Trung Quốc thế chỗ Nga, phương Tây trên thị trường vũ khí

Theo "Báo Độc lập" (Nga), vũ khí Trung Quốc vừa tạo được một bước đột phá tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, khiến NATO phải lo ngại ngay cả khi hợp đồng cung cấp tên lửa của Trung Quốc cho Ankara chưa được chính thức ký kết. Trung Quốc cũng đang dần tìm cách thế chỗ Nga và phương Tây trên các thị trường vũ khí châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc trưng bày một mẫu máy bay JF-17 tại Bắc Kinh hồi tháng 9/2013. Ảnh: nytimes.com


Vài năm trước đây, Trung Quốc chủ yếu chào bán các loại súng, song hiện nay đã đưa ra vũ khí và khí tài công nghệ cao như các loại thiết bị bay không người lái, khu trục hạm và máy bay tiêm kích. Trong đó, không ít vũ khí tối tân của Trung Quốc được sản xuất trên cơ sở liên doanh cùng Pakistan.

Hợp đồng Trung Quốc vừa ký với Thổ Nhĩ Kỳ thêm một lần nữa gây ra "làn sóng" trong ngành công nghiệp vũ khí thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ mời thầu cung cấp tổ hợp tên lửa chống máy bay với giá trị khoảng 4 tỷ USD. Các công ty xuất khẩu vũ khí của Mỹ và phương Tây đều bỏ thầu và Nga cũng tham gia với việc chào hệ thống tên lửa S-300.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là Ankara lại chọn "China Precision Machinery Export - Import Corporation", một công ty Trung Quốc hoàn toàn ít tiếng tăm trên thị trường vũ khí thế giới. Quyết định này vừa được Ủy ban thừa hành của nền công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông qua. Thành phần của ủy ban này gồm Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu các Bộ Tổng Tham mưu.

Quyết định của Ankara giáng một đòn đau vào nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh của cả Mỹ và phương Tây vì Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt một thời gian dài sử dụng hệ thống phòng không Patriot do các công ty Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ cung cấp. Các tổ hợp tên lửa này tương thích hoàn toàn với hệ thống phòng không mà các nước thành viên NATO khác đang sử dụng.

Ngược lại, tổ hợp tên lửa HQ-9 do Trung Quốc sản xuất không thể kết hợp được với các loại khí tài của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương. Bên cạnh đó, công ty này của Trung Quốc còn đang bị Mỹ áp dụng lệnh cấm vận vì cung cấp vũ khí và công nghệ cho Iran, Syria và Triều Tiên.

Washington phát đến Ankara thông điệp quan ngại sâu sắc trước hợp đồng này, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ chưa đặt bút ký hợp đồng chính thức. Vì vậy, trước sức ép của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải từ bỏ, mặc cho luồng dư luận trong nước ủng hộ một thỏa thuận mua sắm vũ khí với Trung Quốc để đảm bảo an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn có khả năng thắng thầu vì đưa ra mức chào giá thấp hơn 30% so với các đối thủ cạnh tranh. Dù hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ có thành công hay không thì đây vẫn được xem là một bước tiến lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vì từ trước đến nay nước này vẫn chỉ được biết đến với các loại súng thông thường.

Hiện Trung Quốc đã bắt đầu chuyển sang cung cấp khí tài dựa trên nền tảng công nghệ cao và chủ yếu cấp cho các nước đang phát triển. Các công ty của Nga là một trong những đối thủ cạnh tranh bắt đầu phải chịu áp lực từ phía Trung Quốc.

Trao đổi với "Báo Độc lập", chuyên gia Vasili Kashin của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga nhấn mạnh hệ thống tên lửa của Trung Quốc dựa một phần trên nền tảng công nghệ của phương Tây mà nước này đánh cắp được qua Israel và một phần sao chép bí kíp công nghệ của Nga qua các hợp đồng mua sắm vũ khí tối tân.

Trong một cuốn sách vừa xuất bản mới đây về nền công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, chuyên gia này cho biết ở một số lĩnh vực nhất định, công nghệ Trung Quốc thậm chí còn vượt cả Nga, ví dụ như máy bay không người lái, một số loại pháo và máy bay vận tải.

Tuy nhiên, về cơ bản, trong lĩnh vực máy bay chiến đấu, Trung Quốc vẫn chưa thể tạo ra mối đe dọa đối với Nga. Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ trong sao chép công nghệ, song Trung Quốc chưa thể tìm ra công thức chế tạo động cơ tiên tiến và một số thiết bị điện tử hiện đại.

Theo nghiên cứu của Viện Stockholm, từ năm 2008 - 2012, khối lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng 162% so với 5 năm trước đó. Trung Quốc đã trở thành một trong 5 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới sau khi vượt qua Anh.

Một vị tướng quân đội đã nghỉ hưu của Trung Quốc hiện đang giữ chức Giám đốc Hiệp hội kiểm soát vũ khí cho biết thế mạnh của các công ty Trung Quốc trước đối thủ chính là giá cả cạnh tranh và không lồng ghép đòi hỏi chính trị như các nhà cung cấp phương Tây.

Hiện khách hàng lớn nhất của Trung Quốc là Pakistan đồng thời quốc gia này cũng là đối tác liên doanh sản xuất máy bay tiêm kích, khu trục hạm và các loại xe tăng.


Thanh Tú
Liệu Mỹ có chặn được tên lửa Trung Quốc trên biển Hoa Đông?
Liệu Mỹ có chặn được tên lửa Trung Quốc trên biển Hoa Đông?

Mỹ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa tiềm năng của Trung Quốc trên biển Hoa Đông nếu nước này triển khai thành công hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo tầm cao (THAAD) tại Hàn Quốc, theo tờ Thời báo Hoàn cầu được Wantchinatimes dẫn lại ngày 20/10.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN