Vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ được hóa giải thông qua LHQ?

Trong ngày 30/11 (giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết ban hành lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên liên quan đến vụ thử hạt nhân hôm 9/9 của nước này.

Các nhà ngoại giao cho biết 5 cường quốc có quyền phủ quyết trong HĐBA - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, và Trung Quốc - đã đồng ý áp dụng các biện pháp mới, chủ yếu là nhằm vào thu nhập từ xuất khẩu than đá của Bình Nhưỡng. 

Mỹ và Trung Quốc đã mất hai tháng để thương lượng về các biện pháp chế tài mới. Giới quan sát cho rằng sở dĩ hai quốc gia này đồng thuận trong vấn đề Triều Tiên là do Bắc Kinh đã có thay đổi nhất định trong việc đánh giá tiềm lực và nguy cơ hạt nhân đến từ Triều Tiên, theo hướng xích lại gần cách tiếp cận của Mỹ. Về phía chính quyền Mỹ, từ Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đến Tổng thống đắc cử Donald Trump đều coi Triều Tiên là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Mỹ, chủ trương gia tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Đáng chú ý nhất là trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân để tự vệ, thay vì núp dưới "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ. Như vậy, có thể hiểu là dưới thời chính quyền Trump, nếu Triều Tiên chế tạo thành công vũ khí hạt nhân cũng như phương tiện chuyên chở loại vũ khí hủy diệt này, Washington có thể "bật đèn xanh" cho một cuộc chạy đua hạt nhân tại khu vực Đông Á, điều mà Trung Quốc không hề mong muốn. 

Toàn cảnh phiên họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ ngày 8/10. Ảnh: THX/TTXVN

Nghị quyết mới sẽ "bịt kín những kẽ hở” trong Nghị quyết số 2770, cắt giảm nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên từ hoạt động xuất khẩu khoảng 800 triệu USD/năm, chủ yếu là than đá xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được đến đâu là điều còn chưa rõ. Chính một quan chức Mỹ đã thừa nhận rằng nghị quyết mới có thể cản trở, trì hoãn hoặc làm chậm nỗ lực của Triều Tiên, nhưng không đủ để buộc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Đột phá trong tiến trình phi hạt nhân hóa chỉ có thể đạt được khi các bên duy trì được lòng tin - điều rất thiếu trong thời điểm hiện nay. 

Theo giới phân tích, Triều Tiên luôn tin rằng Mỹ thi hành chính sách thù địch nhằm thay đổi thể chế tại Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn xem chương trình hạt nhân là trụ cột, ưu tiên hàng đầu, và việc Triều Tiên đạt tới vị thế quốc gia hạt nhân là điều “không thể đưa ra bàn thảo”, vì đó dường như là bảo đảm duy nhất để tránh được các kịch bản đã xảy ra với Saddam Hussein (ở Iraq) hay Muammar Gaddafi (tại Lybia). 

Mặt khác, các biện pháp trừng phạt Triều Tiên có thể phát huy tác dụng hay không còn phụ thuộc rất nhiều, nếu như không nói là hoàn toàn, vào Trung Quốc - hàng xóm, đồng minh và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Thế nhưng, giới phân tích cho rằng Trung Quốc không muốn đẩy nền kinh tế của quốc gia láng giềng vào tình trạng sụp đổ vì điều đó sẽ khiến cho hàng triệu người tị nạn đổ sang Trung Quốc, thậm chí có thể dẫn đến một bán đảo Triều Tiên thống nhất nằm dưới "chiếc ô phòng thủ" của Mỹ. 

Về phía chính quyền Mỹ tới đây, trong giai đoạn đầu, nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận của người tiền nhiệm, đó là gây sức ép đối với Triều Tiên, nhưng theo hướng quyết liệt hơn. Đó có thể là việc buộc Trung Quốc thắt chặt trừng phạt kinh tế, giao thương với Triều Tiên, đưa vấn đề quan ngại an ninh Triều Tiên vào các cuộc trao đổi tiếp xúc Mỹ-Trung về kinh tế. Chính sách của ông Trump có thể được bộc lộ phần nào qua phản ứng của Mỹ trước việc Triều Tiên thử tên lửa - hành động mà nhiều chuyên gia nhận định chắc chắn sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Về lâu dài, ông Trump và các cố vấn hàng đầu tại Nhà Trắng sẽ không đưa ra bất kỳ một đối sách nào cho thấy Mỹ chấp nhận vị thế quốc gia hạt nhân của Triều Tiên. Đây sẽ vẫn là trở ngại lớn đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Hoài Thanh (Phóng viên TTXVN tại New York)
HĐBA cân nhắc siết chặt trừng phạt Triều Tiên
HĐBA cân nhắc siết chặt trừng phạt Triều Tiên

Dự thảo nghị quyết trừng phạt do Mỹ đề xuất lên LHQ sẽ cắt giảm tới 60% nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu than đá của Triều Tiên, tương đương 700 triệu USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN