Theo tờ New York Times, xóa nợ sẽ khiến Trung Quốc tổn thất quá lớn, nhưng nếu “nói không” cũng lại khiến hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc bị hủy hoại.
Khi COVID-19 lây lan khắp toàn cầu, Ngoại trưởng Pakistan hồi tháng trước đã điện đàm với người đồng cấp ở Bắc Kinh để nêu một đề nghị khẩn thiết: Nền kinh tế Pakistan đang lao dốc nhanh và chính phủ cần tái cấu trúc các khoản vay nhiều tỉ USD từ Trung Quốc. Những đề xuất tương tự cũng được Kyrgyzstan, Sri Lanka và nhiều nước châu Phi đưa ra. Họ yêu cầu được tái cấu trúc, hoãn thanh toán hoặc xóa các khoản nợ hàng chục tỉ USD sẽ đáo hạn trong năm 2020.
Trong hai thập kỉ qua, Trung Quốc nổi lên là nhà cho vay hàng đầu thế giới, chào mời các nước hàng trăm tỉ USD trong một nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng và vươn lên thành một siêu cường kinh tế chính trị. Bên vay sẽ phải thế chấp cảng, các khu mỏ và nhiều tài nguyên quý hiếm khác. Giờ đây, khi kinh tế thế giới rung lắc mạnh, ngày càng có nhiều nước nói rằng họ không thể trả lại tiền cho Bắc Kinh.
Trung Quốc đối diện với lựa chọn khó khăn. Nếu chọn cách tái cấu trúc hay xóa nợ, hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ gặp khó, chưa kể đến việc gây kích động người dân - những người cũng đang chịu tác động từ suy giảm kinh tế. Nhưng nếu đòi trả ngay, trong bối cảnh nhiều nước ngày một tức giận trước việc Bắc Kinh xử lý đại dịch, hình ảnh của Trung Quốc trên toàn cầu sẽ gặp nguy hiểm.
Uy tín toàn cầu của Trung Quốc đang bị hoài nghi. Nhiều nước công khai đòi điều tra về vai trò của Bắc Kinh trong đại dịch sau khi giới chức Trung Quốc hồi tháng 1 hạ thấp cấp độ nguy hiểm và mức độ lây lan của dịch. Một bước đi sai lầm cũng có thể khiến tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh gặp khó.
Cùng lúc, những hệ lụy về kinh tế cũng rất lớn. Viện Kiel (Đức) ước tính tổng các khoản tiền Trung Quốc cho các nước đang phát triển vay hiện vào khoảng 520 tỉ USD, trong đó phần lớn được giải ngân vài năm trở lại đây. Điều này khiến Bắc Kinh trở thành nước cho vay lớn hơn cả Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đầu tàu của hoạt động giải ngân này là sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – một kế hoạch do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng trị giá 1.000 tỉ USD, tập trung nguồn lực tài chính cho các dự án hạ tầng trên khắp thế giới và lôi kéo đồng minh trong tiến trình thực hiện. Kể từ khi được khởi động năm 2013, Trung Quốc đã dành khoản vay trị giá 350 tỉ USD cho các nước, trong đó một nửa bị coi là những “con nợ nguy cơ cao”.
Trung Quốc không chấp nhận ý tưởng xóa nợ ồ ạt, nhưng bắn tín hiệu sẵn sàng đàm phán. Một số trường hợp đã cho kết quả cụ thể. Chính phủ Kyrgyzstan trong tháng 4 cho biết Trung Quốc đồng ý tái cấu trúc các khoản nợ trị giá 1,7 tỉ USD mà không nêu thông tin chi tiết.
Những nước khác cũng đang hy vọng được giãn, hoãn nợ. “Chúng tôi không chỉ nêu vấn đề với Trung Quốc, mà với cả Nhật Bản”, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka S.R. Attygalle bày tỏ trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Ông Cũng cho biết Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã nâng hạn mức tín dụng lên 700 triệu USD để giúp Sri Lanka giải quyết khó khăn kinh tế, cùng với đó là hạ thấp lãi suất các khoản vay, kéo dài thời hạn trả nợ thêm 2 năm.
Các khoản vay đang tạo ra nhiều sức ép trong nước. Trước khi COVID-19 bùng phát, BRI đã trở thành chủ đề nhạy cảm tại Trung Quốc. Giới quan chức lo ngại việc có quá nhiều ngân hàng và công ty vung tiền vào cùng một nước mà không có sự điều phối chặt chẽ. Hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng đang gặp khó vì tích tụ nợ phình to. Trong khi đó, một bộ phận người dân bắt đầu đặt câu hỏi liệu có hợp lý hay không khi đem tiền đóng thuế của họ giải ngân ở nước ngoài.
Dường như Bắc Kinh đã đánh giá thấp nguy cơ các vấn đề tín dụng nghiêm trọng có thể tác động đến các nước đang phát triển cùng lúc. Trung Quốc vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm xử lý nợ với từng đối tác riêng rẽ, nhưng các quốc gia vay nợ lại đòi hỏi phải có nỗ lực toàn cầu lớn hơn để xử lý nợ.
Tháng 4/2020, Thủ tướng Pakistan kêu gọi các nước giàu và các thiết chế tài chính quốc tế giảm nợ cho các quốc gia đang phát triển. Hai tuần sau, Nhóm G-20, trong đó có cả Trung Quốc, tuyên bố sẽ đóng băng các khoản trả nợ đối với các nước nghèo nhất thế giới cho đến cuối năm nay.
Sức ép với Trung Quốc ngày một lớn khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày càng trầm trọng. Giới chức thạo tin về các cuộc đàm phán nợ cho biết nhiều nước đang yêu cầu Trung Quốc giãn nợ hoặc xóa nợ, nhất là các nước châu Phi.
Ethiopia, nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại châu Phi, nổi lên là người đi đầu, đại diện cho nhiều nước ở châu lục trong đàm phán nợ với Trung Quốc. Ethiopia yêu cầu Bắc Kinh hoãn các khoản trả nợ. “Tôi biết là Trung Quốc nhận thấy thách thức mà các nước đang gặp phải. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp cú sốc cùng những hệ lụy từ COVID-19, lời kêu gọi của các nước kém phát triển nhất tại châu Phi về hoãn nợ cần được ủng hộ”, Bộ trưởng Tài chính Ethiopia Eyob Tekalign Tolina bày tỏ.
Quan chức Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các dự án tại thế giới đang phát triển. Tuần trước, Pakistan phê duyệt hợp đồng xây dựng đập trị giá 5,8 tỉ USD, thông qua hình thức lập liên doanh giữa một công ty nhà nước của Trung Quốc với một đơn vị quân đội Pakistan. Thông tin chi tiết về tài chính không được công bố.
Nhưng nếu Bắc Kinh đặt ra điều kiện cao trong quá trình đàm phán ký kết, các nước là con nợ có thể sẽ tập hợp cùng nhau và tìm cách tạo ra mặt trận thống nhất. Số này có thể tiết lộ về quy mô cũng như các điều khoản trong việc tiếp cận nguồn vốn từ Trung Quốc, khiến dư luận tiêu cực bấy lâu về “bẫy nợ” Trung Quốc được dịp nổi lên.
Theo ông Scott Morris, chuyên gia cao cấp tại tổ chức tư vấn độc lập Trung tâm Phát triển Toàn cầu, Trung Quốc đang gặp phải thực tế không mấy dễ chịu. Chuyên gia này bình luận: “Khi nhìn vào mức độ cũng như quy mô các nước vay nợ có thể phá sản, đó có thể sẽ là một mối nguy hiểm rất lớn cho Trung Quốc. Liệu Trung Quốc sẽ buộc phải xóa một phần số nợ này hay họ có sẵn sàng chiếm giữ tài sản mà các nước đưa ra thế chấp tại một thời điểm nhạy cảm như hiện nay?”.