“Mũ bảo hiểm trắng”
White Helmets do James Le Mesurier, một cựu nhân viên tình báo quân đội Anh thành lập năm 2013. Đây là một tổ chức được mô tả là không vũ trang, trung lập, gồm hơn 3.000 tình nguyện viên làm nhân viên cứu hộ hoạt động tại các khu vực do phe đối lập Syria kiểm soát. Mỗi khi xảy ra một vụ không kích nào đó, các thành viên White Helmets lại hối hả các hoạt động tìm kiếm và giải cứu để giúp đỡ người dân gặp nạn.
Một tình nguyện viên White Helmets. Ảnh: Whitehelmets.org |
White Helmets lấy tên chính thức là Syria Civil Defence (Bảo vệ dân thường Syria) từ khi số thành viên tăng mạnh và hoạt động rộng khắp ở 8 tỉnh Syria.
Theo trang Wikipedia, sứ mệnh mà White Helmets công bố là “cứu số người lớn nhất trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể và giảm thiểu thương vong cho người và thiệt hại cho tài sản”. Công việc của họ gồm 15 nhiệm vụ bảo vệ dân thường được liệt kê trong luật nhân đạo quốc tế. Chủ yếu họ giải cứu người dân mắc kẹt trong chiến sự, sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, cung cấp một số dịch vụ thiết yếu.
Ngoài ra, White Helmets còn tham gia sửa chữa các công trình như tòa nhà bị hư hỏng, nối lại đường nước và đường điện, dọn dẹp đường sá, dạy trẻ em về nguy hiểm của các loại vũ khí chưa phát nổ, cứu hỏa, cứu trợ vào mùa đông…
Một hoạt động chính nữa của White Helmets là quay phim, chụp ảnh về những gì đang diễn ra ở Syria. Đây chính là hoạt động khiến White Helmets gây tranh cãi lớn.
Hoạt động của White Helmets được đánh giá là nhiều rủi ro vì nằm vùng trong các khu vực chiến sự. Tính tới năm 2016, 159 thành viên White Helmets đã thiệt mạng.
Tính đến năm 2015, White Helmets có ngân sách hàng năm là 30 triệu USD. Phần lớn số tiền có được là do các nhà tài trợ đóng góp và gây quỹ. Tình nguyện viên White Helmets hoạt động toàn thời gian nhận 150 USD/tháng.
Tổ chức này có văn phòng điều phối ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria ở Gaziantep và một trung tâm tập huấn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có khoảng 100 tình nguyện viên nữ làm việc cho White Helmets.
Góc nhìn phương Tây
Trong mắt báo chí và dư luận phương Tây, White Helmets được mô tả như những anh hùng xả thân vì hoạt động nhân đạo ở Syria. Nhờ những hoạt động thành công của White Helmets, các nước phương Tây ngày càng rót nhiều tiền vào tổ chức phi chính phủ này.
White Helmet từng được lên trang bìa tạp chí TIME số ra ngày 17/10. Tờ New York Times liên tục ca ngợi White Helmets nhiều năm nay. Tổ chức này từng nhận giải thưởng Right Livelihood năm 2016. Hãng phim Netflix còn làm hẳn một bộ phim tài liệu đặc biệt về White Helmets. White Helmets cũng từng được đề cử Giải Nobel Hòa bình 2016.
Năm 2017, White Helmets được Tổ chức Người tị nạn quốc tế trao giải thưởng Nhân đạo McCall-Pierpaoli. Các tình nguyện viên nữ được trao giải Theirworld Hope của tổ chức từ thiện trẻ em Theirworld. Tình nguyện viên Manal Abzeed được tạp chí Fortune liệt kê vào danh sách “Những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” năm 2017.
Cùng trong năm đó, tạp chí Politico đưa Khaled Omar Harrah, một thành viên nổi tiếng của White Helmets ở Aleppo vào danh sách 28 người “định hình, tác động và khuấy đảo châu Âu”. Sau khi Harrah thiệt mạng ở Aleppo hồi tháng 8/2016, ông này đã được khắc họa là nhân vật chính trong phim Last Men in Aleppo.
