Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong một cuộc gặp. Ảnh: AP
|
Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ cấp mối quan hệ với Ai Cập kể từ sau khi cựu Tổng thống thân Ankara Mohamed Morsi bị quân đội Ai Cập lật đổ vào năm 2013. Trong khi đó tại nước láng giềng Syria, Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad là điều kiện tiên quyết để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua, gây ra làn sóng 2,7 triệu người tị nạn đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo AFP, việc ông Binali Yildirim - một đồng minh của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan - được bổ nhiệm là Thủ tướng hồi tháng 5 vừa qua là dấu hiệu cho thấy một cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn trong chính sách đối ngoại sau lập trường cứng rắn của người tiền nhiệm Ahmet Davutoglu. Phát biểu trước các thành viên của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) hồi tuần này, ông Yildirim nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục củng cố tình hữu nghị bằng cách tôn trọng những lợi ích của khu vực và của đất nước chúng ta”.
Hồi tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng với Israel thông qua một thỏa thuận bình thường hóa sau nửa thập kỷ mối quan hệ bị xuống cấp từ khi xảy ra vụ Israel tấn công một tàu chở hàng viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đến Dải Gaza gây nhiều thương vong hồi tháng 5/2010.
Ankara đã kết thúc cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Nga sau khi ông Erdogan gửi một bức thư tới người đồng cấp Vladimir Putin để xin lỗi về vụ một máy bay chiến đấu của Nga bị bắn rơi hồi tháng 11 năm ngoái. Trong các cuộc đàm phán ngoại giao mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã quay trở lại với chính sách ngoại giao “không mâu thuẫn với các nước láng giềng” vốn đã được xác định ngay trong những năm đầu tiên khi ông Erdogan giữ chức Thủ tướng. Cách tiếp cận này trước đây đã nhanh chóng bị mất giá trị và bị giới phê bình chế nhạo là một chính sách của “hàng loạt mâu thuẫn với tất cả mọi người” khi mà Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể có được những chế độ thân thiện phù hợp sau cái gọi là Mùa Xuân Arập. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói với hãng tin AFP: “Chúng tôi luôn xác định cách tiếp cận là duy trì những mối quan hệ tốt với mọi nước trừ khi bắt buộc phải có xung đột”.
Sau khi cuộc khủng hoảng tại Syria nổ ra vào năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mở kênh đối thoại với Damascus, song sau đó ông Erdogan đã trở thành một nhân vật phản đối gay gắt ông Assad, một lãnh đạo mà ông ta từng muốn làm bạn. Trong một bình luận gây chú ý hôm 13/7, ông Yildirim nói: “Chúng tôi đã bình thường hóa quan hệ với Israel và Nga, và tôi chắc chắn là chúng tôi cũng sẽ trở lại bình thường với Syria nữa”.
Chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một sự thay đổi trong chính sách đối với ông Assad, sự thay đổi có thể sẽ là biểu hiện cho một sự điều chỉnh toàn diện trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có một sự khác biệt giữa chính sách với Syria với tư cách là một đất nước và chính sách với cá nhân ông Assad. Tuy nhiên, những tuần gần đây đã xuất hiện một số tin đồn về khả năng có sự mềm dẻo hơn trong lập trường của Ankara, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận việc hối thúc Algeria làm trung gian hòa giải.
Aaron Stein, nghiên cứu sinh kỳ cựu thường trú tại Trung tâm Trung Đông Rafik Hariri thuộc Hội đồng Atlantic, cho biết: “Thái độ mềm dẻo của Thổ Nhĩ Kỳ với ông Assad bắt đầu từ mùa Hè năm ngoái sau khi ông Erdogan tuyên bố Bashar al-Assad có thể duy trì vị trí tổng thống thêm 6 tháng nữa trong khi một cuộc chuyển giao chính trị được hoàn tất”. Ông nói: “Chính sách này khác so với lập trường kiên định trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ rằng ông Assad phải ra đi trước kỳ hạn sáu tháng”.
Trước đây, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Davutoglu đã mạnh mẽ tuyên bố rằng thời gian còn lại của ông Assad chỉ được tính bằng ngày. Liên minh đối lập chính ở Syria đóng tại Istanbul cho biết Ankara vẫn đảm bảo họ sẽ có được sự hỗ trợ toàn diện từ Thổ Nhĩ Kỳ. Anas al-Abdeh, người đứng đầu Liên minh Dân tộc đối lập tại Istanbul phát biểu hôm 12/7: “Không có bất cứ sự thay đổi hay điều chỉnh nào trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chế độ Syria, với người dân Syria và cuộc cách mạng”.
Trong khi đó, giới quan sát cho biết chính sách ngoại giao “cửa hậu”, tương tự như cách tiếp cận với Israel, có thể sẽ được thực hiện nhằm phục hồi những rạn nứt với Cairo, dù ông Erdogan đến nay vẫn bác bỏ một sự hòa giải.
Saudi Arabia, nước đang nổi lên là một trong những đồng minh thân cận nhất của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Vua Salman lên ngôi vào tháng 1/2015, cũng đang háo hức chứng kiến sự ấm lên trong quan hệ giữa Cairo và Ankara. Saudi Arabia đã ủng hộ mạnh mẽ việc lật đổ ông Morsi, và kết quả là mối quan hệ của nước này với Ankara bị ảnh hưởng. Saban Disli, một quan chức cấp cao thuộc đảng cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong tháng này Ankara sẽ sớm điều một nhóm tới Ai Cập để hỗ trợ việc xoa dịu căng thẳng: “Nếu may mắn, thì sẽ có thêm một sự mềm dẻo nữa trong quan hệ với Ai Cập. Kể từ tháng 3/2015, Saudi Arabia đã hối thúc cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Ai Cập khôi phục quan hệ. Cũng trong thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đã hàn gắn quan hệ với nhau. Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đang điều chỉnh chỉnh sách ngoại giao của mình, nhưng việc hàn gắn quan hệ với Ai Cập sẽ còn là vấn đề nan giải”, ông nhận định.