Triển vọng hợp tác Nga-Mỹ khi Trung Quốc trỗi dậy

Theo Anton Barbashin, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế có trụ sở tại Moskva (Nga), cả Nga và Mỹ vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác song phương trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Reuters


Có thể nói năm 2013 là một năm “đầy sóng gió” trong mối quan hệ Nga - Mỹ . Mọi người đều có thể thấy mâu thuẫn liên quan đến vấn đề gián điệp (vụ cựu nhân viên tình báo CIA Snowden), những “đốp chát” trên lĩnh vực ngoại giao, vấn đề Syria... và gần đây nhất, có vẻ như thành công của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc "giữ" Ukraina tiếp tục hợp tác gần gũi với Nga sẽ làm “thất bại” bất kỳ một nỗ lực ngoại giao nào của các chính trị gia Washington trong việc tìm kiếm những điểm tương đồng với Moskva. Nhưng khách quan mà nói, về tầm chiến lược cũng như tính lâu dài, tiềm năng hợp tác tại khu vực châu Á -  Thái Bình Dương giữa hai cường quốc thế giới này vẫn chưa được khai thác hết.

Tầm quan trọng chiến lược của khu vực Châu Á -Thái Bình Dương đã được cả Washington và Moskva  thừa nhận. Trong báo cáo về chính sách đối ngoại Mỹ năm 2011, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh vị trí chiến lược của khu vực Thái Bình Dương đối với an ninh, thương mại, chính sách đối ngoại của Mỹ và sự ổn định toàn cầu. Nhận thức được sự phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, đang diễn ra tại đây, bà Clinton đã chính thức tuyên bố chính sách “xoay trục” của Mỹ. Ở phía bên kia Thái Bình Dương, Tổng thống Nga Putin cũng đã công nhận sự phát triển liên tục cũng như giá trị to lớn của khu vực đối với tham vọng của Nga trong việc đa dạng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế và tham gia vào các cơ chế an ninh toàn cầu của nước này. Thực sự, lợi ích quốc gia của hai cường quốc này đan xen lẫn nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiều hơn những gì mà Moskva và Washington chính thức thừa nhận.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington là mang đến một trật tự kinh tế mở và không phân biệt đối xử trong khu vực, cho phép thương mại tự do phát triển nhanh chóng, từ đó bảo vệ được lợi ích của các công ty Mỹ và người tiêu dùng Mỹ có thể mua được các sản phẩm tương đối rẻ từ châu Á - Thái Bình Dương. Điều này cũng rất quan trọng đối với Washington trong việc hạn chế các nền kinh tế khu vực tập trung quá nhiều vào Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Mỹ ngày càng can dự sâu rộng vào các khuôn khổ kinh tế trong khu vực như Khu thương mại tự do ASEAN, thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham dự các hội nghị thượng đỉnh khác với mục tiêu đảm bảo một vai trò hàng đầu của mình tại đây.

Với Nga, nước này hiện chưa tham gia hoàn toàn vào khuôn khổ của các thể chế hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Hơn nữa, sự tham gia kinh tế của Nga trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) chỉ là 206,8 tỷ USD, một phần rất nhỏ trong tổng số 16.000 tỷ USD kim ngạch thương mại của APEC năm 2012. Lưu ý rằng 87 tỷ USD doanh thu của Nga trong khu vực là do thương mại với Trung Quốc và đang tăng lên một cách đều đặn thể hiện sự tham gia kinh tế của Nga trong khu vực có liên quan chặt chẽ đến Bắc Kinh. Thấy được sự mất cân đối này, Moscow đang tích cực đàm phán để ký kết một loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương với Việt Nam, New Zealand, Singapore, Ấn Độ và Pakistan. Tại hội nghị APEC năm 2012 được tổ chức ở Vladivostok (Nga), ông Putin đã kêu gọi việc tăng cường tính minh bạch trong khu vực, tự do hóa, đổi mới và phát triển cơ sở hạ tầng xuyên biên giới để thúc đẩy sự hội nhập vùng Viễn Đông của Nga vào các nền kinh tế khác trong khu vực.

