Ukraine giữa hai làn gió Đông - Tây

Làn sóng biểu tình do phe đối lập tại Ukraine phát động nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Victor Yanukovych đã bước sang tuần thứ 3 mà chưa có dấu hiệu lắng dịu. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến bất ổn chính trị hiện nay và cách thức để giải quyết triệt để mâu thuẫn trong xã hội Ukraine?


Diễn biến khủng hoảng và nguyên nhân


Làn sóng biểu tình bùng phát từ hôm 21/11, khi Tổng thống Victor Yanukovych bất ngờ từ chối ký kết các thỏa thuận chính trị và tự do thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Bất ổn đạt tới cao trào trong ngày 1/12, khi khoảng 300.000 người ủng hộ phe đối lập xuống đường, tìm cách xông vào Tòa nhà Chính phủ. Liền sau đó, họ chiếm quảng trường Độc lập và Tòa thị chính Kiev, phong tỏa Phủ Tổng thống. Ngày 10/12, Tổng thống Yanukovych đồng ý tiến hành một “hội nghị bàn tròn” toàn dân với sự tham gia của đại diện chính quyền và phe đối lập nhằm khai thông thế bế tắc chính trị. Tuy nhiên, phe đối lập vẫn chưa chịu ngồi vào đàm phán, tiếp tục kêu gọi biểu tình “triệu người”.

 

Biểu tình tại quảng trường Độc lập, thủ đô Kiev ngày 5/12. Ảnh: AFP/TTXVN


Nhìn lại diễn biến khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, có thể nhận thấy quyết định ngừng ký thỏa thuận với EU chỉ là “giọt nước tràn ly” cho những mâu thuẫn âm ỷ trong xã hội Ukraine, được đặc trưng bởi yếu tố chia cắt Đông-Tây tồn tại trong nhiều thập kỉ qua. Đất nước Ukraine luôn là sự tương phản giữa 2 vùng rõ rệt. Đó là khu miền Tây và miền Trung bao gồm cả thủ đô Kiev, giáp với khu vực châu Âu, chịu ảnh hưởng của nền chính trị phương Tây, theo quan điểm ủng hộ tăng cường liên kết với EU và nói tiếng Ukraine. Phần còn lại là vùng duyên hải dọc biển Đen và miền Đông, với nhiều yếu tố gắn với nước Nga và nỗi hoài niệm về thời Liên bang Xô Viết, bao gồm cả vùng Donetsk - tỉnh đông dân nhất nước và ngôn ngữ phổ biến của họ là tiếng Nga. Tại thời điểm năm 1994 sau kì bầu cử Tổng thống, thậm chí đã xuất hiện tiếng nói thảo luận về sự phân chia khu vực trên bản đồ thành khu miền Tây theo “chủ nghĩa dân tộc” và khu miền Đông do “Nga chi phối” - vốn được xem là yếu tố có thể dẫn đến chia cắt Ukraine ra làm hai miền.


Do nhiều nguyên nhân trong lịch sử, người Ukraine miền Tây thường ít có thiện cảm với người Nga, coi Mỹ và phương Tây là đồng minh cần hướng đến. Họ ủng hộ cải cách kinh tế triệt để, chấn hưng ngôn ngữ và văn hóa Ukraine và cuối cùng là ước muốn trở thành thành viên của EU và Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngược lại, những người miền Đông dường như lại muốn tham gia Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, muốn tiếng Nga được đưa vào Hiến pháp như là “ngôn ngữ chính”. Hình thái “hai nước Ukraine” trong một Nhà nước này là đưa đến hai xu hướng phát triển đối lập tại: Quay lại với “không gian hậu Xô Viết” hay là “tiến lại với châu Âu”.


Với một vị trí địa-chiến lược nhạy cảm như vậy, Ukraine luôn là địa bàn chứng kiến sự đối đầu giữa Nga và phương Tây. Để Ukraine tuột khỏi vòng ảnh hưởng của mình sẽ là một cú sốc quá lớn đối với Moskva, vì Kiev chính là cái nôi lịch sử của nước Nga và Chính thống giáo Nga. Ngược lại, sáng kiến Đối tác phía Đông của EU hướng đến việc hội nhập các nước thuộc Đông Âu, trong đó Ukraine là đối tác được “lôi kéo” mạnh nhất, do là nước có dân số đông thứ hai trong các nước thuộc Liên Xô (cũ), lại sở hữu nguồn tài nguyên phong phú. “Nắm” được Ukraine là điều mà Mỹ và phương Tây mong muốn từ lâu, vì sẽ có lợi thế lớn trong việc gây sức ép với Moskva ngay tại “không gian hậu Xô Viết” mà Nga quyết tâm thiết lập.


