Tổng thống Nga thực sự là nhân vật của năm 2016

Nếu như ông Donald Trump “độc chiếm trang nhất thời sự” năm qua, thì theo tờ "Le Monde" (Pháp), Tổng thống Nga Vladimir Putin mới thực sự là nhân vật của năm 2016.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thắng mọi "ván bài" năm 2016. Ảnh: Sputnik

Trong bài xã luận có tiêu đề “Vladimir Putin, nhân vật của năm”, tờ "Le Monde" nhận định cuộc đua đường dài mà Tổng thống Putin dẫn dắt 16 năm nay để đưa nước Nga quay trở lại vị thế trung tâm thế giới đã bắt đầu thu được những kết quả ngoạn mục đầu tiên.

Ở Trung Đông, ông Putin đã thắng mọi "ván bài". Bằng việc tranh thủ sự lui bước của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, rồi sau đó, tận dụng giai đoạn chuyển giao quyền lực nhạy cảm - giai đoạn mà Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama không còn đưa ra nhiều sáng kiến, trong khi Tổng thống đắc cử Trump vẫn chưa chính thức nắm quyền lãnh đạo Nhà Trắng - Tổng thống Putin muốn lập lại cân bằng ở khu vực Trung Đông.

Ngày 29/12/2016, 1 tuần sau khi quân đội Syria chính thức giành lại thành phố Aleppo từ lực lượng nổi dậy, lệnh ngừng bắn tại Syria đã được thông báo. Tuy nhiên, nếu những lệnh ngừng bắn trước do Nga thương lượng với Mỹ, thì lần này, ông Putin chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm đối tác. Nước Mỹ bị ông Putin loại ra khỏi "cuộc chơi". Thêm vào đó, cuộc đàm phán về hòa bình ở Syria giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào tháng 1/2017 sẽ diễn ra ở Astana, Kazakhstan, một khu vực thuộc ảnh hưởng của Nga. Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc (LHQ) dường như chỉ còn là “bù nhìn” trong mắt ông Putin.

Không chỉ ở Trung Đông mà ở các khu vực khác trên thế giới, Tổng thống Putin cũng có được một số ảnh hưởng nhất định. Ở châu Á, ông Putin xích lại gần Trung Quốc và Nhật Bản. Ở châu Âu, Tổng thống Putin đã thay đổi được thái độ thù nghịch của nhiều chính đảng, chính trị gia và đã thiết lập mối quan hệ với những tổ chức chính trị và những người có thiện cảm với ông Putin.

Cuối cùng, ông Putin đã tìm cách thay đổi đường lối hoạt động gián điệp. Bất chấp sự bác bỏ từ Điện Kremlin, nhà chức trách Mỹ vẫn khăng khăng về việc Moskva ăn cắp thông tin từ hòm thư điện tử của đảng Dân chủ và các cộng sự của ứng cử viên Hillary Clinton cũng như trong việc phát tán các thông tin này trong thời gian vận động tranh cử tổng thống Mỹ. Sự can thiệp của một thế lực nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ như vừa qua là chưa từng có và không thể bị xem nhẹ vì nó nhắm đến hoạt động của nền dân chủ. Mới đây, nhiều cơ quan tình báo châu Âu cũng đã phải tăng cường cảnh giác nhằm đề phòng các mối đe dọa tương tự đối với chiến dịch bầu cử năm nay ở châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức.

Tổng thống Obama đã quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và ban hành các biện pháp khác để trừng phạt Moskva. Còn ông Trump, người sẽ chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới, vẫn công khai ủng hộ ông Putin. Tuy nhiên, nhật báo "Le Monde" cảnh báo rằng thực tế quyền lực và thách thức từ Nga có thể sẽ buộc ông Trump phải cần trọng sớm hơn.

TTXVN/Tin Tức
Lý do Nga trụ vững trước "sóng gió"
Lý do Nga trụ vững trước "sóng gió"

Bị phương Tây ồ ạt cấm vận nhưng kinh tế Nga vẫn tăng trưởng trở lại ngay ở thời điểm Moskva can dự quân sự ở Ukraine và Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN