Tuy nhiên, căng thẳng Nagorny Karabakh luôn là nhân tố gây bất ổn tình hình khu vực Kavkaz, nơi vốn được coi là "thùng thuốc súng" bởi luôn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc và những tranh chấp lịch sử khó hóa giải.
Tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nagorny Karabakh giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (Azerbaijan và Armenia) là vấn đề phức tạp do lịch sử để lại, đã kéo dài hơn một thế kỷ qua, có thời điểm bùng phát thành xung đột vũ trang, có lúc mâu thuẫn âm ỉ, song nhìn chung chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Đây là vấn đề xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, kể cả xung đột sắc tộc, khác biệt tôn giáo, lợi ích chính trị, lãnh thổ lẫn kinh tế.
Dưới thời Liên Xô, dù Nagorny Karabakh là một tỉnh tự trị của nước CHXHCH Xô viết Azerbaijan, song người Armenia vẫn coi đây là mảnh đất của tổ tiên họ. Trên thực tế, đa số người dân tại đây là người gốc Armenia, nên dù thuộc thành phần Azerbaijan - một quốc gia Hồi giáo, song người dân Nagorny Karabakh lại theo Thiên chúa giáo như ở Armenia, và gắn bó với Yerevan. Mâu thuẫn giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này lên đến đỉnh điểm vào cuối những năm 1980 của thế kỷ trước khi cơ quan lập pháp tỉnh tự trị Nagorny Karabakh tiến hành bỏ phiếu ủng hộ việc ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia.
Phía Azerbaijan kiên quyết bác bỏ việc sáp nhập, trong khi Armenia lên tiếng đòi chủ quyền đối với Nagorny Karabakh. Căng thẳng này đã gây ra cuộc chiến tranh kéo dài giữa hai nước. Khoảng 30.000 người thiệt mạng và gần 1 triệu người mất nhà cửa do các cuộc xung đột bạo lực trước khi hai bên đạt được lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 12/5/1994. Lệnh ngừng bắn “vô thời hạn” này đã thực sự giúp hai bên có được khoảng thời gian tương đối yên bình trong hơn 10 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay, những cuộc xung đột vũ trang ngắn, những cuộc đấu súng lẻ tẻ bắt đầu nổ ra thường xuyên, cho dù hàng chục cuộc tiếp xúc cấp cao, vô số các lệnh ngừng bắn mới đã được thiết lập. Đáng chú ý nhất là cuộc giao tranh giữa quân đội Azerbaijan và Armenia hồi đầu tháng 4/2016 khiến ít nhất 110 người thuộc cả hai bên thiệt mạng và trở thành cuộc xung đột tồi tệ nhất ở khu vực này kể từ năm 1994. Các cuộc đàm phán nhằm tìm ra quy chế cho vùng lãnh thổ tranh chấp này vẫn bế tắc bởi cả hai bên đều không chấp nhận các phương án được đề xuất và cũng không bên nào chịu nhượng bộ.
Gần đây nhất, chỉ hai tháng trước, mâu thuẫn giữa Armenia và Azerbaijan cũng đã leo thang thành xung đột quân sự khiến trên 10 binh sĩ của hai bên và cả dân thường thiệt mạng. Cộng đồng quốc tế lên tiếng, Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE), bên trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn năm 1994, đã vào cuộc, các cường quốc khu vực bày tỏ thiện chí sẵn sàng giúp hai bên hòa giải.
Cũng giống như các cuộc đụng độ quân sự giữa Azerbaijan và Armenia trước đây, vụ việc bùng phát từ ngày 27/9 đến nay một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Các hoạt động ngoại giao con thoi diễn ra nhộn nhịp, các quan chức của Liên hợp quốc và lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới, từ châu Á đến châu Âu, từ Địa Trung Hải đến Bắc Mỹ, liên tục đưa ra kêu gọi ngừng bắn và đối thoại. Có thể nói cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia không chỉ là “cuộc so găng tay đôi” giữa hai nước nhỏ nằm ở vùng ngoại Kavkaz xa xôi, mà còn là vấn đề địa chính trị mang tầm “liên khu vực” khiến các cường quốc tại đây, trước hết là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, không thể không bày tỏ lo ngại hoặc quan tâm chú ý.
Trước hết, có thể khẳng định rằng căng thẳng leo thang giữa Azerbaijan và Armenia tác động không chỉ đến sự ổn định của khu vực ngoại Kavkaz, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trong không gian hậu Xô viết, vốn đang có không ít cuộc khủng hoảng và xung đột chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân bởi Armenia là thành viên của một loạt các tổ chức khu vực như Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và cùng với Azerbaijan là thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Armenia cũng vừa tham gia cuộc tập trận chung chỉ huy chiến lược “Kavkaz-2020” trên lãnh thổ Liên bang Nga với các đối tác gần gũi trong CSTO.
