Trung Quốc bước vào chính trường Trung Đông

Trung Quốc đã quyết định bước vào chính trường Trung Đông khi lần đầu tiên đưa ra đề nghị chủ trì một hội nghị cấp cao giữa Israel và Palestine tại Bắc Kinh, đồng thời nỗ lực tìm câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa liên quan đến nhiều cuộc xung đột tại khu vực này.

Sáng kiến tổ chức hội nghị cấp cao Israel - Palestine của Trung Quốc không phải nhằm làm suy yếu các nỗ lực hòa bình của Mỹ tại khu vực này. Chính sách của Trung Quốc ở Trung Đông nổi lên trong bối cảnh Mỹ ngày càng ít quan tâm đến khu vực này và Washington đang định hướng lại các chính sách kinh tế - ngoại giao của họ để chuyển từ khu vực Địa Trung Hải sang Thái Bình Dương, vốn vẫn được biết đến với tên gọi "chuyển trục sang châu Á".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong chuyến thăm Trung Quốc, ngày 6/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Lý do sâu xa cho việc này hầu như không có gì đáng kể. Các công nghệ mới để khai thác khí đá phiến đang giúp Mỹ giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông, và có khả năng đến cuối thập kỷ này sẽ biến Mỹ thành quốc gia xuất khẩu năng lượng.

Mặc dù những vấn đề của Trung Đông vẫn có liên quan tới mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Israel, song chúng sẽ không còn gây ảnh hưởng tới các nguồn cung chiến lược cung cấp "sự sống" cho nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện trở thành nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất từ Trung Đông, và sự phụ thuộc này sẽ tăng lên trong những năm tới cùng với sự phát triển của nền kinh tế.

Mặc dù là quốc gia giàu khí đá phiến, song Trung Quốc chưa phát triển được công nghệ khai thác và công nghệ xác định chính xác các vị trí có nguồn tài nguyên này. Có thể trong tương lai, với công nghệ khai thác phát triển hơn, Trung Quốc sẽ không phải phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu, tuy nhiên thực tế hiện nay đang trái ngược hoàn toàn. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ nước ngoài sẽ tăng lên trong những năm tới, và số dầu này sẽ được vận chuyển qua các tuyến đường biển nằm dưới sự kiểm soát và đảm bảo của Hải quân Mỹ. Tất cả những điều này buộc Trung Quốc ngày nay phải quan tâm tới Trung Đông.

Về cơ bản, Bắc Kinh muốn duy trì quan hệ tốt với tất cả các quốc gia trong khu vực này, đặc biệt là với các quốc gia Arập. Mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Israel là bước phát triển quan trọng nhất tại khu vực. Thủ tướng Israel Benjanin Netanyahu đang có chuyến công du 5 ngày tới Trung Quốc (bắt đầu từ ngày 6/5), sẽ ký kết một thỏa thuận chung về Quỹ đầu tư công nghệ xanh Trung Quốc-Israel, quỹ được sử dụng để giúp Trung Quốc thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, Israel sẽ xây dựng một tuyến đường tàu hỏa từ Biển Đỏ tới Biển Địa Trung Hải, tránh Eo biển Suez - khu vực bất ổn do tình hình rối ren ở Ai Cập, và Tel Aviv muốn ngành công nghiệp đường sắt của Trung Quốc xây dựng đường tàu hỏa này.

Có một động thái phản ánh tham vọng của Trung Quốc muốn tăng cường vai trò ngoại giao tại một khu vực mà từ trước tới nay Bắc Kinh hầu như không có ảnh hưởng. Trong cuộc gặp ngày 9/5 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vài ngày sau khi tìm cách thuyết phục nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas khôi phục các cuộc thảo luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi ông Netanyahu tái khởi động các cuộc hòa đàm với phía Palestine càng sớm càng tốt.

Trước đó, ngày 6/5, ông Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất hòa bình 4 điểm với ông Abbas - người có chuyến thăm Trung Quốc cùng thời điểm với ông Netanyahu.

Thường thì Trung Quốc có rất ít hoạt động ngoại giao ở Trung Đông nhưng lại rất muốn khẳng định vai trò của mình như một cường quốc trong nền chính trị thế giới. Về việc tổ chức hội nghị cấp cao nói trên giữa Israel và Palestine, trên thực tế, đây là ý tưởng của tỷ phú và cũng là nhà hảo tâm người Palestine Munib Masri, được đưa ra cách đây hơn một năm khi ông tới Bắc Kinh tham dự hàng loạt cuộc họp riêng. Suy nghĩ của người Palestine, nhất là những người như Marsi, trong việc tìm kiếm sự can dự của Trung Quốc là muốn Bắc Kinh đưa ra một cách tiếp cận mới có thể đem lại những kết quả ngoài mong đợi.

Phía Trung Quốc bản thân rất không chắc chắn và thường không sẵn sàng chấp nhận vai trò mới là người trung gian. Tuy nhiên, cơ hội không cho phép sự do dự. Tất nhiên, với bản tính thực dụng, Bắc Kinh dù không hy vọng sẽ đạt được hòa bình ở Jerusalem song ít ra sẽ muốn có thêm sự hiểu biết và quan hệ ở một khu vực đang ngày càng trở nên quan trọng đối với những lợi ích quốc gia của Trung Quốc, đồng thời cũng đang là nơi diễn ra sự tan rã nhanh chóng: Libya bị phá nát trong cuộc đấu tranh giữa các phe phái sắc tộc; Syria đang là "căn bệnh ung thư" lan rộng; Iraq còn lâu mới trở lại bình thường, trong khi Ai Cập đang trong tình trạng dễ bùng lửa. Tất cả đang trực tiếp đe dọa tới toàn khu vực, và cả nguồn nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc.

Nguy cơ này, rất rõ đối với Bắc Kinh, sẽ phải được nhìn nhận trong toàn bộ các vấn đề chưa được giải quyết và có lẽ không thể giải quyết. Về việc này, một cuộc đối thoại quan trọng đang được xúc tiến ở Trung Quốc. Nếu mọi thứ đổ vỡ ở Trung Đông, Trung Quốc cần tập trung vào Israel - "chốt" ổn định trong khu vực, nơi không có dầu lửa để bán nhưng thay vào đó có công nghệ để giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu.


TTXVN/Tin tức

Trung Quốc tránh xác nhận cắt giao dịch ngân hàng với Triều Tiên
Trung Quốc tránh xác nhận cắt giao dịch ngân hàng với Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối xác nhận việc Ngân hàng Trung Quốc ngừng giao dịch với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên, động thái rõ ràng nhằm trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN