Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine có hiệu lực, hàng loạt vụ nổ đã xảy ra ở phía đông thành phố Mariupol, trong khi tiếng đạn pháo rền vang tại một khu vực ở phía bắc Donetsk. Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi liên bang hóa đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Điều đó cho thấy thỏa thuận mới đạt được là vô cùng mong manh và một giải pháp hòa bình thực sự cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn còn xa vời.
Xe quân sự Ukraine trên tuyến đường ở ngoại ô thành phố Mariupol trong khi cư dân sơ tán khỏi khu vực xảy ra các tiếng nổ tối 6/9. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Việc thỏa thuận ngừng bắn bị vi phạm ngay khi còn chưa ráo mực là điều không bất ngờ bởi trước đó, nhiều kế hoạch ngừng bắn khác cũng có “chung số phận” do các bên không tuân thủ nghiêm túc. Không ít nhà quan sát ví von rằng việc ngừng bắn chỉ nhằm tạo ra "khoảng lặng" ngắn ngủi để hai bên "băng bó vết thương" trước khi lao vào cuộc chiến mới khốc liệt hơn.
Thỏa thuận có tới 14 điểm được nhắc tới trong thỏa thuận đạt được tại Minsk (Belarus), bao gồm việc các bên tham chiến sẽ nhanh chóng rút quân, tiến hành trao đổi tù binh (có thể trong vòng 7 ngày) và cho phép các đoàn xe chở hàng cứu trợ nhân đạo của Nga vào lãnh thổ Ukraine….
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điểm mập mờ, như việc các bên chưa rõ sẽ rút quân từ vị trí nào. Trong khi lực lượng đòi liên bang hóa yêu cầu quân đội Ukraine phải rút binh lính ngay lập tức, thì chính quyền Kiev lại yêu cầu quân đội Nga và lính đánh thuê phải rút về nước - điều mà Nga luôn phủ nhận là vô căn cứ.
Ngoài ra, việc lực lượng nào sẽ giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn cũng chưa được xác định rõ ràng. Hơn thế nữa, một vấn đề đáng lo ngại khác là việc kiểm tra các đoàn xe cứu trợ của Nga và kiểm soát đường biên giới Ukraine -Nga sẽ được thực hiện dưới hình thức nào. Cuối cùng, trong khi các cuộc thảo luận chính trị giữa các bên tham chiến vẫn chưa được bắt đầu thì lãnh đạo của lực lương đòi liên bang hóa tuyên bố vẫn giữ nguyên yêu sách đòi độc lập cho các vùng ở miền Đông Ukraine.
Tất cả những vấn đề trên lý giải tại sao dư luận lại tỏ ra lạc quan thận trọng, nếu không muốn nói là nghi ngờ, về hiệu quả của thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký kết. Nhiều binh lính Ukraine, hiện đã mệt mỏi vì gần nửa năm nội chiến, tỏ ra bi quan khi cho rằng lệnh ngừng bắn chỉ giúp kéo dài thời gian để các tay súng ở miền đông củng cố lực lượng. Trong khi đó, người dân ở Donetsk nói rằng việc chính quyền Kiev chấp nhận ngừng bắn là do lực lượng ở miền đông phản công mạnh mẽ và giành ưu thế trên chiến trường.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong cuộc họp báo trong khuôn khổ cuộc họp thượng đỉnh của NATO ở Newport, xứ Wales (Anh). Ảnh: AFP-TTXVN |
Ngay chính Mỹ cũng hoài nghi về lệnh ngừng bắn này. Phát biểu tại cuộc họp báo ở xứ Wales (Anh) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Barack Obama không hề giấu giếm khi tuyên bố: "Chúng tôi hy vọng, nhưng dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ, chúng tôi cũng hoài nghi".
Chính vì vậy, để duy trì áp lực đối với Nga, Tổng thống Obama cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn tất các biện pháp "nhằm mở rộng và tăng cường trừng phạt đối với các ngành ngân hàng, năng lượng và quốc phòng của Nga".
Đáp lại những lời đe dọa trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng các nước phương Tây không nên có bất kỳ hành động gây hấn nào nữa đối với Nga bởi Moskva có thừa khả năng đáp trả. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh rằng kiềm chế chính quyền Ukraine mới là nhiệm vụ cấp bách của Mỹ và Washington cần phát đi tín hiệu với Kiev rằng phải chuyển sang một quy trình chính trị chứ không phải là vũ lực để giải quyết khủng hoảng.
Có thể khẳng định rằng khi Mỹ và phương Tây đang rục rịch tung ra các đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga và các tay súng tại miền đông vẫn không từ bỏ quyết tâm theo đuổi nền độc lập của mình thì tìm ra lời giải cuối cùng cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine càng không phải là công việc dễ dàng.
Những diễn biến mới ở cả trong lẫn ngoài khu vực chiến sự cho thấy còn rất nhiều khó khăn để có thể đi đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề Ukraine. Những bước đi của NATO trong việc đối phó với Nga và sự kiên trì, cứng rắn của Tổng thống Nga Putin sẽ tiếp tục là đề tài làm tốn nhiều giấy mực của báo giới. Sự tranh giành ảnh hưởng của Nga và phương Tây đối với Ukraine, quốc gia vốn có vị trí địa - chiến lược nhạy cảm, sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên phức tạp và chưa thể sớm tìm ra lối thoát.
Thanh Bình