Về phần mình, Azerbaijan không chỉ thuộc SNG, mà còn là thành viên của Tổ chức Hợp tác kinh tế biển Caspi. Tất cả các tổ chức khu vực này đều có sự tham gia của Nga, thậm chí Moskva còn giữ vai trò dẫn dắt hoạt động. Do đó, xung đột giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ không khỏi khiến Moskva bận tâm. Bởi vậy, với tư cách là đồng Chủ tịch Nhóm công tác Minsk của OSCE về Nagorny Karabakh (cùng Pháp và Mỹ), Nga đã liên tục có các cuộc điện đàm với đại diện của cả Armenia, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau khi xung đột bùng phát trở lại ngày 27/9 vừa qua.
Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc khu vực khác, cũng được coi là một nhân tố quan trọng có khả năng khiến xung đột Azerbaijan và Armenia leo thang hoặc ngược lại, giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước láng giềng nhiều duyên nợ. Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ bền chặt với Azerbaijan, cũng tương tự như mối quan hệ mang tính chất đồng minh chiến lược giữa Nga và Armenia. Tuy nhiên, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Armenia luôn căng thẳng liên quan vấn đề thảm sát người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại). Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu cuộc đụng độ mới nhất tại Nagorny Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai ủng hộ “người anh em Azerbaijan thu hồi lãnh thổ”.
Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã ký Hiệp định Đối tác chiến lược và tương trợ lẫn nhau, trong đó quy định mỗi bên sẽ hỗ trợ và sử dụng “mọi công cụ có thể” trong trường hợp bên kia bị tấn công hay xâm lược. Trong cuộc chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia giai đoạn 1988 - 1994, Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo sẽ gửi quân đội tới hỗ trợ Azerbaijan. Đáp lại, Tư lệnh Các lực lượng vũ trang thống nhất SNG khi đó là nguyên soái Evgheny Saposhnikov khẳng định rằng “nếu có thêm một bên nữa tham gia xung đột, chúng ta sẽ ở bên bờ vực của chiến tranh thế giới thứ ba”. Nói như vậy để thấy, xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tác động không chỉ tới an ninh của vùng Kavkaz, mà có thể còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của cả không gian hậu Xô viết, thậm chí nếu không kiểm soát tốt sẽ lan ra cả khu vực Địa Trung Hải.
Khu vực Kavkaz nằm ở ranh giới giữa châu Âu và châu Á, có đa số người Hồi giáo sinh sống, từ nhiều năm qua cũng là một trong những “điểm nóng” an ninh. Nhiều nhóm ly khai cực đoan cũng như các tổ chức khủng bố chọn nơi đây làm địa bàn hoạt động. Cuộc xung đột bùng phát tại Nagorny Karabakh có thể tạo ra lỗ hổng an ninh lớn, các phần tử khủng bố có thể lợi dụng tình hình hỗn loạn để thực hiện các cuộc tấn công ở Nga và các nước châu Âu, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Liên minh châu Âu (EU) cũng có lý do để lo ngại bởi ngoài yếu tố an ninh, khu vực Kavkaz từ lâu đã có tầm quan trọng về năng lượng và địa chính trị ngày càng lớn. Trong bối cảnh thường xuyên xảy ra “cuộc chiến khí đốt” với Nga, EU coi "Hành lang khí đốt phía Nam" và đường ống dẫn khí Azerbaijan - Gruzia - Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng sống còn đối với an ninh năng lượng của "lục địa già". Trong trường hợp xung đột tại Nagorny Karabakh kéo dài, cả hai tuyến vận tải năng lượng triển vọng này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể làm mất an ninh năng lượng của châu Âu. Hơn thế nữa, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan trên toàn cầu, bất kỳ điểm nóng bất ổn nào cũng có thể làm trầm trọng thêm những tác động của đại dịch.
Bởi vậy mà hạ nhiệt căng thẳng tại Nagorny Karabakh đang là mối quan tâm của nhiều bên. Hiện quan hệ của hai nước lớn trong khu vực là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là xu hướng đối thoại, thỏa hiệp để cùng giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn lợi ích. Cách tiếp cận của hai nước này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến ứng xử của các bên xung đột trực tiếp.
Rõ ràng, nếu muốn giảm căng thẳng cho cuộc xung đột, việc đưa các bên cùng ngồi vào bàn đàm phán là một nhiệm vụ quan trọng mang tính nguyên tắc. Dư luận quốc tế hiện đang thể hiện sự đồng thuận lớn trong cách tiếp cận, đó là cần giải quyết cuộc xung đột này bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, dựa trên luật pháp quốc tế, vì lợi ích của người dân Armenia, cũng như người dân Azerbaijan. Do đó, vấn đề còn lại phụ thuộc vào quyết tâm chính trị và sự sẵn sàng thỏa hiệp của các bên xung đột trực tiếp.