Vì sao Cairo mua hai chiến hạm Mistral?

Theo đánh giá của dư luận Pháp, cuối cùng Paris cũng tìm ra khách hàng mới cho hai chiến hạm Mistral: Ai Cập. Cairo sẽ mua hai tàu chiến hiện đại này để tăng cường sức mạnh hải quân trong bối cảnh tình hình khu vực có những diễn biến an ninh hết sức phức tạp. Điều đáng nói là thương vụ đã diễn ra hết sức nhanh chóng, chỉ một thời gian ngắn sau khi Pháp hoàn tất thỏa thuận thanh lý hợp đồng, không chuyển giao hai con tàu cho Nga. Hiện tại, Quốc hội Pháp vẫn tiếp tục xem xét văn kiện cho phép chính thức hủy bỏ hợp đồng với Nga.


Xét trên lĩnh vực mua bán vũ khí, Ai Cập gần đây đã nổi lên thành một khách hàng quan trọng của công nghiệp quốc phòng Pháp. Đất nước của Tổng thống Abdel-Fattah el- Sissi là khách hàng đầu tiên ngoài Pháp mua máy bay Rafale, mở ra cơ hội ký kết hàng loạt hợp đồng lớn khác, mua một số tàu hộ tống đa nhiệm lớp FREMM, còn hiện nay giúp chính quyền của Tổng thống Hollande giải bài toán hóc búa về hai tàu đổ bộ đa năng Mistral. Ai Cập đã bày tỏ quan tâm tới hai chiến hạm hiện đại này từ đầu mùa hè năm nay. Hai nước đã tiến hành hàng loạt cuộc đàm phán, tập trung vào vấn đề giá cả, bị Cairo cho là quá cao. Một số nguồn tin quốc phòng Pháp tiết lộ với hãng thông tấn AFP rằng, hai bên đã nhất trí với giá 950 triệu euro, đúng bằng số tiền mà Paris đã bỏ ra bồi thường cho Moskva.

Hai tàu đổ bộ Mistral tại xưởng đóng tàu ở Saint-Nazaire, miền tây nước Pháp ngày 21/5. Ảnh: Reuters/TTXVN


Ai Cập có rất nhiều lựa chọn khi mua tàu của Pháp, theo đánh giá của cựu đô đốc Alain Coldefy, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng, Pháp. Được tập đoàn đóng tàu DCNS sản xuất, hai chiến hạm khổng lồ - dài khoảng 200 m và rộng 32 m - trước hết là tàu chở trực thăng nhưng rất đa năng, trong đó đặc biệt là khả năng triển khai lực lượng chiến đấu, hoạt động như một tàu bệnh viện và trung tâm chỉ huy. Trong cuốn sách mới nhan đề “Triển khai trực thăng”, đại tá Pháp Pierre Verborg đã tường thuật khá chi tiết các nhiệm vụ mà Mistral thực hiện trong chiến dịch tấn công Libya năm 2011.

 Theo đó, khi tiến gần tới lãnh hải nước này, tàu đóng vai trò là sân bay trực thăng ở ngay tuyến đầu, cho phép lục quân Pháp tấn công phá hủy nhiều mục tiêu trên bộ của Libya, không phải chỉ là điểm tựa chiến thuật như thông thường. Trong chiến dịch Licorne tại Côte d'Ivoire, Mistral lại trở thành trung tâm chỉ huy, còn trong chiến dịch ở Liban năm 2006, nó là điểm tập kết để sơ tán công dân Pháp. “Đây là chiến hạm tối hiện đại và duy nhất” trên thế giới, ông Coldefy nhấn mạnh.

Tewfik Aclimandos, Giáo sư Đại học Pháp tại Ai Cập, “từ 10 đến 15 năm nay, Ai Cập không đầu tư lớn cho hải quân”. Tuy nhiên, tình hình an ninh khu vực đang xấu đi trông thấy. Ông nhấn mạnh: “Ai Cập đang phải đối mặt với những thách thức an ninh lớn, đòi hỏi phải có khả năng triển khai lực lượng và giám sát tốt” khi đề cập tới các vấn đề phức tạp tại Libya, bán đảo Sinai, kênh đào Suez hay vùng vịnh Aden. Còn theo cựu đô đốc Codelfy, “với các chiến hạm này, quân đội Ai Cập sẽ sở hữu một căn cứ không quân nổi”.

Báo chí Pháp cho biết Ai Cập đã phải cố gắng rất nhiều để quyết định mua lại hai chiến hạm Pháp. Tình trạng tài chính của nước này không sáng sủa, với mức thâm hụt ngân sách năm 2014 lên đến 17,7% GDP. Trước đó, để ký hợp đồng mua 24 máy bay Rafale của Pháp, Cairo đã phải vay đến một nửa hóa đơn thanh toán (2,5 tỷ euro) từ một nhóm ngân hàng Pháp. Lần này, theo Giáo sư Aclimandos, để mua hai con tàu Ai Cập có thể phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính của các quốc gia vùng Vịnh nhiều dầu mỏ, nhất là Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và Saudi Arabia, tuy số tiền cụ thể chưa rõ là bao nhiêu.

Tuy nhiên, nhu cầu của hải quân Ai Cập không chỉ giới hạn ở các tàu chiến. Nước này còn cần tới thủy thủ đoàn đủ khả năng vận hành chúng. Trong hợp đồng mua máy bay Rafale trước đây đã có điều khoản quy định về huấn luyện, chắc chắn hợp đồng mua hai tàu chiến Mistral sẽ có nội dung này. Theo đô đốc Coldefy, phi công Ai Cập sẽ phải học cách hạ cánh trên các sân đỗ trực thăng di động theo nhiều hướng. Do đó, mua tàu mới chỉ là bước đầu, cần nhiều thời gian cũng như nhiều triệu euro nữa.
 
Tiến Nhất
Vì sao Cairo mua hai chiến hạm Mistral?
Vì sao Cairo mua hai chiến hạm Mistral?

Theo đánh giá của dư luận Pháp, cuối cùng Paris cũng tìm ra khách hàng mới cho hai chiến hạm Mistral: Ai Cập. Cairo sẽ mua hai tàu chiến hiện đại này để tăng cường sức mạnh hải quân trong bối cảnh tình hình khu vực có những diễn biến an ninh hết sức phức tạp. Điều đáng nói là thương vụ đã diễn ra hết sức nhanh chóng, chỉ một thời gian ngắn sau khi Pháp hoàn tất thỏa thuận thanh lý hợp đồng, không chuyển giao hai con tàu cho Nga. Hiện tại, Quốc hội Pháp vẫn tiếp tục xem xét văn kiện cho phép chính thức hủy bỏ hợp đồng với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN