Nội dung thỏa thuận
Theo tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương, thỏa thuận dù vẫn đang được rà soát pháp lý trước khi hai bên ký vào đầu tháng 1/2020, nhưng về cơ bản, thỏa thuận đã khiến Mỹ hủy áp thuế suất 15% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD, vốn ban đầu dự kiến được thực thi từ ngày 15/12.
Các hàng hóa này chủ yếu là hàng tiêu dùng, nằm trong Danh mục 4B. Ngoài ra, Mỹ cũng giảm một nửa mức thuế 15% áp với hàng hóa Danh mục 4A trị giá 120 tỷ USD, đồng thời duy trì mức thuế 25% với hàng hóa Danh mục 1, 2 và 3 trị giá 250 tỷ USD. Đổi lại, Trung Quốc đồng ý không tăng thuế với ô tô Mỹ và các hàng hóa khác theo kế hoạch vào 15/12, đồng thời chấp nhận mua thêm hàng hóa, dịch vụ Mỹ, trong đó có nông sản.
Mặc dù Mỹ nói cụ thể rằng Trung Quốc cam kết mua hàng hóa và dịch vụ trị giá 200 tỷ trong 2 năm tới, trong đó có nông sản trị giá 40-50 tỷ USD/năm, nhưng Trung Quốc chỉ nhấn mạnh nhất trí mua thêm hàng hóa từ Mỹ và nước khác theo quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và theo điều kiện thị trường. Ông Ning Jizhe, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cho biết số lượng nhập khẩu sẽ được thông báo sau. Các quan chức Mỹ cho rằng cách này có thể làm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Dữ liệu cho thấy trước chiến tranh thương mại, Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ trị giá 130 tỷ USD và dịch vụ Mỹ trị giá 56 tỷ USD năm 2017.
Về sở hữu trí tuệ, Đại diện Thương mại Mỹ cho biết thỏa thuận gồm các điều khoản mạnh hơn về bảo vệ pháp lý cho bằng sáng chế, thương hiệu, bản quyền, ví dụ như thắt chặt quy trình dân sự và hình sự để đấu tranh với hành vi vi phạm trên mạng, ăn cắp và hàng giả. Trung Quốc cam kết tuân thủ lời hứa trước đó về việc không gây áp lực chuyển giao công nghệ với công ty nước ngoài. Theo Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen, hai nước thống nhất triệt phá hàng giả và tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ.
Về tiền tệ, Trung Quốc cam kết kiềm chế hạ giá tiền tệ và cam kết không dùng tỷ giá hối đoái làm lợi thế cạnh tranh thương mại. Trung Quốc cũng từng cam kết như vậy nhiều năm trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20). Bất kỳ hành vi vi phạm cam kết tiền tệ nào sẽ bị xử lý theo cơ chế thực thi của thỏa thuận, tức là có thể khiến Mỹ áp thuế cao trả đũa.
Về vấn đề thực thi, các bên giải quyết khác biệt về cách thực hiện thỏa thuận thông qua tham vấn song phương, bắt đầu từ cấp chuyên viên và tăng dần tới cấp quan chức cấp cao. Nếu các tham vấn này không giải quyết được tranh chấp, sẽ có quy trình áp thuế hoặc các biện pháp phạt khác. Phía Mỹ hy vọng không bên nào sẽ phải trả đũa bên nào nếu các bên đều có hành động phù hợp.
Theo thỏa thuận, công ty Mỹ được tiếp cận nhiều hơn thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, đánh giá tín nhiệm… Điều khoản này nhằm giải quyết một số khiếu nại của Mỹ về rào cản đầu tư vào Trung Quốc.
Ảnh hưởng của thỏa thuận
Mặc dù là một bước ngoặt trong đàm phán thương mại sau thời gian dài bế tắc, nhưng một nhà kinh tế cấp cao tại một viện đa phương ở Washington nhận định: “Giai đoạn một không thể xóa bỏ đáng kể bất ổn do căng thẳng thương mại gây ra. Căng thẳng thương mại ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế là làm xói mòn niềm tin và gây bất ổn, chứ chưa phải tác động thương mại trực tiếp”.
Ông Larry Hu, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư Macquarie (Australia) ngày 14/12 cũng cho rằng căng thẳng thương mại ảnh hưởng tới tâm lý nhiều hơn là tăng trưởng kinh tế - vốn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Do đó, thỏa thuận thương mại giai đoạn một có thể ngăn chặn mọi thứ diễn biến xấu hơn thông qua việc hủy các biện pháp tăng thuế mới. Tuy nhiên, ông Larry cho rằng thỏa thuận không thể làm mọi thứ tốt đẹp hơn một cách rõ rệt.
Về phần mình, ông Liao Min, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc, cho rằng thỏa thuận phù hợp với đường hướng cải cách sâu rộng của Trung Quốc và nhu cầu về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chất lượng cao hơn. Ông nói: “Thỏa thuận tốt hay không cần do các doanh nghiệp và thị trường đánh giá. Phản ứng tích cực với thỏa thuận ở thị trường vốn trong nước vào nước ngoài đã là câu trả lời rõ ràng. Ảnh hưởng tích cực này sẽ thể hiện trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính”.
Trước mắt, cả hai bên vẫn cần ký văn bản thỏa thuận mà các quan chức Trung Quốc đang yêu cầu rà soát pháp lý và biên dịch. Phía Mỹ cho biết hai bên hy vọng ký kết tại Washington đầu tháng 1/2020.
Tuy nhiên, ông Scott Kennedy, Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, chỉ ra rằng đây là lần thứ 5 Mỹ và Trung Quốc tuyên bố sớm đạt được thỏa thuận trong đàm phán thương mại. Ông cho rằng Bắc Kinh mới chỉ nhượng bộ chút ít và Washington có thể thay đổi và áp lại các mức thuế cao. Theo ông Kennedy, Trung Quốc đã “câu giờ” ít nhất vài tháng hoặc có thể là trong suốt thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Trên thực tế, tình hình sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Khi thông báo về thỏa thuận “giai đoạn một”, Tổng thống Trump có thể bớt áp lực phải hành động nhiều hơn với Trung Quốc trong thời gian còn lại. Nếu tái đắc cử, ông có thể tiếp tục dùng thuế và công cụ nhằm gây sức ép để Trung Quốc thay đổi nhiều hơn.
Trong trường hợp đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng, họ có thể nỗ lực xây dựng lại liên minh truyền thống với châu Âu, Nhật Bản và các nước khác để hình thành cách tiếp cận diện rộng trong đối phó với Trung Quốc và do đó ít tập trung vào việc đơn phương sử dụng biện pháp thuế. Tuy nhiên, khi đó, bất đồng với Trung Quốc sẽ có thể sâu sắc hơn, chuyển sang các vấn đề như an ninh, nhân quyền, tư tưởng, chứ không chỉ đơn thuần là tranh chấp thương mại.
Tóm lại, thế giới cần “tận hưởng” thỏa thuận giai đoạn một vào lúc này và chuẩn bị cho một mối quan hệ Mỹ-Trung chông gai hơn trong tương lai gần.