Tín hiệu về giải pháp chính trị cho cuộc chiến Syria

Ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng kế hoạch của Nga về việc Syria giao nộp kho vũ khí hóa học là có thể là "bước đột phá quan trọng", tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng ông vẫn chưa loại trừ phương án tấn công quân sự.

Tổng thống Obama dự định ngày 9/9 sẽ có bài phát biểu thuyết phục các cử tri và các nghị sĩ Mỹ còn hoài nghi về kế hoạch của ông liên quan tới việc thực hiện các cuộc tấn công quân sự nhằm trừng phạt chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, ông cũng đang cân nhắc phản ứng trước sáng kiến ngoại giao bất ngờ của Nga về việc đặt kho vũ khí hóa học bị cấm của ông Assad dưới sự kiểm soát của quốc tế.

Đông đảo người dân Mỹ tập trung bên ngoài Nhà Trắng và tuần hành tới trụ sở Quốc hội, biểu tình phản đối kế hoạch tấn công quân sự Syria, ngày 9/9/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Nhà lãnh đạo Mỹ - vốn đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với kế hoạch tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Syria - tỏ ra thận trọng về đề xuất của Nga, song ông cũng tuyên bố sẽ xem xét đề xuất này một cách nghiêm túc. Trong một loạt cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Obama khẳng định rằng đề xuất này được đưa ra là bởi ông Assad và đồng minh của ông ta ở Moscow nhận thấy Mỹ rất nghiêm túc về việc sử dụng vũ lực.

Trả lời phỏng vấn kênh NBC, Tổng thống Mỹ nói: "Tôi cho rằng lời đe dọa đáng tin cậy của Mỹ về việc tấn công quân sự, vốn nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia khác trên thế giới, đã khiến họ (ông Assad và đồng minh) phải dừng lại và xem xét xem liệu có nên thực hiện động thái này hay không. Và nếu họ đã quyết định thực hiện động thái này thì đó có thể trở thành bước đột phá quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta phải thận trọng bởi chúng ta biết rằng đây không phải cách thức họ hành động trong suốt hai năm qua".

Các đồng minh châu Âu của Washington cũng tỏ ra thận trọng khi hoan nghênh kế hoạch này. Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ quan ngại rằng kế hoạch này có thể chỉ là "chiến thuật làm sao nhãng", song về cơ bản ông vẫn hoan nghênh kế hoạch này. Thủ tướng Đức Angela Merkel coi đây là đề xuất "thú vị", song cũng nói thêm rằng bà hy vọng nó sẽ sớm được thực hiện chứ không phải chỉ để "câu giờ". Và Pháp - đồng minh phương Tây duy nhất đồng ý tham gia vào một cuộc tấn công Syria do Mỹ đi đầu - nói rằng ông Assad "không được trì hoãn" và ngay lập tức cần cam kết xóa bỏ kho vũ khí hóa học.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp người đồng cấp Syria và thúc giục Syria "đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự giám sát của quốc tế và sau đó số vũ khí này sẽ bị tiêu hủy". Phát biểu tại Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Muallem đã hoan nghênh đề xuất của Nga. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu ông Assad có nhất trí với kế hoạch này hay không. Phe đối lập chống chính phủ Syria tuyên bố rằng kế hoạch vừa được đưa ra là âm mưu của Tổng thống Putin nhằm bảo vệ ông Assad.

Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố rằng đề xuất của Nga sẽ không làm chệch hướng những nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc hội cho phép tấn công Syria, đồng thời khẳng định chính lời đe dọa tấn công đã khiến Nga đưa ra đề xuất này. Tổng thống Obama hiện đang đối mặt với thử thách lớn nhằm giành được sự cho phép của Quốc hội để can thiệp vào Syria. Đa số các nghị sĩ vẫn chưa quyết định xem liệu có nên sử dụng lực lượng quân sự để trừng phạt Syria vì bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường ngày 21/8 vừa qua.

Tổng thổng Mỹ nói trên kênh NBC rằng "Tôi không nói rằng tôi tự tin" sẽ giành được sự chấp thuận của Quốc hội, song ông cho biết ông có kế hoạch vận động hành lang mạnh mẽ để thuyết phục Quốc hội ủng hộ kế hoạch của ông. Bên cạnh hàng loạt cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Obama sẽ tới Quốc hội vào ngày 10/9 để thuyết phục các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trước khi có bài phát biểu trên truyền hình vào tối cùng ngày.

Mặc dù Tổng thống Obama coi đề xuất của Nga là chiến thắng của Washington do thực hiện chính sách đe dọa hành động quân sự, song ông vẫn bị đẩy vào tình thế khó khăn ở trong nước. Do đã lựa chọn đưa vấn đề tấn công Syria ra Quốc hội, ông Obama có khả năng bị đánh bại ngay tại trên chính nước Mỹ. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid cho biết ông đã hoãn cuộc bỏ phiếu thủ tục quan trọng về việc cho phép sử dụng vũ lực với Syria cho đến khi Tổng thống có bài phát biểu trước toàn thể đất nước về vấn đề này vào ngày 10/9.

Đa số cử tri tại Mỹ phản đối biện pháp tấn công quân sự do chán nản với chiến tranh sau các sự mệnh kéo dài, gây đổ máu và không đi đến kết quả gì của Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, các tàu khu trục mang tên lửa hành trình của Mỹ đang có mặt tại phía Đông Địa Trung Hải, chuẩn bị cho điều mà các quan chức Mỹ gọi là một cuộc tấn công hạn chế nhằm trừng phạt chính phủ Syria.

Đề xuất bất ngờ của Nga đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Các nhà phân tích và quan sát người Syria cho rằng đề xuất mới này là "bước đi đầu tiên tiến tới một giải pháp chính trị". Sharif Shihadeh, một nghị sĩ người Syria, nói với hãng tin Tân Hoa Xã: "Chúng tôi hy vọng rằng đây có thể là bước đi đầu tiên tiến tới một giải pháp chính trị và kết quả đạt được không chỉ liên quan tới vũ khí hóa học mà còn có thể chấm dứt việc phương Tây và các nước Arập hỗ trợ tài chính cho các nhóm nổi dậy có vũ trang ở Syria. Tôi cho rằng Nga, sau khi đã nhất trí với Mỹ, đã mở ra một cánh cửa nhỏ cho Syria để tiến tới một giải pháp chính trị".

Sami Kulaib, một nhà quan sát người Lebanon, nhận định rằng Tổng thống Nga Putin "đã thành công khi tạo ra một phép màu và ngăn chặn lửa chạm tới thùng đựng thuốc nổ". Ông cho rằng "cả hai nước (Nga và Syria) đã có thỏa thuận từ trước, và đề xuất này được đưa ra sau một thời gian dài cân nhắc". Ông nói thêm rằng Syria sẽ không chấp nhận đề xuất của Nga nếu Syria không nhận được "cái giá chính trị và quân sự" nào.

Các chuyên gia khác nói rằng ngay từ khi bắt đầu vụ việc lộn xộn về vũ khí hóa học tại Syria, Washington đã nỗ lực thúc ép chính quyền Assad phải đưa ra bước nhượng bộ này, đồng thời theo họ, chi phí cho một cuộc tấn công nhằm vào Syria sẽ rất lớn. Nếu Syria từ bỏ kho vũ khí hóa học, sẽ không còn lý do gì để Washington bị đẩy vào một cuộc chiến không chỉ với Syria mà còn liên quan tới Hezbollah ở Lebanon và Iran. Các nhà quan sát cho rằng Washington sẽ suy nghĩ kỹ về vấn đề này bởi đây là con đường duy nhất cứu khu vực khỏi chiến tranh.


TTK
Obama: Đề xuất của Nga có thể là ‘bước đột phá’
Obama: Đề xuất của Nga có thể là ‘bước đột phá’

Trong lúc vẫn đang tích cực vận động ủng hộ cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng đề xuất của Nga về việc Damascus chuyển giao vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế có thể là một "thỏa thuận lớn" nếu nó được thực hiện nghiêm túc.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN