Một loạt "chiến thắng ngoại giao", trong đó có việc làm trung gian cho thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, đã giúp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tránh được những lời chỉ trích về những yếu kém kinh tế ở trong nước, đồng thời giúp ông có thời gian đề ra chiến lược tranh cử cho cuộc bầu cử vào năm tới.
Khi ông Erdogan đối mặt với những điều đang được định hình là thách thức bầu cử lớn nhất trong gần 20 năm cầm quyền của mình, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang phát huy thế mạnh ngoại giao trên toàn cầu.
Phát biểu trước đám đông trong một cuộc vận động tranh cử ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ sau khi hội đàm tại Nga với Tổng thống Vladimir Putin, ông Erdogan: “Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua thời kỳ mạnh nhất về mặt chính trị, quân sự và ngoại giao".
Nhưng những thành tựu ngoại giao của ông Erdogan lại trái ngược với bức tranh kinh tế đang trở nên tồi tệ ở trong nước, với lạm phát tăng vọt lên 79% và đồng lira suy yếu gần mức thấp kỷ lục mà nó đạt được trong cuộc khủng hoảng tiền tệ gần đây nhất vào tháng 12 năm ngoái.
Những người phản đối đổ lỗi cho các chính sách kinh tế của ông Erdoğan, trong đó có một loạt cắt giảm lãi suất bất chấp lạm phát cao và việc sa thải ba thống đốc ngân hàng trung ương kể từ năm 2019, khiến nước này thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài để hỗ trợ nền kinh tế.
Tổng thống Erdoğan cho biết kết quả từ các chính sách kinh tế của chính phủ - ưu tiên xuất khẩu, sản xuất và đầu tư - sẽ trở nên rõ ràng hơn trong quý đầu tiên của năm 2023.
Vị thế quốc tế
Thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, bị phong tỏa kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, có thể giảm bớt tình trạng thiếu lương thực khiến hàng triệu người nguy cơ rơi vào nạn đói và khiến giá cả toàn cầu tăng cao.
Dưới sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận được ký kết sau khi ông Erdoğan bảo đảm nhượng bộ từ NATO liên quan đến sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, cũng như khởi động quan hệ hợp tác với các cường quốc đối thủ ở Trung Đông.
Hồi tháng 6, ông Erdoğan cũng nhận được cam kết từ Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng sẽ hỗ trợ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Washington chặn Ankara mua máy bay chiến đấu F-35 tiên tiến hơn vì mua vũ khí (hệ thống tên lửa phòng không S-400) của Nga.
Phép thử trước bầu cử
Là người nắm quyền lâu nhất và là nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Mustafa Kemal Atatürk thành lập quốc gia này gần một thế kỷ trước, ông Erdoğan phải đối mặt với các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống đầy thách thức dự kiến diễn ra vào tháng 6/2023.
Một cuộc khảo sát của cơ quan thăm dò ý kiến Metropoll vào tuần trước cho thấy sự ủng hộ dành cho Đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền do ông Erdoğan lãnh đạo đã tăng nhẹ lên 33,8%, vẫn là mức cao nhất đối với tất cả các đảng phái khác. Nhưng ông Erdoğan sẽ phải đối mặt với một liên minh lỏng lẻo trước các đảng đối lập, và các cuộc thăm dò cho thấy ông đang đứng sau các ứng cử viên tổng thống của phe đối lập.
Mối quan tâm hàng đầu của cử tri là tình trạng nền kinh tế và sự hiện diện của 3,6 triệu người tị nạn Syria, được Thổ Nhĩ Kỳ chào đón khi bắt đầu cuộc xung đột ở Syria nhưng ngày càng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là đối thủ cạnh tranh về việc làm và dịch vụ.
Erdoğan Toprak, một nhà lập pháp từ đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập chính và là cố vấn cấp cao cho nhà lãnh đạo của CHP, Kemal Kılıçdaroğlu, cho biết: “Chính phủ đang sử dụng chính sách đối ngoại như một công cụ để che đậy thảm họa kinh tế, thể hiện về 'chiến thắng ngoại giao' trên sân nhà".
Ông Toprak cũng cho rằng ngay cả trên mặt trận ngoại giao, Tổng thống Erdoğan đã nhượng bộ, làm "suy yếu và tổn hại phẩm giá của Thổ Nhĩ Kỳ".
Khôi phục các mối quan hệ khu vực
Tổng Erdoğan, người vượt qua các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn vào năm 2013 và một nỗ lực đảo chính vào năm 2016, đã tìm cách sửa chữa mối quan hệ căng thẳng với các cường quốc Trung Đông khác, một phần với hy vọng thu hút các nguồn vốn nước ngoài cần thiết.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc nội chiến ở Libya và tranh chấp vùng Vịnh đối với Qatar, đã tham gia cùng Trung Quốc, Qatar và Hàn Quốc trong các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Ankara trị giá tổng cộng 28 tỷ USD. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hy vọng về một thỏa thuận với Saudi Arabia, và đã có những động thái nhằm cải thiện quan hệ với Ai Cập cũng như Israel.
“Các cử tri nhận thức được lợi ích của ngoại giao. Đôi khi họ sẽ phàn nàn về nền kinh tế hoặc người tị nạn, nhưng họ sẽ bỏ phiếu cho ông Erdoğan vì tiếp tục lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hiệu quả”, một quan chức Đảng AK nói.
Điều đó đang được coi là chìa khóa đối với chính sách ngoại giao của ông Erdoğan ở Trung Đông và xa hơn nữa là điều mà ông gọi là “sự hiểu biết chung, dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau” với Nga - một mối quan hệ khiến các đối tác NATO của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng lo ngại kể từ khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách cân bằng giữa Nga và Ukraine bằng cách vừa cung cấp vũ khí cho Ukraine, vừa từ chối tham gia cùng phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva - lập trường mà Ankara cho rằng đã giúp các nỗ lực hòa giải của họ gặt hái được kết quả.
Ông Erdoğan cho biết: “Bằng cách đảm bảo việc mở hành lang ngũ cốc, chúng tôi đã khẳng định một lần nữa vai trò chủ chốt của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu”.