Thỏa thuận Geneva có cứu Ukraine thoát nội chiến?

Thỏa thuận đạt được tại Geneva giữa Nga, Mỹ, EU và Ukraine có thể là một bước tiến lớn đầu tiên nhằm giảm leo thang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng vẫn còn có rất nhiều điều cần phải làm để ngăn chặn một cuộc nội chiến ở quốc gia Đông Âu này.

Ngày 17/4, các nước Nga, Mỹ, EU và Ukraine đạt được thỏa thuận tạm gọi là "lịch sử" về vấn đề Ukraine. Những điều khoản của thỏa thuận có trở thành hiện thực hay không, cần phải có một thời gian dài để kiểm chứng, nhưng vấn đề quan trọng ở đây đó là tất cả các bên đã đồng ý cùng ngồi lại với nhau tại Geneva để thảo luận về các giải pháp giải quyết cuộc cuộc xung đột. Theo đó, Mỹ và EU đã đồng ý không áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga nhằm hướng tới hạ nhiệt cuộc khủng hoảng. Đổi lại, chính phủ lâm thời Ukraine hứa sẽ phân cấp quyền lực, cho phép khu vực phía đông nước này có quyền tự chủ hơn.

Xe tăng quân đội Ukraine. Ảnh: RT


Theo Michael Slobodchikoff, giảng viên tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Troy (Mỹ), có 2 sự kiện đáng lưu ý đằng sau việc các bên đồng ý ngồi lại với nhau này. Đầu tiên, trước khi cuộc họp này diễn ra, Nga đã từ chối công nhận tính hợp pháp của chính phủ tạm quyền Ukraine. Moskva cho rằng chính phủ Kiev hiện nay không hợp pháp. Nhưng thông qua việc tham gia đàm phán 4 bên, người Nga chính thức công nhận chính phủ tạm quyền Ukraine là hợp pháp. (Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin trong cuộc giao lưu trực tuyến mới đây vẫn không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Kiev hiện nay, dù ông nói rằng Moskva sẽ gặp các bên liên quan để giải quyết cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine).

Sự kiện thứ hai là phương Tây đã ngầm công nhận một thực tế rằng Crimea không còn là một phần của Ukraine nữa. Trên thực tế, Mỹ và EU không còn xem việc làm thế nào để Nga từ bỏ Crimea là vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán, mà chỉ là làm sao để Moskva không "tiếp tục kích động bất ổn chính trị" ở đông Ukraine.

Mặc dù kết quả đạt được tại hội nghị 4 bên ở Geneva vừa qua được xem là một dấu hiệu tích cực góp phần “tháo ngòi nổ” xung đột ở Ukraine, nhưng trước khi cuộc nội chiến ở Ukraine thực sự được ngăn chặn, chúng ta vẫn phải cảnh giác với một vài yếu tố có thể khiến cuộc khủng hoảng này tiếp tục leo thang, Slobodchikoff nhận định.

Trước hết, Moskva vẫn rất thận trọng về các thỏa thuận đã đạt được với phương Tây. Tháng 2/2014, Nga cũng đã đạt được thỏa thuận với EU và Mỹ, theo đó một cuộc bầu cử mới ở Ukraine sẽ được tổ chức vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức thỏa thuận này đã bị phương Tây phá vỡ, kéo theo là Tổng thống Ukraine Yanukovych bị lật đổ và một chính phủ lâm thời thân phương Tây được dựng lên.

Tiếp theo, đó là sự thiếu tin tưởng của Moskva đối với chính phủ lâm thời tại Kiev, một trong những nguyên nhân khiến Nga phải điều quân tới bán đảo Crimea để bảo vệ căn cứ hải quân của mình tại Sevastopol. Vì thế, lúc này, dù phương Tây đã đồng ý về thỏa thuận mới đạt được tại Geneva về Ukraine, có khả năng Nga vẫn cần phải cảnh giác.

Ngoài ra, còn một yếu tố thậm chí có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn nữa, đó là rất khó để tất cả người dân ở đông Ukraine chấp nhận tính hợp pháp của chính phủ tạm quyền hiện nay.

Theo ông Slobodchikoff, người người biểu tình ủng hộ ly khai ở khu vực này đã rất giận dữ khi chính phủ lâm thời quyết định điều lực lượng đặc biệt "chống khủng bố" tới đây nhằm dập tắt các cuộc biểu tình và lập lại trật tự. Trong khi đó, quân đội Ukraine cũng phải đối mặt với lựa chọn là liệu họ có nên bắn vào người dân của mình hay không? Bên cạnh đó, còn có một sự thật đáng ngại hơn đối với chính phủ tạm quyền ở Kiev hiện nay là, một số đơn vị quân đội đã giải tán và chuyển sang phía người biểu tình hoặc không tuân lệnh tấn công những người biểu tình. Có những báo cáo gần đây rằng xe tăng của quân đội Ukraine ở miền đông nước này đã cắm cờ Nga.

Quang cảnh cuộc họp 4 bên về Ukraine tại Geneva.


Do đó, chính quyền lâm thời Kiev phải có các bước đi thận trọng và thực thi những thỏa thuận đã đạt được giữa các bên ở Geneva vừa qua. Bởi giờ đây, họ không chỉ cần phải giành lại sự ủng hộ của người dân miền đông, mà còn cần sự trung thành của quân đội Ukraine. Vì vậy họ phải bắt đầu những bước đi nhằm tạo ra một bản sắc dân tộc người Ukraine mới.


Để tạo ra một bản sắc riêng, chính phủ lâm thời Ukraine phải cố gắng để thoát khỏi ranh giới giữa Đông và Tây. Như Thị trưởng thành phố Lviv gần đây than thở, giới chính trị gia Ukraine đã thành công trong việc chia rẽ đất nước vì lợi ích chính trị của riêng mình, bây giờ là lúc phải tìm cách hàn gắn vết thương đó.

Để làm điều này, Kiev cần thể hiện được rằng họ sẽ hoan nghênh sự đa dạng ngôn ngữ, văn hóa trong xã hội Ukraine. Họ phải thuyết phục dân tộc Nga ở Ukraine rằng nước Nga sẽ được tôn trọng và có một vị trí quan trọng đối với dân tộc Nga ở Ukraine mới. Hơn nữa, chính phủ phải thực hiện cam kết về việc mở rộng quyền tự chủ hơn cho khu vực phía đông. Có thể, sự tự chủ hơn này sẽ thực sự thúc đẩy một Ukraine mạnh mẽ và gắn kết hơn.

Hiện kinh tế của Ukraine đang đối mặt với khó khăn rất nghiêm trọng và đang bên bờ vực phá sản. Đã đến lúc Kiev cần sự giúp đỡ của cả phương Tây và Nga. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, Ukraine sẽ lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng và nguy cơ rơi vào nội chiến. Đây thực sự là điều tồi tệ vì rất có thể một số quốc gia khác sẽ bị cuốn vào vòng xoáy đó. Thế giới đang hy vọng thỏa thuận Geneva sẽ là bước đầu tiên hướng tới làm dịu cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.


Vũ Thanh (R.D)


Kịch bản nào cho việc ngừng leo thang căng thẳng ở Ukraine?
Kịch bản nào cho việc ngừng leo thang căng thẳng ở Ukraine?

Trong khi cả Nga và phương Tây kêu gọi kiềm chế để làm dịu căng thẳng đang bùng phát trở lại ở Ukraine, thì mỗi bên lại có quan điểm khác nhau trong việc đưa ra các biện pháp để đạt được mục đích trên. Vậy, những lựa chọn nào có thể giải quyết bế tắc và tình hình sẽ được cải thiện thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN