Theo mạng tin Wen Wei Po (Hong Kong), Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang nghiên cứu hệ thống chống tàu 3D - chống ngầm, trên mặt biển và máy bay trong bối cảnh các tàu ngầm của Mỹ và Nhật Bản tăng cường hoạt động xung quanh quần đảo đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Tàu ngầm của Hải quân Nhật Bản. Ảnh: en.wikipedia. |
Shi Hong, một chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh phải cần thêm các loại máy bay cánh cứng bởi vì phạm vi tuần tra của máy bay trực thăng nước này rất hạn chế.
Gần đây, một số máy bay vận tải Y-8 của PLA đã được cải tiến thành máy bay chống ngầm Gaoxin-6 với nhiều tính năng hiện đại hơn và tầm họat động xa hơn. Vì vậy, lực lượng không quân thuộc Hải quân Trung Quốc có thể thực hiện tác chiến chống ngầm cũng như hoạt động ở chuỗi đảo thứ 2, bao gồm các nhóm đảo trải dài từ phía bắc xuống phía nam quần đảo Nhật Bản nối với các đảo Bonin và Marshall.
Shi nói thêm rằng các máy bay tuần tra, trực thăng chống ngầm, tàu chiến, tàu ngầm và hệ thống giám sát siêu thanh dưới biển sẽ là vũ khí chủ yếu để giám sát hoạt động của tàu ngầm Mỹ, Nhật, nhưng nước này vẫn chưa có một hệ thống giám sát tinh vi, hiện đại.
Trong khi đó, theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, Lực lượng Hải quân Nhật Bản đang lên kế hoạch tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc tới năm 2021. Quy mô hạm đội tàu ngầm của Tokyo sẽ được mở rộng với việc sử dụng thêm tàu ngầm chạy bằng năng lượng điện- diesel lớp Soryu có thể hoạt động liên tục dưới nước gần 2 tuần và lớp tàu ngầm đầu tiên của Nhật sẽ được trang bị thêm động cơ đẩy không khí độc lập (AIP).
Tàu ngầm Soryu có sức mạnh hơn hẳn so với các loại tàu ngầm lớp Harushio, lớp Narushio trước đó vì nó được trang bị ngư lôi loại 89 và các tên lửa chống tàu UGM-84 Harpoon. Vì thế, Tokyo chỉ cần tàu ngầm thông thường lớp Soryu mà không cần tàu ngầm hạt nhân cũng đã là mối đe dọa lớn đối với các tuyến đường lưu thống hàng hải của Bắc Kinh.
Để đối phó với các tàu ngầm của Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm năng, Nhật Bản mới đây đã đặt mua máy bay P-1 của Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki để thay thế máy bay P-3C do Mỹ chế tạo. Tập đoàn này đã bàn giao 2 chiếc P-1 cho hải quân Nhật Bản vào đầu năm nay. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã trang bị máy bay vận tải cánh cứng Izumo có khả năng mang theo các máy bay trực thăng chống ngầm 14 SH-60K tham gia cuộc chiến.
Với Mỹ, nước này đang triển khai thêm tàu ngầm tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong chiến lược “xoay trục” của mình. Riêng tại căn cứ hải quân ở Yokosuka (Nhật) đã có từ 5 đến 6 chiếc tàu ngầm thuộc Hạm đội 7. Năm tới, Washington dự định điều thêm 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân đến đảo Guam.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã leo thang xung quanh tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo tại khu vực này. Bắc Kinh đã tăng cường các tàu cảnh sát biển và máy bay không người lái tuần tra quanh khu vực tranh chấp khiến Tokyo nhiều lần lên tiếng phản đối.
Vũ Thanh