Đáng chú ý hơn, những động thái này lại xuất phát từ phía Mỹ và khi Washington đánh tín hiệu tích cực, Nga ngay lập tức hưởng ứng. Tuy nhiên, liệu thái độ thiện chí của các nhà lãnh đạo có giúp khôi phục quan hệ hợp tác Nga - Mỹ hay không, sẽ cần những hành động cụ thể, trong đó các cuộc tiếp xúc ở cấp cao chỉ là điều kiện cần cho việc bình thường hóa quan hệ song phương.
Mở đầu cho chuỗi sự kiện đầy bất ngờ trong quan hệ Nga - Mỹ là việc Tổng thống Donald Trump ngày 3/5 tiến hành điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Cuộc điện đàm do phía Mỹ khởi xướng kéo dài hơn một giờ và được Tổng thống Donald Trump đánh giá “rất tích cực"…
Tiếp nối cuộc điện đàm giữa nguyên thủ hai nước, chỉ 3 ngày sau, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc hội đàm kéo dài gần một giờ với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề cuộc họp bộ trưởng Hội đồng Bắc cực ở thành phố Rovaniemi, Phần Lan.
Trả lời báo chí sau buổi gặp, ông Lavrov cho biết cuộc hội đàm giữa ông và ông Pompeo “tích cực và mang tính xây dựng”. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: "Tôi tin rằng chúng tôi đã thực hiện được những bước đi rất tích cực theo tiến triển của cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump vài ngày trước đây".
Trên tinh thần “xây dựng” đó, ngày 14/5, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo lại có chuyến thăm Nga và gặp lại ông Lavrov cũng như có cuộc hội kiến với Tổng thống Putin. Ông Pompeo đã quyết định đến thăm Nga lần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ vì “Tổng thống Mỹ quan tâm đến việc cải thiện quan hệ với Nga”, và vì “có rất nhiều vấn đề mà lợi ích của hai nước trùng hợp”.
Trong cuộc gặp với ông Pompeo tại thành phố Sochi, Tổng thống Nga Putin cho biết cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ hôm 3/5 khiến ông có cảm tưởng là “Tổng thống Mỹ muốn khôi phục quan hệ song phương nhằm cùng nhau giải quyết các vấn đề hai nước quan tâm”. Ông Putin không ngần ngại chia sẻ rằng “phía Nga đã nhiều lần bày tỏ mong muốn khôi phục quan hệ đầy đủ với Mỹ” và các điều kiện cần thiết cho việc này đang được tạo ra.
Có lẽ đối với Tổng thống Trump, điều kiện thuận lợi để cải thiện quan hệ với Nga đã đến khi Công tố viên đặc biệt Robert Muller đưa ra kết luận điều tra “không có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với giới chức Nga”. Kết luận điều tra được coi như giải thoát cho ông Trump khỏi tình trạng bị “trói chân, trói tay”, không thể có những hành động cải thiện quan hệ với Nga vì có thể rơi vào tình huống “tình ngay lý gian”.
Phía Nga từ lâu đã cho rằng những cáo buộc vô căn cứ từ phía Mỹ là nguyên nhân chính khiến quan hệ Nga - Mỹ “xuống dốc không phanh”. Do đó, kết luận điều tra có thể được Tổng thống Putin xem là một trong những điều kiện thuận lợi để bắt đầu tìm kiếm sự đối thoại tin cậy giữa hai nước.
Theo Tổng thống Nga, tình hình hiện nay đang thay đổi, Moskva và Washington có lợi ích chung "trong lĩnh vực duy trì sự ổn định chiến lược, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực, chống tội phạm có tổ chức, đấu tranh giải quyết vấn đề môi trường và nghèo đói trên thế giới". Thậm chí, trong vấn đề mang tính cạnh tranh cao như việc sản xuất, khai thác dầu khí, nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng hai nước có thể hợp tác với nhau để ổn định thị trường năng lượng thế giới.
Về phần mình, ông Pompeo nêu ra những vấn đề mà Nga và Mỹ có thể hợp tác như việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Afghanistan và thiết lập đối thoại chiến lược.
Tuy nhiên, đối với cặp quan hệ chứa đầy rẫy những mâu thuẫn, bất đồng như cặp Nga - Mỹ, cho dù hai bên đã tỏ ra thiện chí, song trước mắt chỉ có thể hy vọng vào khả năng hai nước sẽ ngừng việc tiếp tục làm xấu đi quan hệ song phương, bắt đầu tiến trình xây dựng lòng tin và khôi phục hợp tác trên một số lĩnh vực “có chọn lọc”, chứ chưa thể lạc quan về một triển vọng sớm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai cường quốc thế giới.
Nói như Trợ lý của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov, “một cuộc trò chuyện thực chất đã diễn ra, sự sẵn sàng để bắt đầu quan hệ thẳng thắn giữa hai quốc gia đã được xác nhận”, song “không cảm nhận có sự đột phá nào trong kết quả đàm phán”.
Điểm lại những vấn đề được đưa ra thảo luận trong các cuộc hội đàm trực tiếp lần này, có thể thấy hai bên bước đầu chỉ đạt được sự đồng thuận “mang tính định hướng” trong 3 vấn đề là Triều Tiên, Syria và kiểm soát vũ khí, trong khi những vấn đề luôn gây căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ thời gian gần đây như Iran hay Venezuela, các cuộc gặp trong khuôn khổ chuyến thăm Nga lần này của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ chỉ là nơi các bên trình bày quan điểm, chứ chưa thể đưa ra những giải pháp hay biện pháp nào khả thi.
Về vấn đề Triều Tiên, hai bên “đã thống nhất về mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên” và sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này. Phía Nga bày tỏ sẵn sàng ủng hộ đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hai bên chưa thể thống nhất về phạm vi, nội hàm của “phi hạt nhân hóa”, nguyên tắc đàm phán cũng như cách thức để đạt được mục tiêu trên.
Trong vấn đề Syria, ông Pompeo cho biết hai bên đã nhất trí về một tiến trình chính trị gắn liền với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trước mắt là việc thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp thời kỳ hậu xung đột cho Syria. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi trong cuộc khủng hoảng tại Syria là “số phận của Tổng thống hợp pháp Bashar al-Assad” lại không được bàn tới. Sự khác biệt tương tự cũng diễn ra trong vấn đề Venezuela, khi Mỹ kêu gọi Nga chấm dứt ủng hộ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, còn Nga lại đề nghị Washington đối thoại với chính quyền đương nhiệm hợp pháp tại Caracas.
Đối với vấn đề hạt nhân Iran hay việc giải quyết cuộc xung đột ở Afghanistan, hai bên chưa tìm ra được những điểm đồng cần thiết để có thể sớm nối lại hợp tác. Một điểm cộng trong quá trình khôi phục sự phối hợp hành động Nga - Mỹ là khả năng tổ chức các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí, các vấn đề an ninh - chiến lược “trong những tuần tới”.
Trên thực tế, những vấn đề quốc tế mà hai bên thảo luận trong cuộc gặp này có thể nói đều mang tính lợi ích chiến lược đối với cả hai, và phần nào đó là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ. Điều đó khiến việc tháo gỡ những khác biệt và căng thẳng giữa hai nước luôn hết sức khó khăn.
Cho dù đã không có đột phá thực sự nào trong các vấn đề đàm phán, song chính thái độ thiện chí sẵn sàng “ngồi lại với nhau” đã là một tín hiệu tích cực, ít nhất cũng giúp ngăn chặn đà suy giảm quan hệ song phương. Trong khi các bên đều quyết tâm bảo vệ quan điểm và những lợi ích quốc gia của mình mà không phải lúc nào cũng trùng hợp, việc tạo ra những “diễn đàn”, những cơ hội tiếp xúc cấp cao như thế này là vô cùng cần thiết để các bên chia sẻ quan điểm, tìm kiếm điểm đồng, tiến tới cùng phối hợp hành động trong các vấn đề quốc tế then chốt…
Ít nhất thì khi hai cường quốc như Mỹ và Nga có thể thỏa hiệp để tìm kiếm một giải pháp phối hợp, thế giới sẽ có cơ hội được chứng kiến những "bàn thắng ngoạn mục" trong các vấn đề vốn là thách thức toàn cầu, như chống chủ nghĩa khủng bố hay cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Loạt sự kiện mới đây trong quan hệ Nga và Mỹ là những chuyển động theo hướng tích cực như vậy