Tờ "Dân
tộc" (Thái Lan) số ra cuối tuần đăng bình luận về vai trò của quân đội
Thái Lan trong nền chính trị nước này, trong đó nói rằng tất cả các phe phái
chính trị đang cố gắng ganh đua nhằm giành được sự ủng hộ của quân đội.
Theo báo trên, đứng
trước một cuộc đối đầu căng thẳng về chính trị, phe đối lập đang cố gắng giành
được sự ủng hộ của quân đội như một "phần thưởng" có giá trị. Điều
này có vẻ như kỳ lạ, nhưng thực tế quân đội Thái Lan luôn là một phần cố định
trong nền chính trị của nước này, dù cho tất cả các nhân vật cấp cao - gồm cả
các tướng lĩnh chóp bu - đều luôn nói rằng "quân đội sẽ ở trong doanh
trại".
Phe "Áo Đỏ" biểu tình ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 19/5. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cuộc chiến giữa cựu
Thủ tướng Thaksin Shinawatra và các đối thủ của ông ta năm 2005 đã kết thúc
bằng một cuộc đảo chính một năm sau đó. Sau khi chính quyền quân sự chấm dứt
vai trò vào năm 2007, tranh chấp chính trị lại diễn ra căng thẳng qua nhiều
chính phủ dân sự liên tiếp từ năm 2008 đến năm 2010.
Phe Áo vàng thực
hiện các cuộc biểu tình trên đường phố và đẩy chúng lên đỉnh điểm vào tháng
10/2008 bằng việc phong tỏa hai sân bay Suvarnabhumi và Don Muang ở thủ đô Bangkok (Băng Cốc). Phe Áo đỏ cũng xuống đường biểu tình trong
năm 2009 và năm 2010, gây nhiều thiệt hại về người trong hàng loạt vụ bạo lực.
Hai tư lệnh lục
quân, Tướng Sonthi Booyaratglin và Tướng Anupong Paochinda, là những nhân vật
then chốt trong các cuộc xung đột chính trị trên. Và người chỉ huy lực lượng
lục quân hiện nay, Tướng Prayuth Chan-ocha, đang cố gắng giữ đội quân của ông
tránh tham gia với các bên đối đầu.
Liệu ông có thành
công hay cũng thất bại như hai người tiền nhiệm? Câu trả lời còn đang bỏ ngỏ.
Điều quan trọng là ông ta sẽ giữ thái độ trung lập được bao lâu khi tất cả các
bên đều nhìn quân đội dưới những góc độ của sắc màu chính trị.
Phe Áo đỏ và Áo vàng,
cũng như đảng cầm quyền Vì nước Thái hay đảng Dân chủ đối lập, tất cả đều chơi
con bài quân đội nhằm phục vụ động cơ chính trị của từng bên. Bất chấp một kết
quả bầu cử rõ ràng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, phe chống đối và ủng hộ
chính phủ đều cố gắng đưa ra các vấn đề như hòa giải và thay đổi hiến pháp, có
liên quan tới việc ân xá cho ông Thaksin.
Tướng Prayuth đang
đứng giữa vòng xoáy của cơn bão chính trị. Đảng Vì nước Thái và đồng minh Áo đỏ
đang quyết tâm thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp, điều sẽ dẫn tới việc ân xá cho
ông Thaksin.
Trong khi đó, phe
đối lập - gồm đảng Dân chủ và những người Áo vàng - lại luôn chống đối vấn đề
này một cách quyết liệt.
Căng thẳng đang được
đẩy lên, bằng chứng là xuất hiện ngày càng nhiều các vụ tranh cãi pháp lý có
động cơ chính trị và sự gia tăng số lượng các cuộc mít tinh chính trị. Cuộc đọ
sức cuối cùng giữa các bên chống đối và ủng hộ chính phủ có thể sẽ diễn ra cùng
với cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới vào năm tới.
Phe ủng hộ chính phủ
vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với Tướng Prayuth thông qua các nhân vật như Bộ trưởng
Quốc phòng Sukumpol Suwanatat và Bí thư Quốc phòng thường trực, Tướng Sathian
Permtong-in, người ủng hộ phe Áo đỏ.
Các thủ lĩnh Áo đỏ,
gồm Jatuporn Promphan và Kokaew Pikulthong, liên tục dựa trên các bình luận
chống đảo chính để kiềm chế và cảnh báo quân đội.
Phe chống chính phủ,
đặc biệt là Liên minh Nhân dân vì Dân chủ, thường xuyên nhắc nhở quân đội về
những nhiệm vụ thiêng liêng của họ là bảo vệ tổ quốc và duy trì thể chế quân
chủ lập hiến trong một nỗ lực nhằm gây sức ép với các binh lính.
Tuần trước, đảng Dân
chủ đã bày tỏ sự thất vọng đối với ông Prayuth và các tư lệnh hàng đầu về việc
ủng hộ chính phủ liên quan tới đề nghị của NASA muốn sử dụng căn cứ U-tapao làm
nơi nghiên cứu thời tiết.
Đối mặt với sức ép
này, Tướng Prayuth dường như đã chọn một chiến lược làm hài lòng tất cả các bên
trong khi vẫn giữ sự lựa chọn thực tế bên mình. Ông ta đã phái cấp phó của mình
là Tướng Dapong Ratanasuwan tới "hòa giải" với phe đối lập và tham
mưu trưởng của ông là Tướng Sirichai Distakul theo dõi diễn biến chính trị,
đồng thời phối hợp với phe ủng hộ chính phủ.
Dưới sự giám sát của
ông Prayuth, Bộ chỉ huy hoạt động an ninh nội bộ đã giữ im lặng, trong khi phe
đối lập tổ chức các phong trào rầm rộ nhằm tác động tới tình cảm của nhân dân.
Báo "Dân
tộc" kết luận: Dường như Tướng Prayuth đã chọn vai trò của một quan sát
viên chờ đợi thời gian nghỉ hưu, chứ không tham gia vào việc chấm dứt sự chia
rẽ xã hội ngày càng sâu sắc hiện nay ở Thái Lan.
TTXVN/Tin Tức