Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định như vậy tại Phiên họp cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới lần thứ IV về phụ nữ với chủ đề: "Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho mọi phụ nữ và trẻ em gái", phiên họp điểm nhấn trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 75, diễn ra sáng 2/10 (giờ Việt Nam).
Trong thông điệp gửi tới phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định việc nỗ lực thực hiện những nội dung quan trọng đề ra trong Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh không chỉ thể hiện khát vọng của nhân loại về sự bình đẳng và tôn trọng phẩm giá con người, mà còn góp phần từng bước đưa thế giới đến gần hơn lý tưởng về một xã hội phát triển toàn diện, công bằng, tiến bộ và không còn các rào cản về giới.
Năm 2020 được coi là năm có ý nghĩa quan trọng đối với quyền bình đẳng giới, đánh dấu 45 năm Ngày Phụ nữ quốc tế đầu tiên được LHQ kỷ niệm nhân Năm Phụ nữ quốc tế 1975; 10 năm thành lập UN Women, Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; 20 năm Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh; 5 năm thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, trong đó bình đẳng giới được LHQ coi là một trong 17 mục tiêu bền vững đến năm 2030. Đặc biệt, năm nay, thế giới kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, được thông qua tại Hội nghị thế giới lần thứ IV về phụ nữ năm 1995 ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
Kể từ khi LHQ đưa ra những cam kết về các mục tiêu về bình đẳng giới, phát triển và hòa bình năm 1995, thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể như tỷ lệ bà mẹ tử vong giảm gần 40%, số trẻ em gái được tới trường cao nhất trong lịch sử từ trước tới nay, tỷ lệ tảo hôn tại Nam Á đã giảm hơn 40% kể từ năm 2000... Trên 130 quốc gia thông qua các cải cách pháp lý và quy định nhằm ủng hộ bình đẳng giới, trên 100 nước phân bổ ngân sách cho mục tiêu bình đẳng giới...
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới trong vòng chưa đầy 1 năm nay đang đe dọa đảo ngược những thành tựu bình đẳng giới mà cộng đồng quốc tế phải rất nỗ lực để đạt được trong 25 năm qua khi đẩy hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái vào nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, rơi vào tình trạng nghèo khổ, bị mất việc.... mặc dù theo Tổng Thư ký LHQ, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, phụ nữ đã luôn tham gia tích cực ngăn chặn dịch bệnh, từ việc vận chuyển hàng hóa đến những nơi là tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh cho đến việc đưa ra quyết định các vấn đề quan trọng.
Các số liệu thống kê cho thấy phụ nữ là đối tượng chịu tác động do COVID-19 nặng nề hơn so với nam giới, có nguy cơ dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn trong khi ít được bảo đảm an sinh xã hội vì phụ nữ chiếm đa số trong lực lượng lao động giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe, y tế...
Trong lĩnh vực lao động, một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy do khủng hoảng từ COVID-19, tỷ lệ mất việc làm ở nữ giới hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, bán lẻ và bất động sản là 40%, trong khi ở nam giới là hơn 36%. Gần 60% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực kinh tế không chính thức, khiến họ có nguy cơ rơi vào nghèo đói do dịch bệnh. Đại dịch cũng làm gia tăng bạo hành nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái, do họ bị buộc phải ở nhà, khó tiếp cận dịch vụ hỗ trợ trong thời gian phong tỏa.
Trong khi đó, ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu bình đẳng giới. Theo thống kê của LHQ, đến cuối năm 2019, phụ nữ chỉ chiếm 28% các vị trí lãnh đạo trên toàn thế giới, gần 24% trong các cơ quan lập pháp, khoảng 27% các vị trí quản lý, 30% các nhà đàm phán về vấn đề môi trường hay hòa bình. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ phụ nữ sở hữu đất chỉ là 13%. Cơ hội tiếp cận với công việc được trả lương của phụ nữ cũng vẫn trì trệ trong 20 năm qua khi họ vẫn là đối tượng phải gánh vác việc nhà và hơn 1/3 phụ nữ trong độ tuổi 25 - 54 không tham gia lực lượng lao động. Kể cả với các công việc được trả lương, theo tính toán của LHQ, nếu điều chỉnh mức lương cân bằng giữa hai giới, năm 2019, phụ nữ phải làm việc không công từ ngày 14/11 cho đến hết năm.
Các quốc gia phát triển ở Tây Âu đi đầu thế giới về nữ quyền cũng mới chỉ đạt được 76,6% mức độ bình đẳng giới. Ngoài ra, gần 20% phụ nữ phải đối mặt với bạo lực gia đình, khoảng 32 triệu bé gái không được đến trường, ước tính có 750 triệu phụ nữ và trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18.
Thực tế đó cho thấy tiến trình thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh hãy còn chậm chạp trong một số lĩnh vực và thậm chí là thụt lùi ở một số nơi trên thế giới do những thách thức mang tính toàn cầu về việc xây dựng sự đồng thuận đa phương. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 75 Volkan Bozkir đã kêu gọi thế giới ngay lập tức hành động vì bình đẳng giới, nhấn mạnh điều này đòi hỏi sự phối hợp từ chính phủ, tổ chức dân sự, khu vực tư nhân, LHQ và mỗi người dân. Tổng Thư ký LHQ thì nhấn mạnh các nước thành viên LHQ cần thêm những cam kết chắc chắn và táo bạo, đột phá để thực hiện bình đẳng giới.
Trong thông điệp gửi phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41, Việt Nam cam kết ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái tại các cơ chế quan trọng này và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia nhằm hướng tới một xã hội thực sự bình đẳng và một thế giới hòa bình bền vững, bởi thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ là chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được ghi nhận trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế.
Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia ký kết nhiều văn kiện quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Điểm nổi bật trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của LHQ về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.
Năm 2019, Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động với 11 đặc quyền pháp luật dành cho lao động nữ. Mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn năm 2015, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điển hình như tỷ lệ đại biểu quốc hội nữ khóa XIV đạt 26,8% cao hơn so với mức trung bình 19% của các quốc gia châu Á và 25% của toàn cầu. Tỷ lệ học sinh nam và nữ ở các cấp bậc học luôn ngang bằng nhau. Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam biết chữ là 92%; khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam Naomi Kitahara nhận định: "Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được nhiều tiến bộ liên quan tới bình đẳng giới".
Việt Nam cũng có nhiều đóng góp để thúc đẩy bình đẳng giới ở phạm vi khu vực và thế giới. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 36 vào tháng 6 vừa qua, Việt Nam tổ chức phiên họp đặc biệt của các lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số. Đây là lần đầu tiên một hoạt động về chủ đề tăng quyền năng cho phụ nữ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN. Tiếp nối sáng kiến này là Đối thoại giữa các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững. Mới đây nhất, Việt Nam đã chủ trì phiên họp Đại hội đồng AIPA 41 với việc thông qua dự thảo nghị quyết về “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sỹ nhằm bảo đảm việc làm bền vững và thu nhập cho lao động nữ”.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã khẳng định “Thế kỷ 21 phải là thế kỷ của sự bình đẳng đối với phụ nữ". Tuyên bố đó phần nào thể hiện quyết tâm của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trong việc thúc đẩy các nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, điều quan trọng là các nước cần phối hợp với LHQ, trước hết trong việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, để có những cam kết và hành động tích cực, thực chất hơn, bởi trao quyền cho phụ nữ chính là xây dựng một thế giới phát triển bền vững.