Vị đắng nào cho con đường của 'ông vua chocolate'?

Một ngày sau khi những lá phiếu của cử tri Ukraine thể hiện sự ủng hộ cho "Khối Poroshenko", từ thành lũy Donetsk của lực lượng nổi dậy, những quả tên lửa Grad bay qua bầu trời.

Tổng thống Petro Poroshenko thăm một địa điểm bầu cử ở thành phố Kramatorsk, miền đông Ukraine ngày 26/10. Ảnh: AFP-TTXVN


Tổng thống Petro Poroshenko, với một sự lạc quan rõ ràng, đã gọi chiến thắng của những người theo chủ nghĩa ôn hòa trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra hôm 26/10 là một dấu hiệu cho thấy người dân Ukraine chán ngán chiến tranh đã ủng hộ những bản kế hoạch hòa bình của Tổng thống.

Hẳn nhiên, nhà lãnh đạo được phương Tây hậu thuẫn có lí do để hoan hỉ. Cử tri Ukraine đã xoay lưng lại với các đảng ủng hộ chính sách diều hâu, lực lượng yêu cầu có một chiến thắng quân sự đồng thời phản đối đề nghị của ông Poroshenko trong việc trao quyền tự trị hạn chế cho phe nổi dậy miền Đông để đổi lấy việc chấm dứt cuộc đổ máu kéo dài sáu tháng đã cướp đi sinh mạng của 3.700 người.

Bên cạnh đó, “ông vua chocolate” 49 tuổi cũng nói thêm rằng, kết quả của cuộc bầu cử quốc hội mới cũng phản ánh sự “ủng hộ mạnh mẽ và không thể đảo ngược” đối với con đường tiến đến châu Âu của Ukraine.

Nhưng, phởn phơ với chiến thắng, có vẻ như khối ủng hộ ông Poroshenko không nhận thấy một mối ưu tiên lớn của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu vốn phụ thuộc vào Nga về dầu lửa và khí đốt, là rằng họ không muốn chọc khoét thêm vào sự phật ý của người Nga.

Một số chính quyền ở châu Âu thậm chí đã ám chỉ rằng những cuộc hội đàm về quyền thành viên với Kiev là hấp tấp, một quan điểm phù hợp với cách nhìn của Điện Kremlin rằng Ukraine là một phần trong địa phận lịch sử của nước này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 28/10 đã cảnh báo rằng cuộc bầu cử theo kế hoạch vào ngày 2/11 tới ở miền Đông Ukraine của phe ly khai sẽ là bất hợp pháp và việc Moskva công nhận kết quả của cuộc bầu cử này sẽ vi phạm các thỏa thuận quốc tế.

Tiếp theo đó là tình trạng “lực bất tòng tâm” với khu vực Đông Ukraine. Ông Poroshenko hầu như không thể làm được gì ngoài việc thể hiện sự giận dữ trước kế hoạch tự tổ chức bầu cử vào ngày 2/11 của lực lượng đòi ly khai, những người được trang bị tốt và thừa tự tin.

Nhà nghiên cứu Yurriy Romanenko của nhóm nghiên cứu chính trị Stratagema tại Kiev cho rằng “Poroshenko và chính phủ của ông sẽ có một khoảng thời gian khó khăn giải quyết việc gia nhập châu Âu”, và rằng “cuộc chiến tranh sẽ còn kéo dài. Sự chống đối ở đó (Đông Ukraine) có thể tiếp tục trong nhiều năm tới”.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Christian Schulz của Ngân hàng Berenberg (Đức) thì nhận định, chính phủ mới sẽ phải bắt đầu bằng việc đàm phán một số thỏa hiệp với các phần tử ly khai sao cho lực lượng này có đủ lý do để hạ vũ khí.

Ông Schulz cũng bày tỏ lo ngại về một cuộc “xung đột đóng băng” ở khu vực công nghiệp quan trọng tại miền đông có thể khiến Ukraine kiệt quệ và bất ổn định trong một tương lai có thể dự báo trước.

Cơ quan tư vấn kinh tế Capital Economic ở London nói thêm rằng, lãnh đạo lực lượng ly khai sẽ không có phản ứng tích cực trước kết quả của cuộc bầu cử quốc hội cho thấy sự ủng hộ việc Ukraine hướng đến châu Âu bởi, theo cơ quan này, “một cuộc bầu cử của những chính trị gia thân phương Tây” khó có thể xoa dịu lực lượng nổi dậy ở miền Đông.


Anh Tiếu (Theo ASI/AFP)

Quốc hội Ukraine mới và ảnh hưởng tới quan hệ Kiev-Moskva?
Quốc hội Ukraine mới và ảnh hưởng tới quan hệ Kiev-Moskva?

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine trước thời hạn cho thấy đảng "Khối Poroshenko" của đương kim Tổng thống Petro Poroshenko chỉ ở mức thấp - điều phần nào có thể xem như thất bại của đảng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN