Trung Quốc lập ADIZ nhằm mục đích gì?

Sự việc Trung Quốc lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông bao phủ cả phần lãnh thổ mà quốc gia khác đang tuyên bố chủ quyền lại làm dậy sóng cả khu vực. Mục đích của hành động này xem ra là nhằm duy trì áp lực với các nước ở khu vực trong vấn đề tranh chấp biển đảo, đồng thời để thử phản ứng của các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ, trong bối cảnh siêu cường lớn nhất thế giới này đang thực hiện chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương.


Nước cờ lấn từng bước


Tuyên bố đơn phương áp đặt ADIZ trên biển Hoa Đông, chồng lấn một phần lớn diện tích lên các vùng ADIZ đã được xác lập trước đó của Nhật Bản và Hàn Quốc, được Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh hết sức nhạy cảm. Quan hệ song phương Trung-Nhật vẫn đang trong giai đoạn tồi tệ nhất sau khi Nhật Bản thực hiện một bước đi chưa từng có tiền lệ là quốc hữu hóa quần đảo Senkaku do họ kiểm soát mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Tokyo ngày 3/12. Ảnh: AFP/TTXVN


Trung Quốc nhận thức rằng trong các vấn đề liên quan tới các đảo tranh chấp, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe theo đuổi chính sách “ba không” - không thừa nhận, không gác lại và không đối thoại. Do vậy, động thái vừa qua của Trung Quốc có thể nói là nhằm tiếp tục gây áp lực chừng nào Tokyo chưa rút lại quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thừa nhận các đảo đá không có người ở này là đối tượng tranh chấp chủ quyền. Bằng hành động đơn phương áp đặt cái gọi là ADIZ (của Trung Quốc) ở biển Hoa Đông, Trung Quốc muốn thử phản ứng của Nhật Bản và kể cả Hàn Quốc - quốc gia đã tuyên bố ADIZ mới của Trung Quốc chồng lấn một số vùng thuộc Khu vực quân sự của Hàn Quốc và cả bãi đá Ieodo mà Seoul tuyên bố chủ quyền.


Tuyên bố lập ADIZ bao phủ cả không phận các đảo đang tranh chấp với các nước láng giềng thực chất là một chiến lược dài hạn của Trung Quốc, nhằm từng bước khẳng định chủ quyền tại các khu vực đang tranh chấp, thông qua việc xác lập quyền kiểm soát cả vùng trời trên biển. Nói cách khác, hành động của Trung Quốc không nằm ngoài những nỗ lực lâu nay nhằm thực hiện ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực.


Sách lược “nắn gân” đối thủ


Khi lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông, Trung Quốc chắc chắn không thể không cân nhắc tới thái độ của Mỹ. Kể từ khi quan hệ Trung-Nhật căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Mỹ luôn bày tỏ thái độ “không nghiêng về bên nào” trong vấn đề này.


Tuy nhiên, có một sự thật là Mỹ vẫn ngầm ủng hộ đồng minh Nhật Bản, vì thế qua tuyên bố lập ADIZ vừa rồi, Bắc Kinh hẳn cũng muốn thăm dò, thử độ bền vững, hiệu lực của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ ký năm 1960. Với Trung Quốc, việc thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông đã phát đi tín hiệu chính trị đối với Nhật Bản và Mỹ về quyết tâm bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ ở biển Hoa Đông, phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào khu vực này. Có thể nói hành động của Trung Quốc là dùng “sức mạnh biểu hiện” để bày tỏ sự không hài lòng trước những diễn biến thời gian qua ở khu vực Đông Bắc Á, nhất là sự tăng cường hiện diện hải quân của Mỹ và Nhật Bản trong khu vực.


Việt thiết lập ADIZ theo tuyên bố của Bắc Kinh là không nhằm mục đích đối đầu, nhưng nó cho thấy niềm tin của Trung Quốc vào sức mạnh quân sự của họ đã tăng lên đáng kể. Trong Sách Trắng quốc phòng 2013, Trung Quốc nhận định nay là thời điểm mở ra các cơ hội chiến lược để thực hiện cam kết của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trở thành một lực lượng hải quân có năng lực thực hiện học thuyết “phòng vệ ngoài khơi chủ động” của Trung Quốc. Vì thế, có ý kiến lo ngại động thái lập cái gọi là ADIZ của Trung Quốc sẽ khiến những căng thẳng lâu nay ở vùng biển Đông Bắc Á có nguy cơ leo thang thành một cuộc đối đầu toàn diện trong khu vực. Nếu Trung Quốc và cả Nhật Bản với sự hỗ trợ của đồng minh Mỹ thể hiện sức mạnh quân sự bằng hành động, chắc chắn sẽ dẫn đến các vụ đụng độ trên biển Hoa Đông với những hậu quả nghiêm trọng và khó lường.

 

Giương đông kích tây


Tuy nhiên, những diễn biến trong những ngày qua cho thấy Trung Quốc chưa đủ sức và cũng chưa sẵn sàng để bảo vệ ADIZ vừa thiết lập. Ít nhất trong thời điểm này Trung Quốc vẫn ngại va chạm với Nhật Bản bởi hai quốc gia ở vị trí bên tám lạng, người nửa cân.


Đặt trong tương quan lực lượng quân sự, Trung Quốc chỉ có thể sánh ngang với Nhật Bản chứ không thể so sánh được với Mỹ. Chưa kể bất cứ rủi ro quân sự nào ở khu vực này sẽ gây thiệt hại cho các lợi ích kinh tế không chỉ của Nhật Bản và Trung Quốc - hai cường quốc khu vực mà còn cả của Mỹ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.


Vì thế không ngạc nhiên khi một lần nữa Trung Quốc sử dụng chiêu bài cũ: hành động đơn phương, sẵn sàng hứng chịu “bão” ngoại giao, được đà sẽ lấn tới, còn nếu gặp phản ứng quyết liệt của các nước lớn trong khu vực thì lặng lẽ lùi lại, chờ thời cơ lại xông lên. Việc thành lập ADIZ ở Hoa Đông có lẽ chỉ là mục tiêu trước mắt, nếu suôn sẻ đó sẽ là sự chuẩn bị cho một hành động quân sự có giới hạn. Tiết lộ của một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc về việc nước này “có thể sẽ tiếp tục thiết lập ADIZ ở Hoàng Hải và Biển Đông” cho thấy rõ ràng người khổng lồ châu Á muốn dần gia tăng mạnh mẽ sự hiện diện của họ tại các khu vực biển có tranh chấp.

 

Nguyệt Ánh

Trung Quốc lập ADIZ: Từ Hoa Đông đến Biển Đông
Trung Quốc lập ADIZ: Từ Hoa Đông đến Biển Đông

Cục diện an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương có biểu hiện nóng lên, sau việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) không trên biển Hoa Đông, cũng như khả năng tạo mới một ADIZ khác ở Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN