Trong bối cảnh những biến đổi địa chính trị toàn cầu cũng như xung đột nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới như hiện nay, các quốc gia Trung Á đang nỗ lực tăng cường hợp tác nội khối và phát triển các cách tiếp cận chung để đương đầu với những thách thức, qua đó thúc đẩy sự thịnh vượng.
Một giai đoạn mới trong sự phát triển hợp tác khu vực đã bắt đầu tháng 3/2018 với sự kiện Hội nghị tham vấn đầu tiên các nguyên thủ quốc gia 5 nước Trung Á gồm Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan, diễn ra tại thủ đô Astana (Kazakhstan), đóng vai trò là nền tảng mang tính xây dựng cho hợp tác và phát triển khu vực. Kể từ đó, các cuộc họp thượng đỉnh này diễn ra thường niên. Năm nay, Hội nghị tham vấn lần thứ sáu các nguyên thủ quốc gia Trung Á được tổ chức ở Astana ngày 9/8, với kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt cho sự phát triển của khu vực, quyết định động lực hơn nữa của hợp tác nhiều mặt.
Trọng tâm của hội nghị năm nay vẫn sẽ là phát triển hợp tác, ổn định và an ninh trong khu vực, bao gồm quan hệ đối tác kinh tế và thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần. Hội nghị dự kiến sẽ thông qua Chiến lược phát triển hợp tác khu vực "Trung Á-2024". Văn kiện này được soạn thảo để mở rộng hợp tác giữa 5 nước và tăng cường vai trò quốc tế của Trung Á. Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev đã bày tỏ tin tưởng việc thông qua văn kiện tại hội nghị sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực.
Tháng 7/2022, tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư ở thành phố Cholpon-Ata của Kyrgyzstan, 5 tổng thống các nước Trung Á đã xem xét "Hiệp ước hữu nghị, láng giềng tốt và hợp tác vì sự phát triển của Trung Á trong thế kỷ 21", song Tajikistan và Turkmenistan chưa đặt bút ký. Kazakhstan hy vọng tại hội nghị lần này sẽ thuyết phục 2 nước tham gia để hiệp ước nhanh chóng có hiệu lực.
Có thể thấy, trong 20 năm qua, GDP của Trung Á đã tăng 7 lần, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm là 6,2%, cao hơn 3,6% so với mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu (2,6%). Tỷ trọng của Trung Á trong GDP thế giới đã tăng 1,8 lần, kim ngạch ngoại thương tăng 6 lần và khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực tăng 17 lần. Trung Á không chỉ có truyền thống giao thoa lợi ích của các cường quốc hàng đầu trên thế giới mà khu vực này còn có lịch sử tương tác lâu dài với LB Nga cũng như đang là khu vực mà Trung Quốc tích cực theo đuổi thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Cả 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, nằm ở vị trí địa chính trị quan trọng giữa Đông Á và châu Âu, vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế và an ninh sâu sắc với Moskva, với 3 nước tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu. Hàng triệu lao động Trung Á đang làm việc tại LB Nga, với khoảng 1,2 triệu người từ Tajikistan và 1 triệu người từ Kyrgyzstan di cư đến đó. Kiều hối từ Nga chiếm lần lượt khoảng 20% và 30% GDP của 2 quốc gia này. Bên cạnh đó là quan hệ hợp tác an ninh giữa Nga với các nước Trung Á.
Trong khi kim ngạch thương mại của Nga với các nước này ở mức 44 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với 5 quốc gia Trung Á năm 2023 lên tới 89,4 tỷ USD (tăng 27% so với năm 2022), trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang khu vực là 61,4 tỷ USD. Mới đây, Trung Quốc vừa ký kết thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt quan trọng, kết nối nước này với Kyrgyzstan và Uzbekistan. Dự án được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá là mang tính bước ngoặt đối với cả ba nước.
Một điểm đáng chú ý của hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu năm nay là sự hiện diện của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Theo hình thức C5+1, 5 nước Trung Á và Nhật Bản dự kiến sẽ ra tuyên bố chung về hợp tác phát triển kinh tế bền vững tại hội nghị thượng đỉnh, bao gồm các lĩnh vực như cắt giảm khí thải carbon và phát triển nhân tài. Ông Kishida sẽ bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản đối với các nỗ lực của khu vực nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon, cung cấp công nghệ từ các công ty Nhật Bản như nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có lượng khí thải carbon thấp. Tokyo sẽ xem xét hỗ trợ các quốc gia này sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng, chẳng hạn như hydro và phân bón được sản xuất bằng khí đốt tự nhiên.
Không chỉ là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Trung Quốc, Trung Á ngày càng có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước phương Tây. Tháng 9 năm ngoái, các nhà lãnh đạo Trung Á đã tham dự hội nghị thượng đỉnh "C5+1" với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại New Yorrk, đánh dấu cuộc họp mặt đầu tiên theo khuôn khổ này nhằm thảo luận các cách thức mở rộng hợp tác giữa Mỹ và các nước trong khu vực. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tăng tốc trong nỗ lực "hướng tới" Trung Á khi mà trong vòng chưa đầy 1 năm đã diễn ra liên tiếp 2 hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á (tháng 10/2022 và tháng 6/2023). Tháng 10/2023, EU cũng đã thông qua Kế hoạch hành động chung nhằm tăng cường mối quan hệ với khu vực Trung Á.
Trữ lượng dầu khí dồi dào của Trung Á khiến cho việc hợp tác với khu vực này đồng nghĩa với các nước phương Tây có thêm một lựa chọn quan trọng giúp bảo đảm an ninh năng lượng. Đây cũng là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, đem lại những cơ hội hấp dẫn trong việc mở rộng chuỗi cung ứng. Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, tuyến Hành lang vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR), một mạng lưới vận chuyển trải dài khắp Trung Á, biển Caspi và vùng Caucasus, đã trở thành giải pháp giúp kết nối thương mại giữa châu Á và châu Âu không bị đứt quãng. Đó là chưa kể vị trí "cầu nối" của Trung Á, liên kết 2 khu vực châu Âu với châu Á - Thái Bình Dương.
Có thể thấy Trung Á đang ngày càng trở thành "thỏi nam châm" thu hút sự quan tâm các trung tâm chính trị hàng đầu thế giới và các cường quốc muốn tạo ảnh hưởng tại khu vực mang tầm chiến lược này. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng đối với Trung Á không chỉ là nền tảng chính sách đối ngoại đa hướng của các nước trong khu vực, cho phép họ cân bằng trên trường quốc tế và xây dựng hợp tác trên mọi trục chính sách đối ngoại, mà còn là sự phối hợp, hợp tác nhịp nhàng của cả 5 nước để khu vực này có thể vươn tới thời kỳ "Con đường Tơ lụa mới", đem lại thịnh vượng chung một cách lâu dài.