Báo trên dẫn các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết các quan chức Lầu Năm Góc đang đánh giá về chi phí và hệ quả của việc chuyển một phần hoặc toàn bộ 35000 binh sĩ Mỹ về nước hoặc tới Ba Lan.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã phủ nhận thông tin của Washington Post. Hãng thông tấn DPA của Đức dẫn lời một phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói rằng Hồi đồng An ninh Quốc gia Mỹ chưa nhận được bất kỳ đánh giá nào từ Lầu Năm Góc liên quan tới kế hoạch này.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Eric Pahon nêu rõ: "Lầu Năm Góc thường xuyên xem xét tình hình của các lực lượng và tiến hành phân tích phí tổn - lợi ích. Đây không phải là điều gì mới. Chúng tôi vẫn khắc sâu những giá trị chung và mối quan hệ bền vững giữa hai nước. Chúng tôi hoàn toàn cam kết với đồng minh NATO".
Tuy nhiên, Tổng thống Trump được cho là đã thể hiện có ý chuyển các lực lượng Mỹ khỏi Đức trong một cuộc họp của Nhà Trắng. Ông Trump đã tỏ ra ngạc nhiên với số lượng quân Mỹ đóng tại Đức.
Theo Washington Post, giới chức phương Tây đã biết về thông tin này và họ đang cố gắng đánh giá xem liệu động thái này có phản ánh ý định của Tổng thống Trump hay đây là một phần trong “thủ thuật đàm phán” của Nhà Trắng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ngày 11-12/7 tới ở Brussels.
Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh châu Âu trong NATO, nhất là Đức, vì không đáp ứng mức chi tiêu quốc phòng của NATO là chiếm 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước thành viên. Trong năm 2017, Đức chỉ chi có 1,24% GDP cho ngân sách quốc phòng. Hiện chỉ có 3 nước thành viên gồm Anh, Estonia và Hy Lạp đáp ứng chỉ tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng của NATO.
Dự kiến, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra tại Brussels, Tổng thống Trump sẽ hối thúc các đồng minh NATO dành ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, theo như mục tiêu mà các nước thành viên NATO hồi năm 2014 đã nhất trí thực hiện được vào năm 2024.
Trong những tháng gần đây, Đức, nước đang có quan hệ căng thẳng với Mỹ, đã ám chỉ rằng nước này sẽ không thể đáp ứng mục tiêu trên. Trong khi đó, Tổng thống Trump cho rằng Washington đang gánh vác quá nhiều gánh nặng tài chính cho NATO.
Binh sỹ Mỹ đã đồn trú tại Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai và sự hiện diện của họ tại đây đóng vai trò là cơ sở cho các hoạt động của Mỹ tại châu Phi và khu vực Trung Đông.