Đông Bắc Á bỗng nổi sóng với việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Đây là bước đi khẳng định chủ quyền đối với tranh chấp biển đảo ở Hoa Đông, hay là khởi đầu cho việc hiện thực hóa cái gọi là “giấc mơ lớn của người Trung Quốc”?Tại sao lại là thời điểm này?Sau 1 năm lên nhậm chức, giới lãnh đạo thế hệ thứ 5 tại Trung Quốc dường như đang bận rộn với việc định hình một phong cách điều hành mới. Tờ Economist (Nhà kinh tế) của Anh đã gọi chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình là “sự pha trộn giữa cải cách kinh tế và chủ nghĩa dân tộc táo bạo”.
Với thời gian nhậm chức tương đối ngắn, thật khó để ông Tập đưa ra một phương châm đặc trưng cho thời kì cầm quyền của mình, tương tự những gì ông Đặng Tiểu Bình làm được với sách lược “cải cách và mở cửa”, Giang Trạch Dân với thuyết “3 đại diện” và quan điểm “Phát triển khoa học” của ông Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng đã có cách để buộc dư luận trong nước và quốc tế phải chú ý đến vai trò của thế hệ lãnh đạo thứ 5: Ngày 29/11/2012, tức là chưa đầy hai tuần sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông đã đề cập đến khái niệm “giấc mơ lớn của người Trung Quốc” và được giải thích ngay là “cuộc chấn hưng vĩ đại đất nước Trung Hoa”. Cụm từ này ngay lập tức đã trở thành chủ đề nóng hổi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (giữa) cùng các đại biểu khác tại Hội nghị trung ương 3 ngày 12/11. THX/TTXVN |
Theo một số học giả, về mặt đối nội, “giấc mơ lớn của người Trung Quốc” cũng tương tự như “giấc mơ Mỹ” - tức là một xã hội khá giả mà ở đó ai cũng có nhà lớn, xe ôtô đẹp, hệ thống truyền hình tiện ích... Còn về đối ngoại, Trung Quốc phải bước ra vũ trường quốc tế dưới tư cách là một siêu cường. Vị thế Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã khác nhiều so với những người tiền nhiệm. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, vượt qua Nhật Bản. Sức mạnh quân sự cũng không ngừng được củng cố, với tiến trình đầu tư, hiện đại hóa quân đội được thực hiện trong nhiều năm liên tục, đặc biệt là không quân và hải quân; mở rộng vị thế trên thị trường mua bán vũ khí, kể cả phương tiện chiến tranh hiện đại. Chắc chắn một điều, trước khi tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, giới lãnh đạo và giới tinh hoa Trung Quốc đã đo lường được mọi phản ứng, phản đối của dư luận quốc tế ở tất cả các cấp độ. Tuy nhiên, tại sao Bắc Kinh vẫn quyết tâm thực hiện?
Tuyên bố về việc lập ADIZ được đưa ra ngay sau Hội nghị Trung ương 3, khóa XVIII ĐCS Trung Quốc, với đường hướng cải cách được cho là mang tính bước ngoặt. Đâu đó đã xuất hiện đánh giá về việc ông Tập muốn thoát ra khỏi cái bóng của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, để trở thành một biểu tượng sánh tầm Đặng Tiểu Bình. Một cách thể hiện tốt nhất có lẽ là chuyển từ sách lược “Lặng lẽ quan sát; giữ vững trận địa; bình tĩnh ứng phó; giấu mình chờ thời; giỏi về phòng thủ; quyết không đi đầu” của Đặng Tiểu Bình sang hướng táo bạo và quyết đoán trong chính sách đối ngoại, với nền tảng sức mạnh đã có trong tay.
Những toan tính tầm chiến lượcTham vọng cường quốc đại dương của Trung Quốc qua việc khống chế các chuỗi đảo.
|
Nhìn lại lịch sử, các siêu cường thường thiết lập vị thế bằng tiềm lực quân sự, hoặc ít nhất là răn đe quân sự. Những đánh giá về một sự “mềm dịu” trong chính sách đối ngoại của ông Tập dường như đã không còn đúng. Trung Quốc hiện không chỉ đẩy sức mạnh quân sự ra hướng biển Hoa Đông đối kháng với Nhật Bản, mà còn cả Biển Đông, biên giới Ấn Độ, vùng Tân Cương, Tây Tạng bên trong nội địa. Không chọn Biển Đông mà chọn Hoa Đông cho việc thiết lập ADIZ, dường như Trung Quốc muốn khẳng định vị thế nước lớn một cách dứt khoát, mạnh bạo, vì Đông Bắc Á chính là nơi hiện diện đầy đủ nhất cho những quan hệ phức tạp, nhạy cảm, gắn với vai trò của Mỹ đối với hai nước đồng minh hàng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau khi có hành động úy lạo tinh thần hải quân thông qua việc thị sát tàu sân bay Liêu Ninh, tàu khu trục và tàu ngầm ở Nam Hải, ông Tập Cận Bình tuyên bố ý định xây dựng một lực lượng không quân hùng mạnh để có thể thực thi chính sách ADIZ mới. Với những tuyên bố liên quan đến ADIZ, ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo thứ 5 muốn các nước thừa nhận rằng, Trung Quốc đã thực sự trở “người chơi lớn” trên vũ đài quốc tế.
Vị thế của một cường quốc hàng đầu chỉ có thể được duy trì nếu có được sức mạnh hải quân vươn tới các vùng biển xa. ADIZ mà Trung Quốc vừa tuyên bố cũng nhằm đến mục tiêu này. Tờ tạp chí Yazhou Zhoukan xuất bản tại Hong Kong hôm 2/12 nhìn nhận, Điếu Ngư/Senkaku cũng như tài nguyên thiên nhiên tại vùng biển Hoa Đông chỉ là “điểm ảo” trong vùng ADIZ mà Trung Quốc vừa thiết lập. Cái đích mà Trung Quốc hướng đến là eo biển Miyako nằm giữa quần đảo Okinawa, một cửa ngõ quan trọng cho tàu chiến Trung Quốc ra vào Thái Bình Dương. Có được điểm chốt này, Trung Quốc sẽ hình thành được “Chuỗi đảo thứ nhất” từ Okinawa - Đài Loan - Biển Đông”. Khống chế được chuỗi đảo này, Trung Quốc sẽ có điều kiện để hoàn thiện “Chuỗi đảo thứ hai”, kéo từ “Saipan - Guam - Indonesia”. Khi đó, Trung Quốc có thể cạnh tranh với Mỹ về sức mạnh trên các đại dương.
Hoài Thanh (Tổng hợp)