽ 'bị hoen ố".
Những vấn đề liên quan đến dự luật Thị trường nội địa của Anh dường như đã tác động không nhỏ đến kết quả đàm phán giữa Anh và EU. Tuyên bố sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ tám tại London, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho biết, để tối đa hóa cơ hội đạt được một thỏa thuận, EU đã thể hiện sự linh hoạt khi làm việc với các "giới hạn đỏ" của Anh và tìm các giải pháp tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Anh, đặc biệt liên quan đến vai trò của Tòa án Công lý châu Âu, quyền tự chủ lập pháp trong tương lai của Anh và đánh bắt cá. Tuy nhiên, phía EU cho rằng Anh đã không tham gia một cách "có đi có lại" đối với các nguyên tắc và lợi ích cơ bản của EU. Những khác biệt đáng kể vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực mà EU quan tâm. Quan chức EU tuyên bố EU vẫn mong muốn một mối quan hệ đối tác đầy tham vọng với Anh trong tương lai vì điều đó có lợi cho cả hai bên, nên các trưởng đoàn đàm phán và các nhóm làm việc sẽ vẫn liên lạc với nhau trong nhưng ngày tới. Tuy nhiên, EU cũng đang tăng cường công tác chuẩn bị để sẵn sàng cho mọi kịch bản vào ngày 1/1/2021.
Với kết quả đàm phán như vậy, nguy cơ Anh và EU không đạt được một thỏa thuận và mối quan hệ giữa hai bên sẽ được thực hiện theo các quy định của WTO từ ngày 1/1/2021, trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Thực tế là để rời khỏi EU ngày 31/1/2020, nước Anh phải cần một cuộc trưng cầu dân ý, hai cuộc tổng tuyển cử, ba vị thủ tướng và gần 4 năm. Dư luận cho rằng quãng thời gian gần 1 năm đàm phán nhằm định hình tương lai nước Anh thời hậu Brexit và mối quan hệ của Anh với EU là quá ngắn để có thể dàn xếp được một thỏa thuận. Một cuộc thăm dò do Trung tâm Nước Anh trong một châu Âu đang thay đổi (UKinaCE) thực hiện mới đây cho thấy hơn 70% các nhà phân tích về Brexit của trung tâm này tin rằng khó có thể đạt được một thỏa thuận thương mại vào cuối năm nay.
Trên thực tế, hơn 1 năm trước, EU và Anh từng bế tắc trong những cuộc thảo luận bất tận về các điều khoản của "thỏa thuận ly hôn", đặc biệt liên quan vấn đề biên giới hải quan giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland của Anh. Và Chính phủ Anh từng tuyên bố thà chấp nhận khả năng "không có thỏa thuận" còn hơn là có một thỏa thuận tồi. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10/2019, hai bên cuối cùng vẫn ký "Thỏa thuận rút lui". EU và Anh là đối tác kinh tế, thương mại lớn và quan trọng của nhau và trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề nền kinh tế của cả hai bên, dư luận vẫn hy vọng trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của năm 2020, hai bên tiếp tục ngồi lại thương lượng với nhau và có những nhượng bộ nhất định để đi đến một thỏa thuận, dù có thể chỉ là một thỏa thuận hạn chế, có tính chất tạm thời để tránh những đổ vỡ gây ra bởi một Brexit không thỏa thuận vào ngày 1/1/2021. Sau đó, hai bên có thể tiếp tục đàm phán một thỏa thuận toàn diện hơn cho mối quan hệ hậu Brexit.