Bộ chỉ huy Trung Đông của Không quân Mỹ ngày 11/1 cho biết họ đã tấn công hơn 60 mục tiêu tại 16 địa điểm ở Yemen, bao gồm “các căn cứ chỉ huy và kiểm soát, kho đạn dược, hệ thống phóng, cơ sở sản xuất và hệ thống radar phòng không”. Tiếp đó, tối 12/1, quân đội Mỹ tiếp tục không kích các mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen dù quy mô nhỏ hơn.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên: “Đây là một hành động quan trọng và được thực hiện với kỳ vọng sẽ làm suy giảm đáng kể khả năng của Houthi trong việc thực hiện chính xác các hành động tấn công mà họ đã tiến hành trong những tuần gần đây".
"Houthi không chỉ doạ, họ sẽ trả đũa"
Nhóm chiến binh tại Yemen đã thề sẽ đáp trả. Kể từ năm 2014 nhóm này đã gây chiến với chính phủ Yemen được phương Tây công nhận và hiện kiểm soát thủ đô Sanaa và hầu hết miền bắc Yemen.
Nasreddin Amer, Phó thư ký thông tin của lãnh đạo Houthi, Ansar Allah cảnh báo: “Bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại chúng tôi sẽ bị đáp trả một cách tuyệt đối, không chút nghi ngờ, bằng tất cả sức mạnh và quyết tâm, và khu vực sẽ đứng trên bờ vực leo thang mà không ai biết được kết cục của nó”.
Theo tờ Newsweek, chỉ riêng các cuộc tấn công của phương Tây sẽ không ngăn được Houthi, nhómđ vượt qua thành công cuộc chiến kéo dài gần một thập kỷ với Saudi Arabia và các đồng minh trong khu vực.
Bilal Saab, một thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, đồng thời là giám đốc chương trình quốc phòng và an ninh của tổ chức này, nói với Newsweek về các mối đe dọa trả đũa của Houthi.
“Tôi không nghĩ họ chỉ doạ. Họ sẽ đáp trả… Họ nhìn thấy cơ hội trong cuộc chiến với quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”, ông Saab nói. “Chúng ta có thể thấy rằng phản ứng của phương Tây sẽ không hiệu quả, có những rủi ro và hậu quả. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cảm thấy bị buộc phải theo đuổi cách tiếp cận đó – cả vì lý do chính trị lẫn chiến lược”.
Chuyên gia này nói thêm: "Tôi không nghĩ rằng việc không hành động là một lựa chọn. Mọi phương án được đưa ra cho Tổng thống Joe Biden đều tệ. Vấn đề là chọn phương án ít tệ nhất."
Xem video máy bay chiến đấu của liên quân do Mỹ dẫn đầu xuất kích tấn công các mục tiêu của Houthi tại Yemen đêm 11/1: (Nguồn: WSJ)
Căn cứ Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa Houthi
Lầu Năm Góc cho đến nay "chưa thấy bất kỳ hành động trả đũa trực tiếp nào nhắm vào Mỹ hoặc các thành viên liên minh khác", quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết hôm 11/1, "Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy một số phản ứng.
Lực lượng Houthi có khoảng 20.000 tay súng cùng với kho vũ khí tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái đáng sợ. Nhóm này đã nhiều lần thực hiện thành công các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng và quân sự nhạy cảm của Saudi Arabia và UAE trong suốt cuộc chiến với các quốc gia vùng Vịnh.
Trong số các tên lửa đạn đạo của Houthi có Shahab 3, với tầm bắn 1.300km, và các biến thể Ghadar, với tầm bắn lên tới 1.900km. Shahab 3 có thể tấn công hầu hết Saudi Arabia, UAE và Qatar, trong khi Ghadar tầm xa nhất có thể phóng tới Israel và Iraq.
Các cơ sở chiến lược của Mỹ có hàng nghìn nhân viên như Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar, căn cứ Hỗ trợ Hải quân ở Bahrain và Trại Arifjan ở Kuwait đều nằm trong tầm bắn.
Houthi cũng đã tăng cường khả năng tên lửa đạn đạo chống hạm của họ và có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách trên 800km.
Nhóm này đã chứng tỏ mình thành thạo và sáng tạo trong việc sử dụng máy bay không người lái tầm xa, bao gồm cả các hệ thống của “gia đình” Qasef, Shahed và Mohajer.
Hoạt động quấy phá trên Biển Đỏ sẽ tiếp tục
Andreas Krieg, Phó giáo sư tại trường nghiên cứu an ninh tại King's College, London, nói với Newsweek rằng việc tiếp tục quấy rối hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ là phản ứng rất có thể xảy ra của Houthi.
Ông Krieg nói: “Họ phải phản ứng để giữ thể diện và tính hợp pháp trong nước”, đồng thời lưu ý rằng các cuộc biểu tình đã diễn ra ở các khu vực do Houthi kiểm soát trùng với thời điểm cầu nguyện ngày thứ Sáu. "Họ phải phát đi một thông điệp."