Thế tiến thoái lưỡng nan của Ukraine


Từ những đặc điểm trên đây, quyết định “Đông tiến” hay “Tây tiến” luôn là chủ đề nhạy cảm trong nền chính trị Ukraine. Sau thắng lợi của “Cách mạng Cam” năm 2004, sự hồ hởi về một tương lai tươi sáng liên kết với châu Âu biến thành nỗi thất vọng. Kinh tế suy giảm, tham nhũng lan tràn, mâu thuẫn giữa cặp bài trùng trong “Cách mạng Cam” thuở nào Yuila Tymoshenko - Victor Yuschenko lên đến đỉnh điểm... đã tạo ra một hội chứng “Ukraine mệt mỏi”. Điểm cộng duy nhất cho Tổng thống Yushchenko là việc Ukraine gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Còn việc trở thành thành viên EU, liên kết với EU đều trở thành ước mơ xa vời. Thiếu quyết tâm và sự ủng hộ từ các đảng phái chính trị, ông Yushchenko chuyển trọng tâm sang “xây dựng bản sắc dân tộc” cho riêng Ukraine - tuy nhiên điều này cũng không thành công.

 

Hai phần “hội chứng Đông-Tây” của Ukraine.


Quả ngọt từ “Cách mạng Cam” không đến là lý do giải thích cho thất bại của cả ông Yuschenko và bà Tymoshenko trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2010. Victor Yanukovych - nhà lãnh đạo đảng Khu vực giành thắng lợi và lên nắm quyền Tổng thống. Rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm, ông Yanukovych chủ trương xây dựng đối sách “cân bằng”: Vừa tìm cách liên kết với EU, đồng thời tăng cường hợp tác với Nga. Thế nhưng, cũng như cựu Tổng thống Yuschenko, ông Yanukovych đã thất bại trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế tụt dốc của Ukraine. Tính đến quý III năm 2013, kinh tế Ukraine giảm 1,5%, kèm với mức đánh giá tín nhiệm tín dụng quốc gia ở mức "B-" (tiêu cực), phải phụ thuộc quá nhiều vào tài chính bên ngoài.


Khi mà nền kinh tế không tự mình “chi trả được các đơn mua hàng”, Ukraine đương nhiên không thể giữ được tính độc lập, tự quyết. “Củ cà rốt” mà các thiết chế tài chính phương Tây đưa ra nhằm cứu giúp Ukraine luôn là liều thuốc đắng, do bị gắn với các yếu tố chính trị. Trong thế khó, Tổng thống Yanukovych đã quay hẳn sang phương Đông, tìm đến những “người bạn gần” là Nga và Trung Quốc. Mỹ và phương Tây dĩ nhiên không hài lòng với điều này và các cuộc biểu tình quy mô lớn hiện nay đã cho thấy sự can dự từ bên ngoài: Xuất hiện những cáo buộc liên quan đến hoạt động của một số tổ chức Phi chính phủ do Mỹ tài trợ như Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED), Viện Cộng hòa quốc tế (IRI), Viện Dân chủ Quốc gia (NDI), Tổ chức Ngôi nhà tự do, các Quỹ Xã hội mở... nhằm tiếp sức cho phe đối lập tại Ukraine.


“Gió Đông” thổi bạt “gió Tây” hay “gió Tây” sẽ lấn lướt “gió Đông” suy cho cùng đều không phải là một chiến thắng cho người dân Ukraine, khi mà những chia cắt, đối kháng ngay bên trong lãnh thổ còn chưa được giải quyết. Chỉ một nền kinh tế phát triển, tự chủ đặt trên nền tảng chính trị vững chắc được sự đồng lòng của đa số nhân dân mới có thể đem lại ổn định lâu dài ở Ukraine.

 

Hoài Thanh (Tổng hợp)

Tổng thống Ukraine kêu gọi đối thoại giải quyết khủng hoảng
Tổng thống Ukraine kêu gọi đối thoại giải quyết khủng hoảng

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã mời đại diện tất cả các lực lượng chính trị, các tổ chức xã hội và tôn giáo ở nước này cùng tham gia "hội nghị bàn tròn" đối thoại toàn dân tộc để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN