Theo số liệu công bố mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, thu nhập cá nhân – số tiền hộ gia đình nhận được từ lương, đầu tư, trợ cấp chính phủ, giảm 2,7% trong tháng 8. Đi cùng đó là việc thị trường việc làm Mỹ tuần cuối tháng 8 ghi nhận 837.000 lao động đệ đơn thất nghiệp do hoạt động sa thải nhân công trong thời gian gần đây. Tổng cộng hiện có 12 triệu lao động Mỹ đang nhận chi trả thất nghiệp từ các chương trình của liên bang.
Mức độ thất nghiệp tính theo tuần nêu trên cho thấy sa thải nhân công vẫn là xu hướng thường trực trong một số ngành kinh tế. Trong ngành hàng không, hai hãng American Airlines và United Airlines cho biết sẽ cắt giảm khoảng 32.000 việc làm sau khi Quốc hội vẫn chưa đạt được đồng thuận về gói cứu trợ kinh tế mới. Tập đoàn Walt Disney hôm 30/9 tuyên bố sẽ sa thải khoảng 28.000 nhân công.
Tính đến thời điểm hiện nay, kinh tế Mỹ đang hồi phục nhanh hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế. Nhưng với việc trợ cấp liên bang bị cắt giảm, tăng trưởng việc làm ở mức thấp, chi tiêu dùng – động lực của kinh tế Mỹ, được dự báo suy yếu. Các nhà kinh tế nhìn nhận, đà hồi phục tại Mỹ sẽ ở ngưỡng khiêm tốn trong thời gian tới.
Theo Michael Gapen, kinh tế gia trưởng phụ trách thị trường Mỹ tại tập đoàn tài chính Barclays, có bằng chứng rõ ràng về xu thế tăng trưởng chậm lại ở Mỹ. Tuy nhiên, gần như không có kịch bản kinh tế Mỹ tăng trưởng âm hai con số, nhờ vào việc các hộ gia đình đã dành ra phần tích lũy trong đại dịch. Tích lũy cùng thanh khoản sẽ hỗ trợ chi tiêu trong một vài tháng tới.
Người tiêu dùng Mỹ tăng chi tiêu trong mùa hè vừa qua, sau khi đã phải thắt chặt các khoản chi trong mùa xuân trước đó. Họ đổ tiền mua các mặt hàng như xe đạp, xe hơi, thực phẩm và nhà cửa. Nhưng đà tăng đã chững lại trong tháng 8, với mức chi giảm 1% so với mùa hè – quãng thời gian ghi nhận mức tăng ấn tượng 9% trong tháng 5, 7% trong tháng 6 trước khi giảm xuống còn 2% trong tháng 7. Chi tiêu dịch vụ như ăn nhà hàng, nghỉ khách sạn, đi lại bằng máy bay đều giảm.
Trên thị trường lao động, xu hướng phục hồi cũng có dấu hiệu chậm lại kể từ sau mùa hè. Tính hết tháng 8, giới chủ sử dụng lao động tạo ra khoảng 11 triệu việc làm, bằng một nửa trong tổng số 22 triệu người mất việc kể từ khi COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, việc làm mới chủ yếu được tạo ra trong thời gian từ tháng 5 tới tháng 7.
Các số liệu kinh tế cho thấy kinh tế Mỹ đã hồi phục mạnh trong quý 3, kết thúc vào ngày 30/9 sau mức tăng trưởng âm kỉ lục trong quý 2. Chi tiêu dùng tăng mạnh giúp GDP quý 3 của Mỹ tăng trưởng khoảng 30% tính theo mức điều chỉnh theo năm. Điều này sẽ giúp khôi phục lại năng lực sản xuất đã mất đi trong mùa xuân khi COVID-19 lan rộng, kéo theo làn sóng đóng cửa doanh nghiệp, khiến kinh tế Mỹ suy giảm 31% trong quý 2.
Vậy nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Có rất ít nhà kinh tế tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng mạnh như trong quý 3. Một phần là bởi khả năng, mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân Mỹ đã chững lại. Công ty dự báo thị trường IHS Market đánh giá, sản lượng kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng ở mức 2,5% trong quý 4 năm nay tính theo mức điều chỉnh năm.
Có một số nhân tố cản trở tiêu dùng. Trước hết, hiện chưa thể khẳng định giới sử dụng lao động sẽ tăng cường tuyển dụng hay cắt giảm việc làm trong bối cảnh nước Mỹ vẫn chưa có vaccine ngừa COVID-19.
Kế đến, tác động của gói hỗ trợ liên bang với các hộ gia đình đang mất dần. Theo đạo luật về gói cứu trợ kinh tế được thông qua hồi tháng 3, người dân Mỹ nhận được chi trả séc một lần với khoản tiền 1.200 USD. Cùng với đó là khoản trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần, nhưng đã hết hiệu lực sau ngày 31/7. Tổng thống Trump ký sắc lệnh trợ cấp cho người thất nghiệp, nhưng số tiền giảm xuống chỉ còn 300 USD/tuần, có hiệu lực từ 1/8-6/12.