Trấn áp bất thành đào sâu khủng hoảng Ukraine

Theo giới phân tích, nỗ lực bất thành của lực lượng an ninh Ukraine trong việc giải tỏa những người biểu tình phản đối khỏi trung tâm thủ đô Kiev đã làm suy yếu Tổng thống Viktor Yanukovych và dập tắt cơ hội nhanh chóng chấm cuộc khủng hoảng kéo dài ba tuần qua.


Cảnh sát triển khai bảo vệ các thành viên nội các Ukraine ngày 9/12. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo giới phân tích, hiện vẫn chưa biết tại sao chính quyền lại đưa ra quyết định "bất hợp lý" là phái hàng nghìn cảnh sát đến Quảng trường Độc lập vào rạng sáng 11/12. Nỗ lực của chính quyền nhằm chiếm lại Quảng trường Độc lập đã kết thúc bằng sự rút quân. Lực lượng cảnh sát cuối cùng đã bị áp đảo bởi số người biểu tình đổ ra đường ngày càng lớn, bất chấp trời tối và thời tiết giá lạnh.

Sau vụ cảnh sát tấn công vào lán trại của những người biểu tình, các nhà lãnh đạo đối lập - bao gồm cựu Thủ tướng đang bị giam giữ Yulia Tymoshenko và nhà vô địch đấm bốc thế giới Vitali Klitschko - đã nói rõ rằng sẽ không có chuyện họ tiến hành đàm phán với ông Yanukovych để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Volodymyr Fesenko, Giám đốc của Trung tâm tư vấn Penta, nói: "Rất có khả năng chính quyền đang xử lý các vấn đề theo cách có lợi cho Nga.... Tuy nhiên, chính quyền đã đánh giá quá cao khả năng của họ và hạ thấp khả năng của những người biểu tình. Hiện nay, chúng ta khó có thể tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng vốn đang ngày càng trầm trọng hơn".

Vụ việc cảnh sát chống bạo loạn và lực lượng của Bộ Nội vụ tiến hành trấn áp người biểu tình diễn ra vào thời điểm vô cùng khó hiểu, trong bối cảnh Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland tới Kiev để hội đàm với Tổng thống Yanukovych. Bà Ashton và bà Nuland đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình, những người đã đổ ra đường phố trong ba tuần qua để phản đối quyết định của chính phủ hủy bỏ việc ký thỏa thuận liên kết với EU dưới sức ép của Nga.

Olexiy Haran, Giáo sư tại Đại học Kiev-Mohyla, cho rằng sự tức giận của công chúng đối với cuộc trấn áp thất bại của chính quyền sẽ kích động thêm nhiều người dân đổ ra đường chống lại ông Yanukovych. Ông nói: "Xét về mặt chính trị, diễn biến này dường như sẽ không có lợi cho chính quyền. Những hành động diễn ra trong đêm vừa qua đã làm dấy lên căng thẳng và khiến người dân đổ ra đường đông hơn. Động thái này được xem là bất hợp lý".

Tối 11/12, ông Yanukovych đã cam kết rằng chính quyền sẽ không bao giờ sử dụng vũ lực để chống lại những người biểu tình hòa bình và kêu gọi phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, sau vụ trấn áp bất thành của chính quyền, lãnh đạo phe đối lập Klitschko ngày càng trở nên quyết tâm hơn khi nói: "Chúng tôi không những yêu cầu chính phủ giải tán mà còn yêu cầu Tổng thống Yanukovych từ chức. Tôi kêu gọi tất cả người dân Ukraine nổi dậy! Sẽ không có cuộc đàm phán nào với bè lũ đó".

Yuriy Yakymenko, Phó giám đốc của Trung tâm Tư vấn Razumkov ở Kiev, cho rằng có lẽ chính quyền đã hi vọng họ có thể giành lại sự kiểm soát tình hình bằng vũ lực. Ông nhận định: "Con đường để giải quyết khủng hoảng nằm ở đàm phán và các cuộc bầu cử Quốc hội, bầu cử Tổng thống sớm". Một lựa chọn khác có thể là sức ép quốc tế nhằm vào ông Yanukovych - điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã ám chỉ đến hôm 11/12 bằng lời đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt.



TTK

Đàm phán với phe biểu tình Ukraine đạt kết quả bước đầu
Đàm phán với phe biểu tình Ukraine đạt kết quả bước đầu

Ngày 13/12, cuộc đàm phán đầu tiên giữa chính quyền Ukraine và phe đối lập kể từ thời điểm bùng phát các cuộc biểu tình ủng hộ Liên minh châu Âu đã kết thúc với kết quả là hai bên hiểu nhau ở một mức độ nào đó.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN