Tờ “Der Spiegel” (Đức) số ra mới đây đã đăng bài bình luận với tiêu đề “Tiếng 'không' của Hà Lan: người Ukraine tức giận, Điện Kremlin sung sướng, châu Âu bị tê liệt”. Theo bài báo, cuộc trưng cầu ý dân ở Hà Lan về Hiệp định liên kết Ukraine với EU đem lại niềm vui sướng cho Moskva- kẻ thù ghét phương Tây. Tuy nhiên, Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, không liên tưởng kết quả bỏ phiếu nói trên như là “thắng lợi của Putin”. Ông nói: “Đây hoàn toàn là việc nội bộ của Hà Lan. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân thể hiện thái độ của người dân Hà Lan đối với một vấn đề cụ thể: có nghĩa là người dân Hà Lan có thắc mắc, có sự thiếu tin tưởng. Họ phát tín hiệu về sự thiếu niềm tin của mình”.
Mặc dù vậy, nếu Brussels thực sự ngừng việc kết nạp Ukraine thì Moskva sẽ đạt được một trong những mục tiêu đối ngoại quan trọng nhất của mình. Hơn nữa, Điện Kremlin thậm chí vẫn có lợi nếu EU tiếp tục xích lại với Ukraine: chỉ cần EU bắt đầu lớn tiếng chỉ trích thực trạng dân chủ ở Nga thì Kremlin sẽ trả miếng ngay rằng bản thân châu Âu cũng chẳng mấy tôn trọng ý nguyện của người dân.
Băng rôn ghi dòng chữ “167 tỉ USD bị đánh cắp tại Ukraine qua các quỹ ‘ma’ hải ngoại. Nhưng còn bao nhiêu nữa?” được treo ngay trong nghị trường Ukraine hôm 12/4. |
Trong khi đó với Ukraine, kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Hà Lan là một đòn nặng nề bởi vấn đề xích lại với EU là điều không cần phải tranh cãi đối với tất cả các lực lượng chính trị của Ukraine, còn đối với Tổng thống Petro Poroshenko thì việc hướng về châu Âu là một dạng “mỏ neo của các cuộc cải cách”. Mustafa Najem, tác giả của các loạt bài điều tra báo chí và là đại biểu Quốc hội Ukraine, đã đổ lỗi cho người đứng đầu nhà nước mình về thất bại này. Theo ông, đây là “luận điểm chống cá nhân Poroshenko”. Chủ tịch Quốc hội Ukraine Vladimir Groisman đã phản ứng bằng lời hứa rằng Kiev sẽ “sửa chữa các sai lầm và phát ra một tín hiệu rõ ràng với cộng đồng quốc tế rằng Ukraine vẫn vững bước tiến theo con đường cải cách châu Âu”.
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân không chỉ nói lên mong muốn chối bỏ EU ở hình thức như hiện nay mà về tổng quan thể hiện sự khước từ nguyên tắc về một châu Âu thống nhất dựa trên những giá trị chung. Kết quả này còn có thể khuyến khích ông Putin mạnh mẽ hơn nữa trong việc đẩy Ukraine vào sự hỗn loạn, đánh bật quốc gia láng giềng bướng bỉnh ra khỏi con đường châu Âu và ép nước này quay lại thuần phục Nga.
Phải thừa nhận rằng đối với Ukraine, triển vọng gia nhập EU và được hưởng quy chế miễn thị thực rất mù mịt, ngay cả khi không có sự phản đối của Hà Lan. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ được hứa hẹn nhiều điều trong cuộc đàm phán về vấn đề di cư thì Ukraine vẫn bị bỏ mặc cho số phận. Giai cấp chính trị ở Ukraine gây ra mọi điều khiến hy vọng được gia nhập EU của đất nước bị dập tắt. Chính phủ ngập trong cơn khủng hoảng nặng nề đang cản trở các cuộc cải cách cần thiết. Thêm vào đó, Tổng thống Poroshenko còn bị dính vào vụ "Hồ sơ Panama".
Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ đen tối của Ukraine thì phương Tây cũng không được quay lưng với Ukraine. Nếu châu Âu để cho Ukraine rơi vào vực thẳm thì chính châu Âu sẽ đặt dấu chấm hết cho tương lai dân chủ của mình. Tờ "Le Figaro" (Pháp) bình luận: "Mặc dù kết quả cuộc thăm dò ý dân ở Hà Lan không thuyết phục lắm do tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp (32,2%) và chỉ mang tính tham khảo, song ‘không’ thì vẫn là ‘không’, và kết quả này làm tê liệt các chính sách khác của EU. Điều này nhạy cảm hơn cả đối với Anh vì chỉ còn 76 ngày nữa là đến thời điểm bỏ phiếu về việc ở lại EU hay không".