Việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông đặt ra những thách thức ngày càng tăng đối với Nhật Bản, phản ánh nỗ lực của nước này nhằm kiểm soát vùng trời và vùng biển tại khu vực phía tây Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Kinh đang có tham vọng trở thành một cường quốc biển trên thế giới.ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố chồng lấn vào ADIZ của Nhật Bản. Ảnh: CNN. |
Thiết lập quyền kiểm soát không phận bao phủ các hòn đảo không có người ở Senkaku/Điếu Ngư do phía Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền sẽ bảo đảm cho các tàu thuyền của Bắc Kinh có thể cơ động về phía đông giữa Đài Loan và quần đảo Okinawa của Nhật Bản “một cách thoải mái”. Các hòn đảo này nằm dọc theo một trong hai eo biển dọc theo bờ biển của Trung Quốc sang Thái Bình Dương, nơi mà Mỹ có thể tự do đi lại từ bờ biển phía tây của nước này cũng như từ Alaska, Hawaii và các đảo khác.
Tuyên bố thành lập ADIZ của chính phủ Trung Quốc vào cuối tháng 11 vừa qua là động thái mới nhất khẳng định sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Từ năm 2010, Trung Quốc đã tăng cường tuần tra với tàu giám sát và tàu bảo vệ bờ biển liên tục điều các máy bay do thám vào không phận thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Scott Harold, nhà phân tích chiến lược của Tập đoàn RAND có trụ sở tại Hong Kong và Viện chính sách ở Santa Monica, California (Mỹ) cho rằng, chiến thuật này là một khúc dạo đầu cho việc xây dựng một lực lượng hải quân biển xanh có khả năng hoạt động tại các khu vực biển sâu của Trung Quốc.
"Có rất nhiều tướng lĩnh thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hướng đến là eo biển Miyako nằm giữa quần đảo Okinawa, một cửa ngõ quan trọng cho tàu chiến Trung Quốc ra vào Thái Bình Dương. Có được điểm chốt này, Trung Quốc sẽ hình thành được “Chuỗi đảo thứ nhất” từ Okinawa - Đài Loan - Biển Đông”. Khống chế được chuỗi đảo này, Trung Quốc sẽ có điều kiện để hoàn thiện “Chuỗi đảo thứ hai”, kéo từ “Saipan - Guam - Indonesia”. Khi đó, Trung Quốc có thể cạnh tranh với Mỹ về sức mạnh trên các đại dương.
Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc phải trở thành một cường quốc biển. Tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên của mình và có kế hoạch chế tạo ít nhất 2 chiếc vào năm 2025, theo một báo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Trung-Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc nắm trong tay một công cụ răn đe hạt nhân trên biển đáng kể đầu tiên vào cuối năm 2013 khi các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Julang thử nghiệm thành công.
Trong khi đó, Daniel Sneider, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á -Thái Bình Dương Shorenstein tại Đại học Stanford (Mỹ) nhận định rằng, Trung Quốc đang tìm cách vô hiệu hóa các đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực. "Bắc Kinh luôn tìm cách chia rẽ Washington và các đồng minh chủ chốt của nước này là Tokyo và Seoul”, ông Sneider nói. Mỹ là một đồng minh thân cận của Nhật Bản và hai nước cũng có hiệp ước phòng thủ chung và đang đặt ra một lộ trình hợp tác quốc phòng trong 20 năm tới. Trong khi Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp trên biển Hoa Đông, nước này cũng tuyên bố sẽ bảo vệ Nhật Bản trong tình huống có xung đột.
"Trung Quốc muốn thách thức quyền kiểm soát trên thực tế khu vực Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản trong khu vực biển Hoa Đông, về cơ bản Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng", Jian Zhang, một giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales, Canberra (Australia) và là chuyên gia về các vấn đề an ninh Trung Quốc cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, Kenneth Lieberthal - người từng là Giám đốc phụ trách vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, hiện là thành viên cao cấp về Phát triển chính sách đối ngoại và kinh tế toàn cầu tại Viện Brookings ở Washington nhấn mạnh thêm rằng, Trung Quốc đã vội vàng trong việc tuyên bố xác lập ADIZ trên biển Hoa Đông và "đã cẩu thả khi ADIZ này chống lấn với ADIZ của Hàn Quốc”.
Tuy nhiên, theo Thomas Fingar, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia và người đứng đầu Cơ quan tình báo Bộ Ngoại giao Mỹ, không có lý do để cho rằng động thái này của Trung Quốc sẽ dẫn đến một sự leo thang xung đột quân sự. "Ẩn ý sâu xa của Trung Quốc là muốn khu vực mất ổn định. Bắc Kinh làm cho những căng thẳng trong khu vực leo thang, từ đó họ có thể phá vỡ thế bị bao vây hiện nay và thúc đẩy đầu tư”, điều này đang rất cần thiết đối với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nếu xung đột quân sự xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, không được phép gián đoạn.
CT(Theo Bloomberg)