Trung Quốc bất ngờ buông 'mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới' với Mỹ

Từng trở thành chủ đề không thể thiếu đối với truyền thông Trung Quốc, nhưng giờ đây khái niệm "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" có thể đang dần bị chính bên đề xướng - Trung Quốc - âm thầm buông bỏ.

The foreignpolicy.com, những năm qua, ít nhất là từ khi ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sau Đại hội Đảng (Cộng sản Trung Quốc) lần thứ 18 năm 2012, các quan chức và truyền thông nước này vẫn say sưa nhắc đi nhắc lại khái niệm “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi Trung Quốc nhiệt tình với thuật ngữ đó bao nhiêu thì chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lại tìm cách lảng tránh nhắc đến nó bấy nhiêu. Nội hàm của khái niệm này chưa bao giờ được Trung Quốc giải thích một cách chi tiết, ngoài cách hiểu chung chung về một sự ngang bằng, bình đẳng và chia sẻ trách nhiệm giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sau nhiều năm được các quan chức Trung Quốc cấp cao nhắc đi nhắc lại, khái niệm này dường như đang bắt đầu chìm vào quên lãng.

Đây là một thực tế mà mới chỉ vài năm trước không ai nghĩ lại có thể xảy ra. Những lời cam kết về “mô hình mới” trong quan hệ của Bắc Kinh với một siêu cường như Mỹ đã trở thành chủ đề không thể thiếu đối với truyền thông Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Giai đoạn xung quanh chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9/2015 – lần gần đây nhất ông Tập đặt chân lên đất Mỹ, cụm từ “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” tràn ngập trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và diễn đàn phân tích của Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ thời điểm đó và hiện nay, Thôi Thiên Khải, đã nhắc đến khái niệm này tổng cộng 12 lần chỉ trong một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo đăng trước chuyến thăm.

Nhưng kể từ đó đến nay cụm từ “mô hình mới” đang dần biến mất trong các văn bản và phát ngôn của giới lãnh đạo cũng như truyền thông Trung quốc. Theo kết quả phân tích số liệu của trang tìm kiếm Qihoo của Trung Quốc, khái niệm này càng ít xuất hiện hơn kể từ sau bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump.

Theo các văn bản báo chí và truyền thông bằng tiếng Trung được nghiên cứu, khi ông Tập Cận Bình nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm muộn màng và bị dư luận săm soi kỹ lưỡng ngày 10/2 vừa qua, cụm từ trên hoàn toàn không xuất hiện. Cụm từ cũng vắng bóng trong cuộc chào xã giao giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì với Tổng thống Mỹ ngày 27/2 tại Washington.

Sự biến mất của khái niệm này diễn ra từ từ nhưng cũng đủ rõ rệt khiến trong cuộc họp báo tháng 2 vừa qua, một phóng viên đã đặt câu hỏi với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng về việc phải chăng Bắc Kinh đã “từ bỏ xây dựng một mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới sau khi ông Trump nhậm chức”.

Trong câu trả lời của mình, ông Lục Khảng đã khẳng định không có thay đổi trong chính sách của Trung Quốc về quan hệ với Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hầu như chưa có tuyên bố chỉ trích trực tiếp nào nhằm vào ông chủ mới của Nhà Trắng.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp nhau ở Washington ngày 28/2/2017. Ảnh: THX

Việc một thuật ngữ mới đây còn nghe rất kêu như cụm từ “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” đang lặng lẽ bị cho “chìm xuồng” quả thật là điều khá trớ trêu, nếu biết rằng trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Trump cũng kêu gọi một cách tiếp cận mới cho mối quan hệ Mỹ-Trung.

Không ai hiểu rõ “cách tiếp cận mới” của ông Trump thực ra nghĩa là như thế nào, ngoại trừ việc ông chỉ trích hầu như tất cả mọi khía cạnh trong chính sách của ông Obama với Trung Quốc. Một bài phân tích trên tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 9/2 vừa qua nhấn mạnh rằng khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump là “hoàn toàn dễ hiểu”, vì ngay chính Bắc Kinh cũng có chính sách “Trung Quốc trên hết” của mình.

Bài báo cũng so sánh lời hô hào của ông Trump về việc “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” với lời hứa hẹn được ông Tập Cận Bình thường xuyên trích dẫn, “sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”, từ đó kết luận rằng “một mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” mới cho phép những khẩu hiệu của cả hai nhà lãnh đạo trở thành sự thật.

Bất chấp những khởi đầu có vẻ không suôn sẻ trên cương vị Tổng thống của ông Donald Trump, mối quan hệ Mỹ-Trung đang từng bước đi vào ổn định. Sau những chỉ trích gay gắt nhằm vào Trung Quốc trong quá trình tranh cử, và tiếp theo đó là khi còn chờ nhậm chức ông Trump đã hứa hẹn sẽ xem xét lại chính sách “một Trung Quốc” vốn được Bắc Kinh xem là “bất khả xâm phạm”,  tân Tổng thống Mỹ hóa ra lại công nhận chính sách này chỉ trong những tuần đầu tiên sau khi trở thành ông chủ chính thức của Nhà Trắng.

Tác giả cuốn sách “Death by China” (Chết bởi Trung Quốc) Peter Navarro đã đảm nhiệm một cương vị cấp cao trong Nhà Trắng, nhưng nhiều khả năng tầm ảnh hưởng của vị giáo sư kinh tế có quan điểm chỉ trích Trung Quốc này sẽ không thể sánh với cố vấn cấp cao Jared Kushner, người có một công ty gia đình có mối quan hệ làm ăn rất khăng khít với Bắc Kinh, nhất là tập đoàn bảo hiểm An Bang của Trung Quốc.

Tân Bộ trưởng Thương mại Mỹ, tỷ phú Wilbur Ross, cũng là người thường xuyên bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với đất nước và văn hóa Trung Quốc. Nhìn vào ê kíp Nhà Trắng hiện tại của Tổng thống Donald Trump, người ta có cảm giác Mỹ đang tìm kiếm mối quan hệ hợp tác làm ăn hơn là sa vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất kể mối quan hệ Mỹ-Trung dưới thời ông Donald Trump có tiến triển đến mức độ nào thì có vẻ như hai bên đều sẽ phải lo tìm một thuật ngữ mới mà định nghĩa cho mối quan hệ đó.

Tuấn Anh (Tin Tức/TTXVN)
Vì sao Hàn Quốc quyết triển khai THAAD dù Trung Quốc phật lòng?
Vì sao Hàn Quốc quyết triển khai THAAD dù Trung Quốc phật lòng?

Sự kiện Tập đoàn Lotte đồng ý đổi đất cho quân đội triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại khẳng định quyết tâm của Hàn Quốc bất chấp sự tức giận của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN