Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa VXIII vừa diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 9-12/11 là hội nghị quan trọng quyết định đường lối, chủ trương của Đại hội XVIII trong vòng 5 đến 10 năm tới. Trong toàn văn thông cáo báo chí của Hội nghị có tổng cộng 59 lần nhắc đến hai chữ “cải cách”, đây là từ được nhắc đến nhiều nhất trong bản thông cáo dài hơn 5.000 chữ này. Cải cách chính là tinh thần xuyên suốt toàn bộ thông cáo, cho thấy ý nguyện và quyết tâm cải cách của Hội nghị lần này là rất lớn, bày tỏ sự mong muốn cải cách của nhân dân Trung Quốc, đồng thời thể hiện xu hướng tiếp tục đi sâu cải cách của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng để thực hiện được lộ trình cải cách sâu rộng toàn diện này, Trung Quốc sẽ còn phải đối diện với rất nhiều thách thức được cho là hóc búa nhất, khó cải cách nhất.
Hội nghị Trung ương 3 đề ra 60 hạng mục cải cách, trong đó quan trọng nhất là cải cách, trong đó quan trọng nhất là cải cách kinh tế. Ảnh: Xinhua
|
Giáo sư Đường Nhiệm Ngũ, Hiệu trưởng Học viện quản lý hành chính của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho rằng, nếu muốn cải cách thực sự sâu rộng và toàn diện, Trung Quốc cần vượt qua bốn thách thức lớn.
Thứ nhất, thời gian qua, Trung Quốc đã hình thành nhiều tập đoàn lợi ích, muốn cải cách sâu rộng toàn diện tức là phải loại bỏ được những nhóm lợi ích này. Cải cách trước đây là “dò đá qua sông”, hiện nay cải cách đã đi vào vùng nước sâu, bước vào giai đoạn khó khăn nhất, cấp bách nhất và cần thiết nhất, đã không còn đá để dò. Những lợi ích về kinh tế đã cạn kiệt, giờ đây cải cách có nghĩa là điểu chỉnh lợi ích, do vậy cần hy sinh một phần lợi ích của một bộ phận cá nhân nào đó để hài hòa lợi ích của toàn xã hội. Giảm lợi ích của các tập đoàn mạnh, tăng lợi ích cho các tập đoàn vừa và nhỏ.
Thách thức thứ hai mà Trung Quốc phải đối mặt đó là sự thay đổi về tư duy, quan niệm, có rất nhiều người do lợi ích riêng nên cho rằng không cần phải cải cách. Vì vậy mọi người cần thay đổi tư duy và quan niệm về cải cách nếu không việc cải cách sẽ gặp vô vàn khó khăn, gian khó.
Thách thức thứ ba là làm thế nào để lập ra một kế hoạch tổng thể tốt, như hội nghị đã nhấn mạnh đến tính hệ thống, sự phối hợp trong cải cách, để thực hiện được điều này nhất định phải vượt qua rất nhiều thách thức mang tính chi tiết.
Thách thức thứ tư là thách thức đối với chính quyền địa phương, bởi quyết tâm cải cách của trung ương là rất lớn, nhưng bên trong nội hàm cải cách có rất nhiều lĩnh vực liên quan đến lợi ích của chính quyền địa phương, nhất là các lãnh đạo ở chính quyền địa phương vì lợi ích cá nhân hoặc vì lợi ích của địa phương đó mà họ sẽ đi ngược lại với tinh thần của Nghị quyết cải cách sâu rộng toàn diện, thậm chí đưa ra nhiều biện pháp kìm hãm sự cải cách.
Hội nghị Trung ương 3 lần này đề ra 60 hạng mục cải cách ở các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, văn hóa, khoa học, sinh thái, an ninh…nhưng quan trọng nhất vẫn là cải cách kinh tế.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Trịnh Kiến Minh, Phó chủ nhiệm Khoa Tài chính Trường ĐH Ngoại Thương, những vấn đề kinh tế nổi cộm chưa được nhắc đến trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII, ví dụ như cải cách hệ thống tài chính đang phải đối mặt với những nguy cơ tài chính nghiêm trọng khi tổng dư nợ công trái của nước này đã tăng từ 129% GDP hồi 2008 lên tới 195% GDP hiện nay, hay thực trạng tăng giá đồng nhân dân tệ trong khi thực chất đồng nội tệ giảm giá …
Sau 35 năm cải cách, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của Trung Quốc đạt xấp xỉ 10%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 200 USD năm 1978 lên 6.000 USD năm 2012. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển là hàng loạt hệ lụy như phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường và tham nhũng.
Năm 2012, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên sau 10 năm công bố chỉ số đánh giá phân hóa giàu nghèo (Gini) của nước này đạt 0,474, vượt ngưỡng an toàn 0,4.
Trong một báo cáo công bố hồi đầu năm nay, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc thừa nhận: “Các hóa chất độc hại đã gây ra nhiều tình huống môi trường khẩn cấp có liên quan đến ô nhiễm nước và không khí. Thậm chí đã xuất hiện một số vấn đề về y tế và xã hội nghiêm trọng, như sự xuất hiện của làng ung thư tại một số địa phương”. Gần một năm kể từ khi thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc lên nắm giữ các chức vụ cao nhất đã có đến 11 quan chức cấp Bộ trở lên bị đưa ra xét xử vì liên quan đến tham nhũng.
Tường Thu(Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh)