Đâu là sự phát triển?
PBoC đã can thiệp tích cực từ tháng 11/2014 để thúc đẩy hoạt động sản xuất, trong đó có việc giảm lãi suất cơ bản từ 5,6% xuống 4,85%, nhưng hiệu quả rất thấp. Trung Quốc đang gặp phải tình trạng rất mâu thuẫn. Trung Quốc cần đầu tư vào tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng nhiều ngành như luyện kim, khai thác khoáng sản hoặc năng lượng Mặt trời đã trong tình trạng dư thừa và ngập nợ. Đáng ngại hơn là trường hợp tương tự cũng xảy ra ở cấp địa phương khi đổ tiền vào các dự án lớn nhưng không có lợi ích kinh tế thực sự và hiện cũng “ngập lụt” trong nợ. Ngoài ra, để thuận lợi cho việc tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng, Trung Quốc muốn duy trì lạm phát thấp, nhưng mặt khác lạm phát thấp lại cản trở hoạt động công nghiệp và đầu tư, gián tiếp làm tăng gánh nặng của các khoản nợ.
Quyết định điều chỉnh giảm giá đồng NDT khiến niềm tin mà EU vẫn đặt vào Trung Quốc phần nào giảm sút. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giải pháp đơn giản nhất là làm sống lại nền kinh tế từ xuất khẩu từ đó thúc đẩy tăng trưởng để có nguồn lực “sạch” cho đầu tư, cùng lúc phục hồi lạm phát và làm giảm gánh nợ. Nhưng điều này là không thể khi mức giá định hướng của đồng NDT đặc biệt cao so với các đồng tiền mới nổi như đồng real của Brazil, đồng rupee của Ấn Độ, đồng rand của Nam Phi, đồng won của Hàn Quốc hay đồng SGD của Singapore.
Việc Trung Quốc chơi con bài chiến lược với đồng tiền của mình cũng nhằm gửi thông điệp đến nhà đầu tư rằng đồng NDT là đồng tiền ổn định và đáng tin cậy, trong bối cảnh Fed chuẩn bị tăng lãi suất. Ngược lại, quyết định có tính áp đặt hạ giá tiền của Trung Quốc lại đi ngược những nỗ lực nêu trên, mặc dù Trung Quốc chính thức lên tiếng đảm bảo an toàn.
Tham gia cuộc chiến tiền tệ
Trong thực tế, Trung Quốc đã nhảy vào cuộc chiến tranh tiền tệ cùng với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều nền kinh tế mới nổi khi giảm giá đồng tiền của mình. Với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, việc điều chỉnh giá đồng NDT của Trung Quốc có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như tương quan giữa các đồng tiền.
Và các nhà đầu tư cảnh báo rằng nếu tình hình không cải thiện, PBoC có thể “điều chỉnh” tiếp tỷ giá đồng NDT. Thị trường có thể sẽ dự đoán rằng Trung Quốc sẽ có một đồng tiền yếu, và đó cũng là mục đích chính của Trung Quốc.
Làm suy yếu các thị trường mới nổi
Về mặt cạnh tranh, Trung Quốc có thể giành lấy thị phần từ các đối thủ, chủ yếu là các thị trường mới nổi. Các nước châu Á mới nổi cũng có khả năng bị ảnh hưởng từ quyết định điều chỉnh tiền tệ này. Nhiều nước cũng chọn biện pháp đối phó qua việc tìm cách giảm giá đồng tiền của mình.
Như vậy, các nền kinh tế tiên tiến được lợi trong cuộc đua này là Mỹ và EU, còn tác động ngược lại với các khu vực mới nổi.
Thách thức đối với Eurozone
Đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), việc điều chỉnh giá đồng NDT là một thách thức và gây áp lực đối với thiểu phát ở khu vực, đi ngược nỗ lực của ECB đang thúc đẩy lạm phát ở EU. Vì vậy, EU phải duy trì và tăng cường các chính sách mua tài sản đảm bảo để tiếp tục làm giảm giá đồng euro. Do đó, Eurozone buộc phải tham gia hơn nữa trong cuộc “chiến tranh tiền tệ”.
Điều đáng lo ngại nhất là quyết định của Trung Quốc không giải quyết đầy đủ các vấn đề cơ cấu (nợ, bất bình đẳng, tiêu dùng hộ gia đình yếu, năng suất dư thừa) gây khó khăn cho nền kinh tế nước này. Trong thực tế, Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài để phục vụ mục tiêu phát triển, trong khi đó không phải là một yếu tố cho sự phát triển ổn định toàn cầu. Chưa ai có thể biết liệu quyết định của Trung Quốc có bù đắp cho tác động của nó đối với thương mại thế giới hay không. Chỉ biết rằng, niềm tin mà EU vẫn đặt vào Trung Quốc và các thị trường mới nổi sẽ phần nào giảm sút.