Đã từ lâu, bán đảo Triều Tiên là tâm điểm chú ý của khu vực và thế giới. Nhưng mùa hè 2013 đang đến với độ nóng đặc biệt cùng nỗi ám ảnh lớn nhất: Chiến tranh! Khi căng thẳng bị đẩy lên tầm cao mới, kịch bản nào sẽ xảy ra tại đây?
Không chỉ là những cảnh báo hay đe dọa từ các bên liên quan như trong quá khứ. Nhiều động thái cứng rắn hơn đã xuất hiện mà một minh họa tiêu biểu chính là việc đầu tuần này, CHDCND Triều Tiên tuyên bố đóng cửa Khu công nghiệp liên Triều Kaesong và rút toàn bộ công nhân khỏi đây.
Tên lửa đánh chặn PAC-3 triển khai tại thủ đô Tôkiô, Nhật Bản ngày 9/4/2013 trước khả năng Triều Tiên phóng tên lửa. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Kaesong không chỉ là một khu công nghiệp đơn thuần. Nó là một biểu tượng hiếm hoi cho hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên đồng thời là một nguồn thu không nhỏ cho Bình Nhưỡng. Kể từ khi Kaesong ra đời năm 2004 đến nay, quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc không ít lần sóng gió nhưng khu công nghiệp chung này gần như không bị cuốn vào những bất đồng đó. Lần này là ngoại lệ. Thậm chí Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ cân nhắc về việc đóng cửa vĩnh viễn khu công nghiệp nằm ở thị trấn biên giới cùng tên này.
Sau khi các kênh liên lạc chính thức giữa hai miền Triều Tiên bị đóng băng từ năm 2010, Kaesong là hình ảnh sau cùng cho sự hợp tác song phương. Việc Bình Nhưỡng kiên quyết ngừng hoạt động khu công nghiệp này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình. Vấn đề không chỉ là 123 doanh nghiệp Hàn Quốc hay 53.000 công nhân Triều Tiên ở đây bị ảnh hưởng mà động thái cắt đứt hợp tác cho thấy không khí trên bán đảo Triều Tiên đã quá “nóng” với nguy cơ bùng nổ một cách nghiêm trọng nhất.
Khi ngọn lửa có nguy cơ thành đám cháy
Mốc xuất phát của tình hình hiện nay chính là sự kiện ngày 12/12 năm ngoái, Triều Tiên phóng thành công một vệ tinh bằng tên lửa đẩy tầm xa. Giới chuyên gia Mỹ cũng thừa nhận vụ phóng này đưa một vật thể vào quỹ đạo, song Oasinhtơn cùng các đồng minh phương Tây cho rằng mục đích chính của vụ phóng là phát triển khả năng tên lửa đạn đạo, đồng thời gây sức ép để LHQ gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng.
Luôn khẳng định mục đích hòa bình của vụ phóng tên lửa, Triều Tiên phản ứng mạnh mẽ. Ngày 12/2 năm nay, họ thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ ba. Động thái đó dẫn tới ngày 7/3, Hội đồng bảo an LHQ phê chuẩn những trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Và căng thẳng cứ nối tiếp. Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn “Đại bàng non” càng thổi bùng lên những tia lửa nguy hiểm. Trong một diễn biến chưa có tiền lệ, Mỹ đưa máy bay ném bom B-2 vào tham gia. Động thái đó được xem là nhằm tái khẳng định cam kết bảo vệ an ninh cho Hàn Quốc nhưng ngay chính các nhà hoạt động hòa bình tại Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích, cho rằng nó mang tính khiêu khích Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đáp trả bằng những cảnh báo có thể tấn công các căn cứ Mỹ trong khu vực, hủy bỏ Hiệp định đình chiến năm 1953 với Hàn Quốc và tuyên bố bán đảo Triều Tiên trong tình trạng chiến tranh. Mỹ đã điều đến Hàn Quốc máy bay F-22, di chuyển hai tàu khu trục đến vùng biển gần đó, đưa một khẩu đội tên lửa phòng thủ tới Guam. Sự ngột ngạt gia tăng khi Triều Tiên di chuyển hai tên lửa Musadan tới bờ biển phía đông, cảnh báo công dân nước ngoài ở Xơun nên sơ tán. Tất cả dường như chỉ chờ thời điểm để bùng nổ thành một cuộc chiến nghiêm trọng. Ngày 9/4, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phải lên tiếng cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ “vượt khỏi tầm kiểm soát”.
“Bởi chiến tranh không phải trò đùa”
Nếu nổ ra xung đột và biến thành chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên, khó có thể lường hết hậu quả của nó. Đã hơn hai thập kỷ qua, khu vực này luôn đứng bên bờ vực chiến tranh bởi những căng thẳng tồn tại. Đã từng phát sinh một số đụng độ trong năm 2011 như việc Triều Tiên nã pháo lên một hòn đảo của Hàn Quốc gần lãnh hải tranh chấp hay vụ tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hồi đầu năm này. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng dù tình hình hiện nay là nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, khó có nguy cơ bùng phát thành xung đột vũ trang diện rộng.
Các chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên đang so sánh tình hình hiện nay với căng thẳng năm 1994 khi Bình Nhưỡng cũng có những tuyên bố và động thái mạnh mẽ trong bối cảnh phải đối mặt với sức ép quốc tế về chương trình hạt nhân. Thời điểm đó, ở cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc cũng đều đang có những chuyển giao chính trị. Cuộc khủng hoảng ấy bị xem là quãng thời gian mà Mỹ và Triều Tiên đến gần với chiến tranh nhất. Nguy cơ đó sau cùng được hóa giải bằng động thái cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tới Bình Nhưỡng, lập nền móng cho một dự án năng lượng chung theo đó Triều Tiên đồng ý ngừng xử lý nhiên liệu hạt nhân đổi lấy bình thường quan hệ, được nhập dầu và hai lò phản ứng nước nhẹ.
Nếu so sánh với cuộc khủng hoảng năm 1994, bối cảnh hiện nay rất tương đồng. Triều Tiên đang trải qua giai đoạn đầu dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, thay thế người cha Kim Jong Il qua đời cuối năm 2011. Trong khi đó, Hàn Quốc vừa đón chào nữ Tổng thống đầu tiên Park Geun-hye. Những mâu thuẫn hai miền vẫn thường được thổi bùng lên đặc biệt khi có các chuyển giao chính trị như để “thử” những yếu tố mới. Joet Wit, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách việc thực thi thỏa thuận khung về năng lượng trong năm 1994 và giờ là một học giả tại Đại học Columbia, nhận xét: "Tình hình hiện nay không làm tôi sốc. Hoàn toàn có thể đoán được. Điểm khác biệt lần này là họ (Triều Tiên) có vũ khí hạt nhân". Chính điều đó đang khiến cộng đồng quốc tế phải lo ngại về một kịch bản nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo bất cứ xung đột quân sự nào đều có nguy cơ biến tình hình trở nên tồi tệ hơn cả thảm họa hạt nhân ở Chernobyl năm 1986.
Xét trên các phương diện, khó có thể để Triều Tiên, Hàn Quốc hay Mỹ công kích trước. Không ai thực sự muốn chiến tranh. Giới phân tích nhận định đây giống như một màn đo lường giới hạn của nhau hơn trong bối cảnh đều có những thay đổi mới trong thế hệ lãnh đạo ở Triều Tiên và Hàn Quốc. Nhưng khi mức độ căng thẳng bị đẩy cao như lúc này, điều đáng lo ngại là nguy cơ "tính toán nhầm" hay một sự cố mang tính "tai nạn" phát sinh, châm ngòi cho giả thuyết tệ hại nhất. Sự bí ẩn quen thuộc bao trùm Triều Tiên càng biến không khí hiện nay như một ma trận mà không ai dám chắc, điều gì sẽ xảy ra.
Sau vài động thái khá mạnh như triển khai máy bay ném bom B-2 tham gia tập trận cùng Hàn Quốc, Mỹ đang thể hiện sự thận trọng. Lầu Năm Góc quyết định hoãn thử tên lửa đạn đạo Minuteman 3, vốn có kế hoạch diễn ra trong tuần này ở căn cứ không quân Vandenberg (California) do lo ngại vụ thử có thể bị hiểu lầm, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng nhanh chóng hoan nghênh những kêu gọi từ Nga và Trung Quốc về việc cần đối thoại để tháo gỡ căng thẳng.
Nhưng một vụ thử tên lửa đang được cho là nằm trong kế hoạch của Triều Tiên với thời điểm có thể gần ngày 15/4 nhân kỷ niệm sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Động thái di chuyển các tên lửa Musudan tới bờ biển phía đông dường như thể hiện điều đó. Đây là loại tên lửa mà quân đội Triều Tiên chưa từng phóng thử.
Vấn đề là mức độ vụ phóng và phản ứng của các bên trong khu vực sẽ thế nào. Nhật Bản đang đặt trong tình trạng báo động cao. Liên quân Mỹ-Hàn nâng mức độ giám sát quân sự lên cấp độ "nguy cơ nghiêm trọng". Nhưng Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear cũng nói rằng các lực lượng Mỹ sẽ chỉ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên khi nó đe dọa Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Đây có thể là điểm mấu chốt để tất cả các bên cùng xuống thang. Một kịch bản đang được nhiều nhà phân tích chờ đợi là Triều Tiên sẽ thử tên lửa nhưng phạm vi không quá nghiêm trọng cũng như không khiến Hàn Quốc hay Nhật Bản đáp trả mạnh mẽ. Và sau cú "xả van" đó, không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ giảm xuống, nhường nhiều không gian hơn cho các nỗ lực đàm phán ngoại giao. Nhưng ngay cả trong một kịch bản "nhẹ nhàng" như vậy, ván cờ tiếp theo sẽ thế nào khi các mối quan hệ đã bị đẩy lên một mức kịch tính mới?
Xét cho cùng, bán đảo Triều Tiên đang trong một giai đoạn lịch sử. Và chỉ thời gian cùng tương lai mới có thể trả lời rõ ràng hơn cho những câu hỏi ở hiện tại về cuộc khủng hoảng này...
Trung Sơn