Mặc Mỹ sốt sắng, các đồng minh chần chừ không tấn công Syria

Lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Israel dường như không mấy mặn mà với giải pháp không kích Syria, hoàn toàn trái ngược với tuyên bố 'đáp trả' của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters

Ngày 12/4, Thủ tướng Anh Theresa May đã triệu tập một cuộc họp khẩn Nội các để bàn thảo về phương án quân sự nhằm đối phó với Syria.

Mặc dù Thủ tướng May ám chỉ bà muốn Anh cùng tham gia các cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm đám trả cuộc tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học xảy ra ở ngoại ô Damascus, tuy nhiên công tác thảo luận vẫn đang được tiến hành. 

Bộ Quốc phòng Anh từ chối bình luận về thông tin tàu ngầm Hải quân Hoàng gia mang theo tên lửa hành trình khởi hành tiến về lãnh hải Syria. Các nhà lập pháp đối lập Anh cũng đang kêu gọi Quốc hội bỏ phiếu thông qua giải pháp quân sự. 

Trong một diễn biến liên quan, Pháp tuyên bố quyết định xem có triển khai tấn công quân sự hay không sẽ được đưa ra trong vài ngày tới. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định cuộc tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học ở Douma đã vượt quá “giới hạn đỏ” mà Pháp đề ra.

Phát biểu trước giới phóng viên tại Romania, Ngoại trưởng Le Drian cho biết: “Chúng tôi chắc chắn, như Tổng thống đã nói, tình hình Syria không thể được bỏ qua”.

Khi được hỏi liệu các quyết định của Pháp có bị chính sách của Mỹ ảnh hưởng, Ngoại trưởng Le Drian trả lời: “Pháp tự chủ trong mọi quyết định”.

Không chỉ có Anh và Pháp, Israel mặc dù thể hiện quan điểm cứng rắn với Syria từ vụ tấn công tình nghi bằng vũ khí hóa học, song giới chức an ninh cấp cao nước này cũng bày tỏ lo ngại có thể trở thành mục tiêu tấn công của Syria hoặc Iran nếu như Mỹ thực sự triển khai hành động quân sự đối với lực lượng chính quyền Damascus.

Theo hãng thông tấn Anh Reuters, một thành viên Nội các phụ trách an ninh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các chuyên gia quân sự của Israel đã bày tỏ lo ngại rằng việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày càng lún sâu vào cuộc nội chiến kéo dài sẽ tạo ra mối nguy trực tiếp đối với Israel.

Ngày 11/4, Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman và người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự đã có buổi gặp gỡ riêng trước khi một phiên họp an ninh của nội các được tiến hành.

"Chúng ta phải sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản nào. Iran là một đối thủ nguy hiểm và nghiêm trọng mà chúng ta không nên xem thường. Tôi sẽ không đi vào chi tiết kế hoạch, nhưng chúng ta luôn giữ liên lạc với Mỹ. Họ là đối tác chiến lược của chúng ta, và các cơ sở quốc phòng của chúng ta giữ mối liên lạc với họ”, Zeev Elkin, một thành viên nói trên Đài phát thanh Quân đội trước khi bước vào cuộc họp.

Về phần mình, Trung Quốc thể hiện thái độ sẵn sàng ủng hộ Nga trước áp lực từ Mỹ.

Hãng thông tấn Tass đưa tin trong chuyến thăm tới Moskva mới đây để gặp người đồng cấp Nga Sergey Shoigu, tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khẳng định: “Chuyến thăm của tôi cho cả thế giới biết sự phát triển cấp cao trong mối quan hệ song phương và quyết tâm chắc chắn của lực lượng vũ trang hai quốc gia đẩy mạnh hợp tác chiến lược”.

Ông Ngụy Phượng Hòa bổ sung rằng ông dự hội thảo an ninh do người đồng cấp Nga tổ chức vào ngày 4/4 để “Mỹ thấy mối quan hệ thân thiết giữa lực lượng vũ trang Nga và Trung Quốc, đặc biệt là trong tình hình hiện nay”.

Ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Nga rằng Washington sẽ có hành động đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của Syria khiến hơn 40 người thiệt mạng, mà Washington cho rằng chính quyền Damascus là chủ mưu. 

Trong tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cảnh báo Moskva nên "chuẩn bị sẵn sàng" trước "các tên lửa đang tiến đến" của Mỹ. Theo ông Trump, các tên lửa mà Mỹ sử dụng sẽ là các loại "mới và thông minh". 

Mỹ cũng đã triển khai tàu sân bay USS Harry S. Truman cùng tàu khu trục U.S.S. Donald Cook trang bị tên lửa dẫn đường tiến về vùng biển Syria.

Tuy nhiên, theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders, Tổng thống Trump chưa có quyết định cuối cùng về phản ứng của Mỹ trong vụ việc này. Bà Sanders nêu rõ Tổng thống Trump đang cân nhắc và đánh giá nhiều phương án, trong đó có hành động quân sự.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Hiệu ứng này lý giải nguyên nhân Tổng thống Trump 'đổi giọng' về Syria
Hiệu ứng này lý giải nguyên nhân Tổng thống Trump 'đổi giọng' về Syria

Tổng thống Donald Trump từng lớn tiếng chỉ trích sự can dự quân sự của Mỹ tại Syria dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Nhưng cũng chính ông, sau khi đắc cử đã ra lệnh dội tên lửa Tomahawk xuống Syria năm 2017 và vừa cảnh báo sẽ sử dụng các loại tên lửa thông minh để "xử lý" Damascus.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN