Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, tất cả các bên đều thiệt

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong một vài năm qua tương đối êm ả, tuy nhiên việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đầu tháng này hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou - 981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ hai nước, tạo ra những phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết từ phía Việt Nam. Theo Wall Street Journal, đây chỉ là một minh chứng cho những xung đột lợi ích chồng lấn về các nguồn tài nguyên dưới biển và tuyến đường thương mại quan trọng ở Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: (Chụp từ tàu cảnh sát biển Việt Nam) Công Định-Hữu Trung/TTXVN

"Chủ thể gây lo ngại"

Biển Đông được cho là có nguồn dữ trữ tài nguyên thiên nhiên đáng kể và quốc gia nào kiểm soát các đảo và rạn san hô sẽ có quyền khai thác hydrocarbon và nguồn thủy hải sản ở các vùng nước xung quanh chúng. Biển Đông có bốn nhóm đảo chính: Quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng hiện Trung Quốc chiếm đóng trái phép và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền); Quần đảo Pratas (Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nhưng Đài Loan hiện đang chiếm giữ); Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố toàn bộ chủ quyền; Malaysia, Philippines và Brunei tuyên bố một phần chủ quyền); và rạn san hô Macclesfield Bank/Scarborough Reef hiện chưa có ai kiểm soát nhưng nhiều bên tuyên bố chủ quyền).

Vấn đề là các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được đưa ra dựa trên cái gọi là "bản đồ đường chín đoạn”, trong khi tính pháp lý của “đường chín đoạn” này hoàn toàn không rõ ràng, không có căn cứ và không có bên tranh chấp liên quan nào thừa nhận nó.

Trong khi trữ lượng dầu khí ở Biển Đông được cho là nhỏ hơn so với một số khu vực khác, chẳng hạn như Bắc Mỹ, thì nó vẫn có thể giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Trung Đông và châu Phi nếu quốc gia này chiếm đoạt được.

Căng thẳng tại Biển Đông đã bùng phát vào đầu tháng này sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huy động nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự, cố tình có những hành động khiêu khích các tàu công vụ của Việt Nam đang chấp pháp tại đây. Với những hành động mà giới chức Mỹ gọi là "khiêu khích" như thế này, Trung Quốc đang đi ngược lại dòng chủ lưu trong quan hệ giữa họ với Việt Nam.

Sau hành động trên của Trung Quốc, Mỹ cảnh báo nước này sẽ bị cô lập trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng quan ngại về cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông. Phát biểu tại một sự kiện ở Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice lưu ý Trung Quốc "đang ngày càng bị cô lập và trở thành một chủ thể gây lo ngại". Bà Rice nhấn mạnh: "Chúng tôi đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng rằng những hành động gây hấn và đe dọa, những bước đi gây ra những vụ việc trên thực địa mà làm phức tạp cho triển vọng tìm kiếm giải pháp ngoại giao là hoàn toàn không hữu ích" và hối thúc Trung Quốc giải quyết những tranh chấp hiện nay thông qua các cơ chế của luật pháp quốc tế. 

Theo Mỹ, những căng thẳng ở Biển Đông đang cản trở hoạt động thăm dò và khai thác của các công ty dầu khí nước ngoài. Cơ quan Thông tin Năng lượng của chính phủ Mỹ (EIA) cho biết trong một báo cáo năm ngoái rằng tranh chấp lãnh thổ đã cản trở hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực.

Nhưng ngoài tiềm năng dầu khí và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, Biển Đông cũng là tuyến đường hàng hải quan trọng nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, chiếm 1/4 lưu lượng thương mại biển toàn cầu, theo số liệu của Tập đoàn tư vấn Vận tải Drewry.

Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.


Cái giá Trung Quốc phải trả

Biển Đông "là một trụ cột kinh tế quan trọng đối với tất cả các quốc gia thương mại lớn trên thế giới. Sự gián đoạn và bất ổn ở khu vực này khiến tất cả các bên phải trả giá", Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy về Chính sách Quốc tế Australia cho biết.

Theo EIA, gần 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 số khí đốt tự nhiên hóa lỏng toàn cầu đi qua Biển Đông và hầu hết trong số chúng hướng đến Trung Quốc và Đông Bắc Á. Hải quân Mỹ thường xuyên phái tàu chiến đến vùng biển quốc tế và duy trì một sự hiện diện ổn định xung quanh eo biển Malacca, gần Singapore nhằm bảo đảm an ninh tại cửa ngõ của Biển Đông.

Ngoài ra, rất nhiều tàu cá của ngư dân từ tất cả các bên tranh chấp trong khu vực hoạt động tại vùng biển này. Theo một báo cáo được công bố năm 2007 trong Dự án "Biển quanh ta" với sự hợp tác khoa học giữa trường Đại học Columbia (Anh) và Tổ chức Môi trường Pew, hàng năm, Biển Đông cung cấp khoảng 6% lượng cá trích, cá mòi, cá cơm và một số loại hải sản khác trên toàn thế giới, tương đương khoảng 6 triệu tấn.

Mới đây, Philippines đã bắt một số ngư dân Trung Quốc vì tội "xâm nhập trái phép" và "đánh bắt trộm động vật quý hiếm" ở vùng biển của Philippines. Bộ ngoại giao Trung Quốc đã hối thúc Philippines thả ngay tức thì các ngư dân Trung Quốc và tàu cá của họ. Phía Philippines không chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh và đưa các ngư dân tới thành phố Puerto Princesa trên đảo Palawan để xét xử. Tuy nhiên, ngày 14/5, những ngư dân này đã được phóng thích và trục xuất khỏi Philippines.

Người dân Việt Nam phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN


"Trung Quốc đang mất rất nhiều thứ do cách hành xử của nước này đối với láng giềng. Điều này gây thiệt hại to lớn cho Trung Quốc trong khu vực, trên thế giới và cả trong tòa án dư luận quốc tế", ông David Shambaugh, chuyên gia an ninh về Trung Quốc tại Đại học George Washington, phát biểu trong một diễn đàn ở Bắc Kinh mới đây.

CNOOC được Trung Quốc sử dụng như một đơn vị lớn trong việc khẳng định những tuyên bố chủ quyền vô lý của quốc gia này ở Biển Đông. Giàn khoan mà công ty này mới hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là lần hoạt động đầu tiên ở vùng nước sâu. Nó được ra mắt vào năm 2012 và Giám đốc của CNOOC từng ám chỉ vai trò của giàn khoan này là "lãnh thổ quốc gia di động" của Trung Quốc.

Đánh giá về hành động gây hấn trên của Trung Quốc thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng có một sự tập trung lợi ích đang ảnh hưởng đến thái độ của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông. "Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang tập trung chú ý vào hệ thống giám sát của Hải quân Mỹ. CNOOC muốn khai thác hydrocarbon. Chính quyền Bắc Kinh thì sử dụng chủ nghĩa dân tộc để tăng cường tính pháp lý trong nước. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao nước này cố gắng biện minh cho hành động sai trái trên biển của mình với thế giới bên ngoài", Donald Emmerson, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Stanford (Mỹ) nói.


Vũ Thanh
(Theo Wall Street Journal)
Chuyên gia Đức nói về động cơ chính trị của Trung Quốc ở Biển Đông
Chuyên gia Đức nói về động cơ chính trị của Trung Quốc ở Biển Đông

Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị (SWP) ở Berlin cho rằng Trung Quốc có động cơ chính trị khi tiến hành hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần bờ biển Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN