Đông Á được coi là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa phá vỡ trạng thái cân bằng tương đối của một trật tự ổn định và bền vững. Theo "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 2/5, quá trình trỗi dậy của Trung Quốc, chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ để có "sổ hộ khẩu thường trú" ở châu Á, và sự phục hưng của chủ nghĩa dân tộc là ba nhân tố chính tác động trực tiếp tới cấu trúc trật tự Đông Á trong tương lai.
Trung Quốc trỗi dậy là điều mà ai cũng có thể nhìn thấy và cảm nhận được những hệ lụy của nó. Tuy nhiên, sự phục hưng của chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt là ở Nhật Bản, để cạnh tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia thì dường như vẫn nằm ngoài ranh giới cụ thể để phân biệt với lòng yêu nước. Đó là chưa kể đến một Triều Tiên khó đoán định sẵn sàng lĩnh ấn "kẻ phá bĩnh". Trong bối cảnh đó, Mỹ điều chỉnh chiến lược từ "xoay trục" sang "tái cân bằng" để tăng cường can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên danh nghĩa là nước thuộc khu vực này, chứ không phải "từ bên ngoài".
Tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (phải) phun vòi rồng chặn tàu của Đài Loan (trên, trái) ở gần quần đảo tranh chấp ngày 24/1. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Chiến tranh hay hòa bình ở Đông Á có lẽ sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hợp tác hay nguy cơ xung đột giữa các xu thế kể trên khi vùng giao thoa ngày càng rộng với những lợi ích ràng buộc và đan xen. Vừa qua, Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Asan của Hàn Quốc đã lấy chủ đề "Trạng thái hỗn loạn mới của thế giới" cho một cuộc hội thảo thường niên. Ban tổ chức cho biết họ quyết định về chủ đề của hội thảo rất lâu trước khi Triều Tiên đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ Mỹ và Hàn Quốc. Dù có như vậy, thì vẫn không thể phủ nhận một thực tế rằng càng phát triển về kinh tế bao nhiêu, Đông Á càng bộc lộ những nguy cơ bất ổn bấy nhiêu, xét dưới góc độ chiến lược.
Người dân Seoul đã chọn cách sống bình thản để thoát khỏi "bóng ma" của một cuộc tấn công bất thình lình. Điều lạ lùng là mối đe dọa từ Triều Tiên lại "nóng" trên các phương tiện truyền thông quốc tế, chứ không phải ở Seoul vốn nằm trong tầm pháo kích của Bình Nhưỡng. Tuy vậy, theo đánh giá của giới phân tích, Kim Jong-un khó đoán định hơn cha và ông nội. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra nếu Triều Tiên lắp đầu đạn hạt nhân lên tên lửa và sẵn sàng khai hỏa. Mối lo về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên làm đau đầu giới chức Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và cả Trung Quốc. Cho đến thời điểm này, Bắc Kinh đã quyết định phải chung sống với một Triều Tiên có Kim Jong-un, hơn là tính đến phương án chế độ chính trị ở Bình Nhưỡng sụp đổ và thống nhất hai miền.
Quá trình điều chỉnh chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng vô hình trung đã tạo cơ hội cho Lầu Năm Góc hiện diện quân sự ở sát biên giới Trung Quốc. Sử dụng cái cớ Triều Tiên, Mỹ đã thực hiện những bước đi cụ thể của chiến lược "tái cân bằng" ở Đông Á. Một cấu trúc mới đang hình thành và Mỹ muốn chứng tỏ họ không phải là "kẻ ngoại lai" như Trung Quốc vẫn tuyên bố. Trong khi đó, rất hãn hữu đề cập đến tham vọng toàn cầu, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn thích thú với khái niệm "trỗi dậy hòa bình". Thế nhưng, việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng và lựa chọn cách tiếp cận hiếu chiến trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Biển Hoa Đông... lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Một người có thái độ vô tư nhất cũng phải hoài nghi về tham vọng của Bắc Kinh, và đặt câu hỏi: Phải chăng Trung Quốc muốn thiết lập trật tự riêng ở cái gọi là "sân sau" của mình?
Bá chủ khu vực là cái đích mà mỗi cường quốc thường nhắm tới, ví dụ như học thuyết Monroe từng xác định Mỹ phải chiếm vị trí độc tôn ở Tây bán cầu. Ở Đông Á, chính sách của Bắc Kinh không chỉ khiến các nước láng giềng phải đề phòng mà còn "góp phần" phục hưng chủ nghĩa dân tộc. Thực tế này có nguy cơ đẩy tranh chấp biển đảo đến bờ vực của xung đột. Đối phó với một Trung Quốc nhiều tham vọng, các nước khu vực sẽ tìm cách tăng cường tiềm lực quốc phòng, mở rộng hợp tác và lôi kéo sự can dự của những nước bên ngoài... Như vậy, trật tự Đông Á sẽ thay đổi khi các cực vận động tối đa.
Ở Seoul, mối lo Triều Tiên là cái cớ để giới quan chức Hàn Quốc gợi ý Mỹ nên triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo. Họ còn cho rằng Triều Tiên có thể phát triển vũ khí hạt nhân, tại sao Hàn Quốc lại không? Còn ở Nhật Bản, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang phải đối mặt với sức ép của chủ nghĩa dân tộc. Việc các bộ trưởng trong nội các Nhật thỉnh thoảng đến thăm đền Yasukuni thờ cả tội phạm chiến tranh khiến căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc leo thang. Rõ ràng, câu chuyện lịch sử lại mang tính thời sự, gắn chặt với tranh chấp chủ quyền Nhật-Trung ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Nhật-Hàn ở quần đảo Takeshima/Dokdo. Trong bối cảnh này, điều mà chính quyền Obama lo ngại nhất là Nhật Bản coi Mỹ là cái ô an ninh để họ đối đầu với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Như vậy, bức tranh toàn cảnh ở Đông Á được pha trộn bởi những gam màu "nóng": một Trung Quốc quyết đoán hơn, một Nhật Bản tìm lại vị thế nước lớn, một nước Mỹ khăng khăng thuộc về châu Á, cộng thêm tranh chấp chủ quyền ngoài biển và tranh cãi về lịch sử trên đất liền... Trật tự Đông Á sẽ ra sao nếu các cực không thể tìm được tiếng nói chung để dung hòa lợi ích và cùng hợp tác?
TTXVN/ Tin tức