Theo báo “Bưu điện Oasinhtơn” (Mỹ) ngày 23/2, vụ tranh chấp bản quyền máy tính bảng iPad giữa Công ty Công nghệ Proview Technology của Trung Quốc có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến và Công ty Apple của Mỹ không chỉ là một phần trong cuộc khẩu chiến về quyền sở hữu trí tuệ mà nó đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu. Cuộc tranh chấp pháp lý này càng phản ánh rõ lý do tại sao các công ty và doanh nghiệp Mỹ hay than phiền về những khó khăn mà họ thường gặp phải khi đầu tư và làm ăn tại Trung Quốc.
Nhà chức trách Trung Quốc tịch thu iPad tại thành phố Thạch Gia Trang ngày 13/2/2012. Ảnh: Internet |
Công ty Proview Technology khăng khăng khẳng định họ là chủ nhân hợp pháp của mặt hàng mang thương hiệu iPad, do vậy chính họ mới là người có quyền sử dụng thương hiệu của loại sản phẩm công nghệ đang đắt khách này tại Trung Quốc. Lãnh đạo của Proview Technology nói rằng họ đã chi không dưới 30 triệu USD cho dự án iPad trong thời gian 1998-2009 trước khi bùng nổ "cuộc chiến" tranh chấp thương hiệu với Apple. Vụ tranh chấp căng thẳng tới mức các quan chức chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh loại bỏ những chiếc iPad đăng ký của Apple ra khỏi các quầy hàng ở các thành phố của Trung Quốc, bất chấp món hàng này đang bán rất chạy trên thị trường. Các công ty Mỹ và phương Tây xưa nay vẫn luôn than phiền về tình trạng ăn cắp bản quyền tràn lan ở Trung Quốc, khiến họ bị thua thiệt hàng tỷ USD. Phải chăng Trung Quốc đang dùng vụ iPad để phản công lại các tập đoàn và doanh nghiệp của Mỹ và phương Tây?
Vụ tranh chấp bản quyền iPad bùng nổ tháng 11/2011 khi một tòa án ở Thâm Quyến ra phán quyết có lợi cho Proview Technology mặc dù hãng Apple đã đưa ra các văn bản giấy tờ khẳng định họ đã mua bản quyền thương hiệu này từ 2009. Hãng Apple đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Đông. Ngay lập tức, Proview đề nghị tòa án tại Thượng Hải ra lệnh tạm thời cấm bán các sản phẩm iPad của Apple trên thị trường Trung Quốc. Proview Technology thậm chí còn đòi Apple bồi thường khoản tiền lên tới hơn 1,5 tỷ USD.
Ông Adam Segal, quan chức cấp cao Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng vụ kiện tụng liên quan tới bản quyền của iPad chỉ là cá biệt trong hàng loạt các vấn đề. Theo chuyên gia này, nguồn gốc của vụ kiện cho thấy cách hiểu và thực thi luật lệ ở các nước là rất khác nhau và “người ta sẽ phải lệ thuộc vào sự phán quyết của một tòa án cấp thấp”. Theo ông Segal, vụ này không hẳn là một phần trong chiến lược của Trung Quốc muốn các mặt hàng điện tử do nước này sản xuất độc chiếm thị trường. Bill Reinsch, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia, cho rằng các công ty Mỹ khi làm ăn ở nước ngoài thường muốn chính phủ sở tại minh bạch trong việc xử lý các tranh chấp nhưng “họ không phải lúc nào cũng chiến thắng”. Theo ông Reinsch, khi đụng chạm tới vấn đề quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc, cái giá mà các công ty công nghệ của Mỹ phải trả sẽ cao hơn nhiều so với các công ty khác, nhất là đối với các sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn như phim ảnh.
Theo bài báo, ngày 22/2, đại diện của Proview Technology và Apple đã cãi vã nhau suốt 4 tiếng đồng hồ tại một tòa án ở Thượng Hải, song chưa đi tới kết cục nào và tòa án cũng không cho biết bao giờ họ sẽ mở lại phiên tranh luận tiếp theo. Proview Technology tỏ ý muốn sớm giải quyết vụ này sau khi nhận được bức thư của Apple cáo buộc họ phổ biến những thông tin không đúng trên các phương tiện truyền thông. Trên thực tế có ít nhất 39 công ty hoặc cá nhân ở Trung Quốc đã tìm cách đăng ký bản quyền nhãn hiệu iPhone và iPad. Vụ tranh chấp iPad bùng nổ giữa lúc hãng Apple đang đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ khác tại thị trường Trung Quốc nhiều lợi lộc. Trong hai quý cuối năm 2011 thị phần hàng điện tử thông minh của Apple tại Trung Quốc liên tục giảm. Thị phần của hãng Samsung tại Trung Quốc là 24,3%, gấp hơn 3 lần thị phần 7,5% của Apple. Doanh số bán hàng của các loại điện thoại thông minh do hãng Nokia và hai công ty của Trung Quốc là Huawei và ZTE sản xuất cũng đã vượt các mặt hàng cùng loại của Apple.
Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)