Tham vọng của Moskva trong việc hội nhập kinh tế của vùng Viễn Đông và Siberia vào khu vực có thể là một cơ hội lớn cho Mỹ đầu tư vào Nga và hạn chế sự hiện diện độc quyền về mặt tài chính của Trung Quốc tại nơi giàu tài nguyên này. Bằng cách ủng hộ việc giải quyết bất đồng giữa Nga và Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tăng cường đầu tư vào Nhật Bản ở vùng Viễn Đông và sự gia tăng hơn nữa quan hệ thương mại Nga - Hàn Quốc và Nga - Việt Nam, Washington sẽ phá vỡ thế “độc quyền” của Trung Quốc trong việc cung cấp năng lượng cho Siberia. Một nước Nga độc lập về kinh tế và hội nhập tích cực vào khu vực là nền tảng ổn định nền kinh tế tổng thể của Thái Bình Dương, cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc và đôi khi mang đến “mỏ vàng” đầu tư cho các công ty Mỹ.

Bên cạnh đó, mục tiêu của Mỹ kiềm chế Trung Quốc cũng có thể phù hợp với lợi ích của Nga. Một điều dễ nhận thấy là việc hiện đại hóa quân sự một cách nhanh chóng của Bắc Kinh cũng khiến Nga đáng quan ngại và cũng ảnh hưởng tới sự củng cố các hạm đội Thái Bình Dương của Moskva. Một điểm đáng lưu ý nữa là, với sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc tại khu vực Trung Á, Moskva sẽ phải hành động quả quyết hơn để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Thương mại của Trung Quốc với các quốc gia Trung Á đã vượt qua Nga, ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch kết hợp Trung Á vào Liên minh Hải quan hoặc bất kỳ chương trình hội nhập trong tương lai khác của Moskva.

Ngoài ra, hợp tác của Nga với Ấn Độ cũng rất quan trọng đối với Mỹ. Hợp tác quân sự Nga- Ấn Độ với việc hiện đại hóa máy bay chiến đấu mới nhất thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK -FA, sẽ vừa tăng cường năng lực quốc phòng của Ấn Độ và một phần làm đối trọng với Trung Quốc. Lợi ích ngày càng tăng của các tổ hợp công nghiệp, quân sự và năng lượng của Nga ở Đông Nam Á là nguyên nhân khiến Nga ngày càng quan tâm đến tình hình an ninh và ổn định trong khu vực, đặc biệt là các nước ở hành lang ở vùng Đông Á; trong khi Thái Lan, Indonesia, Lào, Malaysia là một trong những khách hàng tiềm năng khác cho các thương vụ vũ khí của Nga. Hầu hết các quốc gia này là đối tác của Mỹ trong hệ thống an ninh và hợp tác "trục bánh xe và nan hoa”, các nước này có mối quan hệ chặt chẽ với Nga sẽ có lợi cho Mỹ khi mà Moskva sẽ tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết xung đột tiềm năng có thể nổ ra giữa các quốc gia này với Trung Quốc.


Một vấn đề nữa trong khu vực hiện nay cũng cần sự hợp tác của Nga trong khu vực đó là vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Việc Nga sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Hàn Quốc và thực thi một giải pháp hòa bình ngày càng thể hiện rõ trong bối cảnh tham vọng của Moscow nhằm  xây dựng một tuyến đường sắt tới Hàn Quốc và một đường ống dẫn trực tiếp từ vùng Viễn Đông nước Nga đến thị trường Hàn Quốc.

Sự tham gia của Nga trong hệ thống chính trị và kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ góp phần biến tham vọng của Mỹ nhằm thúc đẩy một cấu trúc khu vực ổn định và một nền kinh tế mở thành hiện thực. Thêm nữa, kiềm chế và hạn chế sự thống trị về mặt kinh tế của Trung Quốc trong khu vực cũng đều phù hợp với các mục tiêu dài hạn của cả Mỹ và Nga. Tuy nhiên, để khai thông những tiềm năng hợp tác với Moskva, Washington phải thay đổi nhận thức của mình và thừa nhận Nga là một đối tác quan trọng trong khu vực Thái Bình Dương. Mỹ cần phải cùng Nga tham gia một cách tích cực hơn nữa trong các diễn đàn kinh tế và thương mại khu vực…Đồng thời Washington cũng phải là “chất xúc tác” trong việc hòa giải và tăng cường hợp tác giữa Moskva với Tokyo và Seoul.


CT
(Theo Diplomat)

Nga triển khai máy bay chiến đấu giáp biên giới NATO
Nga triển khai máy bay chiến đấu giáp biên giới NATO

Một đơn vị máy bay chiến đấu của Nga đã được triển khai tại căn cứ không quân tại Belarus nhằm thực hiện nhiệm vụ cảnh báo như là một phần của một mạng lưới phòng không tích hợp trong khu vực, hãng tin BelaPAN của Belarus ngày 9/12 cho biết.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN