Khả năng Athens đạt trở lại cân bằng cán cân thương mại và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường tài chính quốc tế là điều xa vời, ít nhất là trong thời gian ngắn và trung hạn. Nếu một quốc gia không thể cân đối ngân sách của chính mình trong một thời gian dài, cũng như không chứng minh được năng lực có thể bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách đó, thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ còn ở lâu trong tình trạng khủng hoảng. Hy Lạp đang rơi vào trường hợp như vậy. Các nhà lãnh đạo cấp cao EU và Hy Lạp thảo luận về khủng hoảng nợ công ngày 19/3 tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Từ quan điểm của phía Đức, giới hoạch định và tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô của nước này cho rằng, trong ngắn hạn, tức là từ nay đến cuối mùa hè năm 2015, Đức cần phải dự phòng khả năng Hy Lạp tuyên bố phá sản và rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong trường hợp tồi tệ nhất này, toàn bộ các khoản nợ của chính phủ Hy Lạp sẽ tạm thời bị đóng băng (không trả nợ) với hy vọng rằng ngân sách sau đó có thể dần được bù đắp mà không cần phải vay nợ thêm nước ngoài. Trong tình huống này, người dân Hy Lạp sẽ rút hết tiền, tài sản khỏi tài khoản ngân hàng trong nước để mang về nhà tích trữ hoặc gửi sang ngân hàng nước ngoài. Nếu vẫn còn ở trong Eurozone, thâm hụt ngân sách thường xuyên của Hy Lạp có thể được tài trợ thông qua một chương trình của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoặc hỗ trợ tín dụng trực tiếp từ ECB. Một biện pháp khác là các giao dịch tài chính của Hy Lạp sẽ được thực hiện tạm thời thông qua Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM).
Tại Đức, các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề Hy Lạp đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, bởi Đức chính là nước đóng góp lớn nhất trong các quỹ cứu trợ quốc tế rót cho Hy Lạp. Chính phủ Đức đang phải giải bài toán làm thế nào để giải thích cho người dân trong nước hiểu tại sao cần phải bỏ nhiều tiền ra để hỗ trợ và hợp tác với một đối tác thiếu tính xây dựng, và có phần “cứng đầu“ như đảng cầm quyền Syriza của Hy Lạp.
Trong dài hạn, tức là sau mùa hè 2015, Đức sẽ phải tính đến khả năng xảy ra rất cao là Hy Lạp không còn khả năng thanh toán, và các nhà tài trợ quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ rút khỏi chương trình cứu trợ cho Hy Lạp. Một giải pháp khi đó sẽ là phải hỗ trợ để Hy Lạp cố gắng tự thực hiện được cơ chế cân bằng tài khoản quốc gia, trong bối cảnh thể chế kinh tế - tài chính Hy Lạp vốn đã quá yếu kém và không một đối tác thứ ba từ bên ngoài nào có thể giúp khắc phục được.
Tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp trong hàng thập kỷ qua thực chất phụ thuộc vào chi tiêu công lớn nhưng không hiệu quả của chính phủ, nguyên nhân khiến thâm hụt ngân sách ngày càng nặng nề. Trong khi đó, hệ thống doanh nghiệp nội địa Hy Lạp cũng thiếu sáng tạo và cạnh tranh. Đóng góp của những cải tiến kỹ thuật vào tăng trưởng kinh tế kể từ những năm 70 đến nay gần như ở mức âm hoặc rất yếu kém. Từ khi áp dụng đồng euro, kéo theo sự tràn ngập nhiều loại sản phẩm có giá thành rẻ hơn và chất lượng tốt hơn so với sản xuất trong nước, quá trình phi công nghiệp hóa của Hy Lạp diễn ra mạnh mẽ thêm một lần nữa. Trong danh sách "Chỉ số môi trường kinh doanh" của Ngân hàng Thế giới (WB) và "Chỉ số cảm nhận tham nhũng" của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Hy Lạp cũng đứng ở những vị trí rất thấp. Trong bối cảnh như vậy, hiệu quả của những gói cứu trợ quốc tế trong nhiều năm qua đã gần như bằng không.
Vấn đề khủng hoảng ở Hy Lạp không phải là một trường hợp cá biệt ở châu Âu bởi những nước khác ở Nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí cả Italy và Pháp cũng gặp những khó khăn tương tự vài năm trước. Mặc dù nguy cơ với các nước này đã qua, nhưng những khó khăn kinh tế, ngân sách vẫn luôn thường trực. Do đó, điều quan trọng với Hy Lạp và một số nước khác ở Nam Âu là phải cải cách hệ thống kinh tế vĩ mô của nước mình. Đây sẽ là một quá trình lâu dài và đòi hỏi nhiều hy sinh hơn so với việc điều chỉnh kỹ thuật một số tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.
TTK