Một thành viên nổi tiếng khác là Mohammet Abu Kifah, người đã cứu một đứa bé khỏi đống đổ nát ở Idlib. Sau khi anh này chết ngày 12/8/2017 ở tuổi 25, cuộc đời Kifah đã được ca ngợi trên chương trình Last Word của kênh BBC Radio 4.
Sự thật về White Helmets
Trái với hình ảnh anh hùng đẹp đẽ trên truyền thông phương Tây, White Helmets trở nên xấu xí trong con mắt truyền thông Nga và Syria.
Hãng thông tấn Syria SANA nhận định: White Helmets là một trong những bộ mặt âm mưu bịa đặt chống Syria mà nhiệm vụ chủ yếu là làm giả thông tin, bịa đặt những lời nói dối để phục vụ lợi ích của những nước thù địch với Syria.
Một bức ảnh bóc mẽ sự dàn dựng của White Helmets. |
Trung tâm Điều phối Nga ở Hmeimim đầu tháng 4/2018 đã cảnh báo rằng tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra phối hợp với White Helmets đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân thường và đổ lỗi cho quân đội Syria. Theo đó, Jabhat al-Nusra đã mang hơn 20 ống khí clo tới một địa điểm tên là Saraqib và White Helmets đã luyện tập dựng hiện trường giả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Trong cuộc luyện tập, họ diễn cảnh cấp cứu dân thường trong khi mặc thiết bị bảo hộ cá nhân, đồng thời tuyên bố rằng họ đang cứu mạng những người dính khí độc.
Theo SANA, mục đích của James Le Mesurier khi thành lập White Helmets là sử dụng tổ chức này để làm công cụ tuyên truyền nhằm giành sự cảm thông của dư luận quốc tế về những thảm họa nhân đạo giả tạo, đồng thời sử dụng điều đó làm cái cớ để tấn công Syria.
Tháng 12/2016, sau khi quân đội Syria đã giải phóng khu vực phía đông Aleppo, bản chất thật của White Helmets đã bị phơi bày. Sau khi rà soát khu vực phía đông, quân đội Syria đã phát hiện trong sào huyệt của al-Nusra một lượng lớn chất độc và nhà tù mà nhóm này sử dụng cùng White Helmets để lợi dụng dân thường bị cầm tù vào mục đích tuyên truyền.
Các đơn vị công binh Syria ngày 11/1/2017 cho biết chất hóa học có nguồn gốc Saudi Arabia được tìm thấy trong kho đã được các tổ chức khủng bố vũ trang sử dụng ở Aleppo để tấn công khu vực dân cư.
Năm 2017, tổ chức Bác sĩ Thụy Điển vì nhân quyền đã tiết lộ rằng White Helmets đã phạm tội ác dã man chống dân thường và cố ý giết hại trẻ em để dùng các em trong video dàn dựng về vụ tấn công vũ khí hóa học, có thể là ở Khan Sheikhoun hoặc ở nơi khác.
Một khủng bố tên là Walid Hendi đã thú nhận rằng hắn đã làm việc cho một tổ chức khủng bố ở Đông Aleppo dưới cái ô của White Helmets. Hắn đã tham gia giả mạo video và hình ảnh về các vụ tấn công hóa học để đổi lấy tiền.
Mới đây nhất, vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở Douma (Syria) ngày 7/4 cũng bị Nga tố là tác phẩm của White Helmets. Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu tuyên bố đây là sự kiện bị dàn dựng bởi những kẻ khiêu khích làm việc cho White Helmets. Ông cho biết các điều tra viên Nga không thấy thi thể nào hay ai cần điều trị, trong khi theo vô số video, hình ảnh, thông tin từ White Helmets, 40 người chết sau vụ tấn công ở Douma.
Vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Douma đã trở thành cái cớ để Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng minh Anh, Pháp đồng loạt nã 110 quả tên lửa vào Syria ngày 13/4. Nhiều nước trên thế giới đã lên án hành động vô cớ tấn công một quốc gia thành viên LHQ này.