Ông nói thêm: “Người Houthi đã ở trong tình trạng chiến tranh suốt hơn 20 năm và họ không có vấn đề gì với việc chịu đựng bất kỳ áp lực nào vô thời hạn. Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều cuộc tấn công nhằm vào tàu chở hàng từ Yemen trong những tuần tới.”
Phó giáo sư Krieg nhận định: “Khó có thể làm được gì từ xa để ép buộc hoặc buộc lực lượng Houthi dừng lại. Vấn đề ở đây là bằng cách chọc tức họ, như [liên quân Mỹ] đã làm ngày 11/1 khi gửi thông điệp mạnh mẽ đó, người Houthi rất có thể sẽ được khuyến khích tiếp tục [tấn công]"
Các nước Vùng Vịnh sẽ làm gì
Các đối tác Vùng Vịnh của Mỹ đang tránh xa hoạt động này. Saudi Arabia - quốc gia đang theo đuổi thỏa thuận hòa bình với người Houthi để chấm dứt cuộc chiến tàn khốc - bày tỏ "mối quan ngại lớn" và kêu gọi "tránh leo thang".
UAE lưu ý "tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh khu vực" đồng thời lên án các cuộc tấn công vào tàu bè trên Biển Đỏ. Và Ngoại trưởng Oman Badr Al-Busaidi cảnh báo hoạt động của phương Tây sẽ “chỉ đổ thêm dầu vào tình hình cực kỳ nguy hiểm”.
Phó giáo Krieg nói về các đồng minh khu vực của Mỹ: “Họ không muốn bị lôi kéo và hút vào. Iran sẽ phải bật đèn xanh để nói rằng Houthi được phép tấn công UAE, Saudi Arabia hoặc Qatar, nhưng trong bối cảnh hiện tại, người Iran không có hứng thú leo thang hơn nữa với các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh”.
"Họ đang cố gắng xây dựng một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến ở Gaza, chống lại phương Tây và chống lại Israel. Họ không muốn xa lánh Saudi và UAE để hướng tới người Mỹ nhiều hơn”, ông Krieg giải thích thêm.
Cuộc chiến của Israel với Hamas ở Dải Gaza chưa có dấu hiệu kết thúc, ngay cả khi nó đang chuyển sang giai đoạn ít căng thẳng hơn. Tại Liban, các cuộc giao tranh giữa Lực lượng Phòng vệ Israel và Hezbollah có nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện, với các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng.
Quan chức Houthi tên là Amer cho biết ngày 11/1: “Bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại chúng tôi đều không có lý do chính đáng vì đó chỉ là sự hỗ trợ cho việc Israel tiếp tục giết hại những người dân Palestine bị áp bức.”
Trong khi đó, Bilal Saab, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, nói rằng một chiến dịch dài hạn chống lại nhóm Yemen có thể khiến tổ chức này suy yếu, nếu không muốn nói là bị đánh bại. "Nhưng để đi đến đó, liệu quyết tâm của phương Tây có còn tồn tại hay không. Liệu khả năng đó có còn tồn tại khi chúng cũng rất cần thiết ở các chiến trường khác hay không".
Nếu người Houthi đánh trả như dự báo, Mỹ và các đồng minh có thể rơi vào một trận chiến ăn miếng trả miếng khác.
Ông Saab nhận xét: “Chúng ta đã đánh trúng tổ ong bắp cày. Đó sẽ là một chiến dịch được duy trì liên tục trong trường hợp người Houthi đáp trả".
"Houthi thực sự được hưởng lợi từ cuộc đụng độ với người Mỹ vì đủ loại lý do. Nó khiến người dân địa phương và bất kỳ ai theo dõi Houthi sẽ mất tập trung khỏi sự quản lý tồi tệ của họ ở Yemen. Nó củng cố uy tín của họ với tư cách là bên duy nhất thực sự đối đầu với Mỹ. Vì vậy, có cơ hội cho họ", ông nói thêm.
Về cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Mỹ và Houthi, ông Saab cho rằng: “Đây thực sự không phải là một trò chơi dành cho hai người chơi. Đây còn là một trò chơi có sự tham gia của người Iran."
Newsweek đã liên hệ với phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc qua email để yêu cầu bình luận về các cuộc tấn công của Mỹ-Anh, nhưng chưa nhận được trả lời.
Tóm lại, có rất ít cơ hội cho một giải pháp quân sự thuần túy; một bài học mà Mỹ và các đồng minh đã phải trả giá đắt trong những cuộc can thiệp thất bại ở Afghanistan, Iraq, Libya và những nơi khác.
“Họ khá phân tán”, ông Saab nói về người Houthi. “Họ có thể ẩn náu trong núi, trong đường hầm, họ có năng lực và sẽ tiếp tục nhận nguồn cung cấp từ Iran".
Nhưng theo ông, Tehran và các đồng minh trong khu vực dường như cũng không muốn để xảy ra xung đột lớn.