Trung Quốc lặng lẽ bố trí sớm nhân sự cấp cao?

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra "5 yêu cầu" đối với Ủy viên Bộ Chính trị, còn truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng đưa ra quan điểm để "quan bất tài" nhường chỗ cho người có tài. Rất có thể những động thái này đều là có ẩn ý.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc họp ở Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN

Tờ "Đông phương" của Hong Kong ngày 23/5 đăng bài viết nêu rõ mặc dù Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc (gọi tắt là Đại hội Đảng 19) đến cuối năm 2017 mới triệu tập, nhưng bố trí nhân sự cấp cao đang được lặng lẽ triển khai.

Báo trên viết, mọi người đều biết, bố trí nhân sự tại Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ XVIII (11/2012) là sản phẩm của sự thỏa hiệp giữa các bên, hoàn toàn không phải là cục diện mà ông Tập Cận Bình muốn có. Do vậy, tiến hành điều chỉnh bố cục nhân sự tại Đại hội Đảng XIX là công việc tất yếu mà Tập Cận Bình phải làm, hơn thế sự điều chỉnh này phải do chính Tập Cận Bình làm chủ đạo và nắm quyền điều hành toàn diện. Điều đó được thể hiện rõ từ việc điều chỉnh lớn về nhân sự trong Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan chịu trách nhiệm về khảo sát và bố trí cán bộ cấp cao của Trung Quốc, từ cuối năm 2015, nhất là việc thay đổi toàn bộ cấp phó của Ban Tổ chức Trung ương.

Bố cục nhân sự tại Đại hội Đảng XIX về cơ bản chia thành ba tầng nấc. Tầng nấc cao nhất là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, tầng nấc thứ hai là Ủy viên Bộ Chính trị, tầng nấc thứ ba là Ủy viên Trung ương, tức quan chức cấp tỉnh, cấp bộ (chủ yếu là Bí thư Tỉnh ủy và Tỉnh trưởng). Quan mới muốn "lên" buộc quan cũ phải "xuống". Trong cuộc chiến chống tham nhũng do Tập Cận Bình phát động từ sau Đại hội Đảng XVIII đến nay, một loạt quan chức cấp tỉnh, cấp bộ bị "ngã ngựa" đã để lại không ít chỗ trống, nhưng còn rất nhiều vị "quan bất tài" vẫn ngồi nguyên vị. Cách thức xử lý những quan chức bất tài không làm việc theo đúng chức trách và cương vị của mình trở thành vấn đề khó khăn đối với thế hệ lãnh đạo thứ 5 của ĐCS Trung Quốc.

Mới đây, tờ "Nhân dân nhật báo", cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc, đăng bài viết có tựa đề "Lấy năm chuyển giao lãnh đạo khóa cũ và mới của Đảng làm cơ hội, để những người không thể làm việc trao lại cương vị cho người khác". Bài viết đã đưa ra thông điệp rõ ràng. Các nhà phân tích chính trị Trung Quốc cho rằng bài viết này chứa ẩn ý trong từng nội dung. Ý nghĩa chính trong đó là những quan chức bất tài mặc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng trong đợt điều chỉnh nhân sự tại Đại hội Đảng XIX lần này cần chủ động nghỉ và tạo ra "không gian" cho những người tài, có chí hướng vươn lên. Cách làm này là chưa từng có trong lịch sử ĐCS Trung Quốc. Theo quy tắc chính trị của ĐCS Trung Quốc, quan chức nếu không phạm sai lầm có thể yên vị với chức vụ của mình cho đến tuổi nghỉ hưu. Chính quy tắc chính này đã khiến một bộ phận quan chức bất tài trên chính trường Trung Quốc nảy sinh tư tưởng tiếp tục "giữ ghế" của mình cho tới khi "hạ cánh chính trị mềm". Vấn đề đặt ra hiện nay là ai là quan chức bất tài và lấy tiêu chuẩn nào để đánh giá và phân định?.

Trước đó, ông Tập Cận Bình đưa ra 5 tiêu chuẩn đối với Ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm: trở thành chính trị gia theo Chủ nghĩa Mác-Lê có trình độ cao; chấp hành nghiêm kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị của Đảng; làm tấm gương về thực hiện tốt "tam nghiêm" (nghiêm khắc tu thân, nghiêm khắc kỷ luật, nghiêm khắc dùng quyền)và "tam thực" (làm việc thực tế, sáng tạo thực tế, làm người thực tế); tăng cường ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức cốt lõi và ý thức toàn diện; đi đầu bảo vệ quyền uy của Trung ương Đảng. Những điều này bề ngoài có vẻ chỉ như những lời nói bình thường của quan chức, nhưng trên thực tế chính là tiêu chuẩn tuyển chọn Ủy viên Bộ Chính trị khóa tới, cũng là tiêu chuẩn để phân biệt quan chức bất tài. Từ nay về sau, quan chức Trung Quốc nếu muốn được vào Bộ Chính trị đều phải trải qua thử thách chính trị của 5 yêu cầu này, nhất là yêu cầu ý thức hạt nhân và ý thức nhìn nhận toàn diện.

Ngoài ra, theo thông lệ, một trong những vấn đề quan trọng nhất tại Đại hội Đảng XIX là xác định ứng cử viên thế hệ lãnh đạo thứ 6. Nhưng do trước đó, năm vụ án lớn liên quan đến Chu Vĩnh Khang, Bạc Hi Lai, Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã khiến cho truyền thống và cục diện chính trị vốn có trên chính trường Trung Quốc bị phá vỡ. Do vậy, Tập Cận Bình liệu có xác định người kế nhiệm mình tại Đại hội Đảng XIX hay không, cũng như ứng cử viên thế hệ lãnh đạo Trung Quốc thứ 6 kế nhiệm liệu có còn là Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài hay không hiện vẫn chưa thể đưa ra được kết luận. Vì thế, theo 5 yêu cầu mà Tập Cận Bình đưa ra, ai sẽ đáp ứng được và trở thành người kế nhiệm là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
TTXVN/Tin Tức
Nước cờ nguy hiểm nhất của ông Tập Cận Bình
Nước cờ nguy hiểm nhất của ông Tập Cận Bình

Khi đi nước cờ này, nhà lãnh đạo Trung Quốc đối mặt với trở lực rất lớn, nhưng chỉ có con đường duy nhất là vượt qua nếu không muốn phải chịu trách nhiệm về sự thất bại, truyền thông Mỹ nhận định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN